An ninh trật tự
Cảnh báo thủ đoạn gắn thẻ để chiếm đoạt tài khoản Facebook
07:32, 15/12/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những ngày qua trên mạng xã hội chia sẻ thủ đoạn lừa đảo đánh cắp tài khoản facebook vô cùng tinh vi, dễ dàng đánh lừa người sử dụng mạng xã hội. Đó là chiêu trò gắn thẻ (tag) tên người dùng facebook vào các bài viết. Nhiều người đã bị chiếm đoạt tài khoản chỉ với chiêu trò này.
Người dùng facebook được gắn thẻ vào những bài viết có tính nhạy cảm, kích thích sự tò mò của người đọc |
Mới đây, trang Fanpage Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Nghệ An vừa đăng tải nội dung cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản facebook mới. Theo đó, thời gian qua, rất nhiều người bị chiếm đoạt tài khoản facebook mà không biết nguyên nhân. Theo đó, khoảng thời gian gần đây, nhiều người sử dụng mạng xã hội thấy mình được gắn thẻ trong các bài viết có nội dung kịch tính, kích thích gây cảm giác tò mò. Khi ấn vào xem, đường link bài viết sẽ dẫn bạn đến một ô đăng nhập lại facebook. Lúc này nếu không cảnh giác và đăng nhập thông tin tài khoản của bạn thì hacker sẽ thu thập và chiếm đoạt.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo gắn thẻ rất nhiều người dùng facebook kể cả những người có quan hệ bạn bè và chưa kết bạn vào những bài viết có nội dung giật gân, kịch tính từ các trang mạng. Anh N.T.A. (trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An), một nạn nhân của trò lừa đảo này cho biết: “Thấy mình được gắn thẻ trong một bài viết kèm link của trang đó nên tôi đã clik vào để xem. Nhưng khi clik vào thì không dẫn ra bài viết đó mà một giao diện khác yêu cầu tôi xác minh tài khoản. Tôi đã bị mất tài khoản vì sự nhẹ dạ của mình. Kẻ xấu đã sử dụng tài khoản của tôi để vay tiền, xin thẻ điện thoại. Tôi đã nhờ bạn bè, người thân trên mạng xã hội thông báo tài khoản mình đã bị chiếm đoạt”. Theo các chuyên gia an ninh mạng, những bài báo được các đối tượng dẫn vào bài viết là thật, tuy nhiên, các đối tượng chỉ sử dụng ảnh đại diện cho bài viết đó còn thực chất là dẫn người dùng đến một trang để ghi nhận thông tin người dùng khai.
Phòng Cảnh sát Hình sự nhận định, đây là một thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, nhiều người dễ “sập bẫy” vì đánh trúng sự tò mò của mọi người. Vì vậy, những người sử dụng facebook cần phải cảnh giác cao độ, tuyệt đối không cung cấp thông tin, tài khoản cá nhân của mình. Nếu rơi vào những trường hợp trên phải nhanh chóng xóa “tag” tên mình khỏi những bài viết đó và cảnh báo cho những người xung quanh để đề phòng.
Trên thực tế, thời gian qua có rất nhiều thủ đoạn tinh vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Trên Fanpage Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An cũng đã thống kê một số thủ đoạn phổ biến, bao gồm: Mạo danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giả danh người nước ngoài gửi quà về Việt Nam làm từ thiện, mua nhà; muốn nhận được phải nộp thẻ điện thoại… chiếm đoạt tài khoản facebook; lừa đảo bằng hình thức bán hàng trực tuyến; lừa đảo quyên góp từ thiện; lừa đảo livestream bói toán trên mạng xã hội… Trước đó, Báo Công an Nghệ An cũng đã đăng tải bài báo một nạn nhân ở Diễn Châu đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 1 tỉ đồng trong tài khoản, với thủ đoạn lừa đảo cài đặt phần mềm bảo vệ tài khoản ngân hàng của Bộ Công an. Các đối tượng xấu đã giả danh nhân viên bưu điện, cán bộ Công an lừa đảo yêu cầu nạn nhân cài mã độc để chiếm đoạt các thông tin cá nhân, sau đó chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng.
Khi clik vào, người dùng được yêu cầu cung cấp tài khoản cá nhân |
Thực chất, đây là phần mềm gián điệp được các đối tượng sử dụng biểu tượng hình ảnh Công an hiệu để đánh lừa người dân. Sau khi nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân và cài đặt phần mềm này, các đối tượng chiếm đoạt được quyền điều khiển tài khoản. Sau đó đăng nhập vào ứng dụng internet banking của ngân hàng để chuyển tiền sang tài khoản của mình. Quá trình các đối tượng thực hiện nạn nhân không hề hay biết, do toàn bộ tin nhắn ngân hàng đã bị phần mềm gián điệp đánh cắp và xóa khỏi điện thoại của nạn nhân.
Bộ Công an đã phát cảnh báo người dùng điện thoại hệ điều hành Android về phần mềm gián điệp đặc biệt nguy hiểm này. Đây là phần mềm gián điệp được lực lượng Công an phát hiện vào tháng 10/2020, các đối tượng sử dụng để lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người dùng điện thoại hệ điều hành Android. Cơ quan Công an đã tiếp nhận và phát hiện hàng chục bị hại tại các tỉnh, thành như Nghệ An, Đà Nẵng, Huế, Tuyên Quang, An Giang… bị các đối tượng trộm cắp, chiếm đoạt hàng trăm tỉ trong tài khoản ngân hàng. Trung tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: “Lấy lý do bảo mật thông tin tài khoản, các đối tượng yêu cầu nạn nhân tải và cài đặt ứng dụng mạo danh phần mềm Bộ Công an có hình ảnh huy hiệu Công an mang tên Bộ Công an. Đây là hoạt động mạo danh Bộ Công an nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Anh Quân (tổng hợp)