An ninh trật tự
Gia tăng tình trạng người chưa thành niên phạm tội
09:29, 13/11/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tội phạm có xu hướng trẻ hóa với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động. Trong đó đáng chú ý là tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Băng nhóm cướp tài sản tại TP Vinh và Cửa Lò chủ yếu là các thanh niên độ tuổi 14 - 18 tuổi |
Qua tìm hiểu, hầu hết các thanh niên này đều sống lêu lổng, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình từ nhỏ. Việc thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường khiến các em sớm hình thành lối sống lệch chuẩn, ăn chơi, đua đòi, thích hưởng thụ dẫn đến thực hiện các hành vi phạm tội. Cá biệt như trường hợp của Trần Văn Thành và Lê Bách Sam. Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Thành 16 tuổi còn Sam mới chỉ 15 tuổi. Cả bố và mẹ của Thành đều chấp hành án phạt tù. Thành lớn lên trong trại trẻ mồ côi, chỉ đến khi bố được tha tù, Thành mới được bố đón về nhà. Còn Lê Bách Sam, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa nên Sam thiếu vắng tình thương của cả bố lẫn mẹ, thường xuyên bỏ nhà đi, sống lêu lổng, giao du với các đối tượng xấu.
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát hiện 202 vụ, 298 đối tượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong số này có 12 đối tượng nữ. Qua phân tích tội danh, 2 nhóm tội danh, trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích chiếm tỉ lệ cao nhất. Trong đó, trộm cắp tài sản là 42 vụ, 64 đối tượng; cố ý gây thương tích là 32 vụ, 62 đối tượng. Thời gian qua, tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra một số vụ việc tính chất tương đối nghiêm trọng, phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Công an Nghệ An đã xử lý hình sự 84 vụ, 120 đối tượng; xử lý hành chính 115 vụ, 173 đối tượng. Giao cho gia đình quản lý giáo dục 92 trường hợp; ra quyết định quản lý giáo dục 7 em, lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng 12 em.
Đánh giá của lực lượng chức năng cho thấy, nguyên nhân của tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật chủ yếu là thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái dẫn đến các đối tượng này dễ bị dụ dỗ, lôi kéo bỏ học, tụ tập ăn chơi đua đòi dẫn đến thực hiện các hành vi phạm tội. Sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể còn thiếu chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục đạo đức lối sống cho người chưa thành niên. Mặt khác, do tác động của môi trường sống, các tệ nạn xã hội, ma túy, cờ bạc, văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người chưa thành niên dẫn đến tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống. Lối sống lêu lổng, ăn chơi đua đòi trong khi bản thân không làm ra tiền nên đã tụ tập, cấu kết thực hiện hành vi trộm cắp tài sản để lấy tiền tiêu xài, ăn chơi.
Thậm chí có nhiều trường hợp lấy trộm tiền của gia đình, người thân và ngay tại trường học. Như trường hợp của Trần Quốc Hiếu (SN 2002), học sinh lớp 12, Trường THPT Đô Lương 1. Hiếu thực hiện hành vi phạm tội một mình, đã nghiên cứu, lên kế hoạch từ trước và chuẩn bị các phương tiện gây án gồm búa, lưỡi cưa, đèn pin, đến Trường THCS Nguyễn Quốc Trị (xã Đà Sơn, huyện Đô Lương) để trộm cắp tài sản. Tại đây, Hiếu đột nhập phòng hiệu trưởng cạy cánh cửa tủ lấy 5 điện thoại di động và 1 laptop.
Tội phạm cố ý gây thương tích là nhóm tội phạm đứng thứ 2 sau trộm cắp tài sản. Chủ yếu ở trong độ tuổi này, các em có xu hướng giải quyết mâu thuẫn cá nhân bằng bạo lực để thể hiện, khẳng định bản thân. Do đó, khi có mâu thuẫn cá nhân thường gọi bạn bè, hội nhóm đến gây gổ, đánh nhau. Đơn cử như sự việc vào cuối tháng 7, tại xã Đôn Phục, huyện Con Cuông. Do có mâu thuẫn cá nhân nên một nhóm 6 đối tượng đã dùng hung khí chặn đánh em Lô Thanh Thượng (SN 2000, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông) khi đang đi chơi với bạn.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho biết: Thời gian qua, tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Qua nghiên cứu các vụ trọng án, nhất là các vụ cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản gia tăng chủ yếu là do nguyên nhân xã hội: Thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Trong vụ án này cũng vậy, cả hai còn rất trẻ nhưng lại có hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội. Gia đình là cái nôi hình thành, giáo dục nhân cách của trẻ, thiếu đi yếu tố này dẫn đến trẻ có lối sống buông thả, nhận thức lệch lạc, sớm sa ngã. Phía cơ quan Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát, bổ sung, phân loại, quản lý các đối tượng trong diện nghi vấn để tập trung phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả. Bên cạnh đó phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền pháp luật, ký cam kết học sinh không vi phạm pháp luật tại các nhà trường. Tuy nhiên, gia đình có ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, quản lý con em mình.
Thương Huyền