(Congannghean.vn)-Lãi suất cao, lãi mẹ đẻ lãi con, không trả được thì bị đe dọa, khủng bố… là hậu quả mà người vay tiền của các nhóm “tín dụng đen” phải đối mặt. Dù vậy vẫn có rất nhiều người dân tìm đến “tín dụng đen” khiến hoạt động này có đất sống và phát triển phức tạp. Để chấn chỉnh các hoạt động “tín dụng đen”, mới đây, Công an Nghệ An đã thành lập các tổ công tác tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính trên địa bàn TP Vinh.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” |
“Tín dụng đen” núp bóng dưới nhiều hình thức
Là một con nợ của “tín dụng đen”, anh C.Đ.S. trú tại huyện Diễn Châu đã “sập bẫy” của băng nhóm “tín dụng đen” và nhận “trái đắng” khi nhiều lần đến hạn trả nợ mà không có khả năng chi trả. Lãi mẹ đẻ lãi con khiến anh đã khó khăn nay lại phải rơi vào cảnh trắng tay, bán hết tài sản, cầm cố nhà cửa để trả nợ. Anh S. cho biết: “Vay ngân hàng nhiều thủ tục rườm rà, phải thế chấp nhà cửa, trong khi ở đó chỉ cần một vài giấy tờ tùy thân là được. Vì cần tiền gấp nên tôi cũng không suy nghĩ nhiều mà cứ thế vay tiền”. Mặc dù bị băng nhóm này nhiều lần điện thoại và đến nhà đe dọa nhưng anh S. vẫn không dám đứng ra tố cáo. Chỉ đến khi lực lượng Công an kiên trì vận động, thuyết phục, anh mới tố cáo hành vi của bọn chúng.
Từ trình báo của anh S. và một số nạn nhân khác, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An đã có cơ sở để triệt xóa băng nhóm hình sự cho vay lãi nặng do Nguyễn Trung Tính (SN 1981, tên thường gọi là “Út Thành”) trú tại xóm Xuân Trang, xã Nghi Đức, TP Vinh cầm đầu, góp phần ổn định dư luận, đảm bảo ANTT trên địa bàn.
“Tín dụng đen” được hiểu là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước hay pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Những kẻ hoạt động “tín dụng đen” thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính…
Các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu, mua bán ký gửi, cho thuê xe… với lãi suất cao). Hiện nay, hoạt động “tín dụng đen” núp bóng diễn ra phổ biến ở các địa phương, nhiều người dân do thiếu hiểu biết nên đã trở thành nạn nhân. Điều đáng nói, “tín dụng đen” hoạt động ngày càng phức tạp, len lỏi từ nông thôn đến thành thị.
Tại Nghệ An hiện có 113 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 102 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”, trong đó TP Vinh có 60 cơ sở kinh doanh cầm đồ, 71 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính.
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ và cho vay nặng lãi trên địa bàn TP Vinh nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung diễn biến khá phức tạp, nổi lên là tình trạng một số cơ sở núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, hỗ trợ tài chính với thủ tục nhanh gọn, lãi suất vay cao, vượt hàng chục lần so với mức pháp luật cho phép. Do đó, dẫn đến tình trạng xiết nợ, đòi nợ thuê, đe dọa khủng bố về tinh thần, ném chất bẩn vào nhà con nợ, gây sức ép về vật chất, tinh thần để đòi tiền, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Tấn công quyết liệt với tội phạm “tín dụng đen”
Trước tình hình hoạt động “tín dụng đen” gây ảnh hưởng đến ANTT địa bàn, ngày 5/1/2018, UBND tỉnh ký Quyết định số 04/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; hoạt động ngân hàng, tín dụng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã khẩn trương phối hợp với các ngành liên quan thành lập 2 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất, công khai tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên địa bàn TP Vinh. Trong đó, tập trung vào các cơ sở có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”, có biểu hiện sai phạm trong hoạt động kinh doanh, do đối tượng hình sự chỉ đạo, điều hành… Rà soát, kiểm tra hồ sơ pháp lý việc thành lập, tổ chức hoạt động, các hồ sơ, hợp đồng phản ánh hoạt động vay tiền hoặc cầm cố tài sản, lãi suất vay, nắm bắt chặt chẽ nhân thân các chủ cơ sở, nhân viên, tiến hành thu giữ, niêm phong những tài liệu, đồ vật liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là hoạt động “tín dụng đen” như các loại sổ sách, máy vi tính, điện thoại di động…
Đến nay, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra 44 cơ sở, trong đó lập biên bản xử phạt 30 cơ sở vi phạm. Qua kiểm tra, một số lỗi vi phạm như không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý ANTT đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó một số cơ sở cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản như cơ sở Tín Thành (số 3, đường Mai Lão Bạng, xã Nghi Phú, TP Vinh); nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định, không ghi vào sổ quản lý dịch vụ cầm đồ như cơ sở Phú Nguyên (số 50, Trường Chinh); cơ sở Hoa Hạnh (số 13, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi) cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ…
Tại cuộc họp rút kinh nghiệm do đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì diễn ra vào ngày 10/1, các đoàn kiểm tra đã báo cáo kết quả cũng như những vướng mắc trong quá trình kiểm tra. Trong đó, việc các cơ sở dịch vụ tài chính hoạt động biến tướng dưới hình thức mua bán, ký gửi cho thuê xe nhưng thực chất là cho vay tiền lãi suất cao gây khó khăn cho việc thu thập, chứng minh của cơ quan chức năng. Chưa kể người đi vay, cầm cố tài sản không hợp tác với cơ quan chức năng cũng gây nhiều khó khăn cho lực lượng Công an trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi cho vay nặng lãi.
Các quy định của pháp luật hiện hành chưa cụ thể, chặt chẽ nên công tác xử lý còn khó khăn. Đơn cử hành vi cầm cố các loại giấy tờ như giấp phép lái xe, chứng minh nhân dân, đăng ký xe… chưa có chế tài xử lý. Trong đợt kiểm tra này có nhiều cơ sở cầm đồ đóng cửa tạm dừng hoạt động hoặc chuyển đi nơi khác nhưng không thông báo với cơ quan chức năng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghị lãnh đạo đơn vị liên quan, các đoàn kiểm tra thể hiện quyết tâm cao trong công tác đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”; tập trung cơ sở của các đối tượng hình sự cộm cán cho vay lãi nặng không đăng ký, không có trụ sở; tiếp tục rà soát thống kê các cơ sở chưa kiểm tra; các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê để tham mưu đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh các giải pháp xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, kiên quyết không để “tín dụng đen” lộng hành, gây ảnh hưởng đến ANTT.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Bộ cũng sẽ chỉ đạo toàn lực lượng Công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, góp phần răn đe và phòng ngừa chung. |