(Congannghean.vn)-Trước sự gia tăng và thủ đoạn phức tạp của tội phạm “tín dụng đen”, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Sau một năm triển khai, Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong đấu tranh với tội phạm này.
Kỳ 2: Quyết liệt ngăn chặn, không để tội phạm “tín dụng đen” có đất sống
Đồng chí Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao thưởng cho Phòng Cảnh sát Hình sự vì có thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao |
Để chấn chỉnh các hoạt động “tín dụng đen”, Công an Nghệ An tổ chức truy quét, tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính trên địa bàn toàn tỉnh. Với sự vào cuộc quyết liệt từ cấp tỉnh đến cơ sở, Nghệ An đã tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen”.
“Tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 113 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 102 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”, trong đó trên địa bàn TP Vinh có 60 cơ sở kinh doanh cầm đồ, 71 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính. Trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ và cho vay nặng lãi “tín dụng đen” trên địa bàn TP Vinh nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung diễn biến khá phức tạp. Nổi lên là tình trạng một số cơ sở núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính để cho vay với lãi suất cao, vượt hàng chục lần so với mức pháp luật cho phép. Ngoài ra, với thủ tục nhanh gọn nên nhiều cá nhân, tổ chức thường tìm đến “tín dụng đen” vì dễ tiếp cận vốn mà không cần phải chứng minh tài sản. Việc cho vay “tín dụng đen” hiện nay đi liền với tài sản thế chấp là đất đai, nhà cửa… Đáng chú ý, hoạt động “tín dụng đen” ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động, len lỏi từ thành thị đến nông thôn, nhiều người dân do thiếu hiểu biết nên đã trở thành nạn nhân và lâm vào cảnh khốn cùng.
Thực chất của việc thành lập công ty, cửa hàng kinh doanh dịch vụ tài chính chỉ là để hợp pháp hóa việc cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”. Qua tìm hiểu các quy định về việc đăng ký hoạt động trong lĩnh vực tài chính vẫn còn nhiều kẽ hở. Thủ tục đăng ký kinh doanh tài chính thuận lợi, dễ dàng và không bị hạn chế. Các quy định về hoạt động giao dịch tài chính còn chung chung không phân định rõ hoạt động nào được phép kinh doanh, hoạt động nào bị cấm. Do đó, trên thực tế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tổ chức nhiều hoạt động như mua bán; ký gửi tài sản có giá trị; hỗ trợ, cho vay tiền dưới hình thức tín dụng không phải thế chấp tài sản; thủ tục vay đơn giản, không ràng buộc.
Tổng kiểm tra toàn diện
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm này trên phạm vi cả nước, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trước đó, Nghệ An cũng đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tấn công, trấn áp loại tội phạm này. UBND tỉnh đã ban hành công văn trong đó giao cho Công an Nghệ An chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các tỉnh tập trung triển khai các biện pháp đấu tranh.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, ngay sau đó, Công an Nghệ An đã phối hợp các ban, ngành liên quan tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh cầm đồ; các cơ sở, cá nhân kinh doanh tài chính có phép hoặc không phép hiện đang hoạt động trên địa bàn. Trong đó, TP Vinh là địa bàn triển khai đầu tiên, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã khẩn trương tiến hành các cơ sở cấp huyện. Trong đợt kiểm tra này, đoàn đã tập trung vào các cơ sở có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”, có biểu hiện sai phạm trong hoạt động kinh doanh, do đối tượng hình sự chỉ đạo, điều hành…
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra hồ sơ pháp lý việc thành lập, tổ chức hoạt động, các hồ sơ, hợp đồng phản ánh hoạt động vay tiền hoặc cầm cố tài sản, lãi suất vay, nắm bắt chặt chẽ nhân thân các chủ cơ sở, nhân viên, tiến hành thu giữ, niêm phong những tài liệu, đồ vật liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là hoạt động “tín dụng đen” như các loại sổ sách, máy vi tính, điện thoại di động… Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 105 cơ sở vi phạm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An đã triển khai 39 cuộc thanh, kiểm tra tại các tổ chức tín dụng. Qua kiểm tra đã ban hành gần 300 kiến nghị liên quan đến hoạt động tín dụng, 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Công an Nghệ An đã triển khai các đợt cao điểm gắn với chỉ tiêu triệt phá, điều tra các chuyên án, vụ án liên quan đến “tín dụng đen”. Quá trình triển khai, các địa phương cũng đã tiến hành một cách quyết liệt, ngoài vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, trong đó tập trung vào nội dung Chỉ thị 12, phương thức, hậu quả của “tín dụng đen”; giới thiệu những chính sách tài chính, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, tổ hợp tài chính hợp pháp. Cũng phải nói thêm, ngành Ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp từng đối tượng khách hàng, đặc biệt có nhiều chính sách ưu tiên các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho biết: Quá trình kiểm tra, chúng tôi đã cùng Sở Tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, thường xuyên rà soát những bất cập trong quy định các văn bản pháp luật liên quan và họp bàn, kịp thời kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản, hướng dẫn giải đáp, tháo gỡ. Công an Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các cơ sở kinh doanh có điều kiện.
Không để tội phạm “tín dụng đen” có đất sống
Không phải đến khi Chỉ thị 12 được ban hành, Nghệ An mới có những bước đi quyết liệt trong xử lý với tội phạm này. Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm “tín dụng đen”, Công an Nghệ An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đấu tranh để ổn định tình hình ANTT, không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Từ ngày 15/11/2018 đến 25/4/2019, trước khi Chỉ thị 12 được ban hành, Công an Nghệ An đã khởi tố 9 vụ, 17 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; xử lý hành chính 40 đối tượng cho vay nặng lãi; khởi tố 6 vụ, 23 bị can về các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động này như đòi nợ thuê, xiết nợ, cố ý gây thương tích… Sau 1 năm triển khai Chỉ thị 12, Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 17 vụ, 30 bị can, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm trước. Những kết quả này đã đưa Nghệ An trở thành địa phương đi đầu cả nước đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.
Đặc biệt, đã kịp thời phá thành công nhiều chuyên án, bóc gỡ nhiều đường dây “tín dụng đen” do các đối tượng hình sự cộm cán điều hành, gây được tiếng vang, được Bộ Công an, UBND tỉnh ghi nhận, khen thưởng. Đơn cử như Công an TP Vinh triệt xóa ổ nhóm đối tượng hình sự hoạt động “tín dụng đen, chứng minh số tiền cho vay trên 2,5 tỉ đồng, bắt giữ 4 đối tượng, trong đó có 2 anh em ruột Nguyễn Tiến Hùng (SN 1991) và Nguyễn Tiến Lực (SN 1991) cùng trú tại xóm Mai Lộc, xã Hưng Đông; Lê Tất Thành (SN 1987) trú tại khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh và Nguyễn Tài Thịnh (SN 1995) trú tại xóm Mai Lộc, xã Hưng Đông, cùng TP Vinh. Công an huyện Nghĩa Đàn phá chuyên án, bắt 3 đối tượng, làm rõ số tiền cho vay 11,5 tỉ đồng… Hay mới đây nhất, Công an Nghệ An vừa tổ chức trao thưởng cho Phòng Cảnh sát Hình sự vì đã có thành tích xuất sắc, triệt xóa ổ nhóm hình sự hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao với số tiền hàng tỉ đồng.
Có thể thấy, sau 1 năm triển khai Chỉ thị 12, với sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt của các cấp, ngành, tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn có biểu hiện co cụm. Nhiều cơ sở cầm đồ, dịch vụ tài chính dừng hoạt động hoặc chuyển địa bàn hoạt động. Tình trạng treo biển, phát, dán tờ rơi quảng cáo giảm hẳn. Mặc dù vậy, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là sử dụng mạng internet, các phần mềm quản lý để che giấu gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra.
.