An ninh trật tự
Cần nâng cao cảnh giác trước hoạt động của Hội Thánh Đức chúa trời Mẹ
09:12, 17/05/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với sự chủ động tích cực của các cơ quan chức năng, hoạt động của Hội Thánh Đức chúa trời Mẹ chưa có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, người dân, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên cần chuẩn bị tâm thế, kiến thức vững vàng trước những chiêu thức “vươn tầm ảnh hưởng” của Hội Thánh Đức chúa trời Mẹ.
Hội Thánh Đức chúa trời Mẹ có lịch sử phát triển cách đây khoảng 50 năm. Năm 1964, Ahn Sahng Hong (Anh Xang Hồng) - một người xuất thân từ gia đình Phật giáo nhưng bản thân cải đạo sang hệ phái Cơ đốc Phục Lâm, đã sáng lập ra tổ chức mang tên “Hội Thánh Đức chúa trời các nhân chứng của Đấng Anh Xang Hồng”. Năm 1997, nhóm này đổi tên thành “Hội Thánh của Đức chúa trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành thế giới”.
Vì Hội Thánh giải thích và thực hành Kinh thánh có nhiều điểm khác biệt so với cộng đồng Ki tô giáo nói chung, trong đó việc tin có “Đức Chúa trời Mẹ” bị các tổ chức Tin lành phản đối, cho đây là “tà đạo” và gọi là Hội Thánh của Đức chúa trời Mẹ để phân biệt với các Hội Thánh của Đức chúa trời khác thuộc đạo Tin lành. Hội Thánh của Đức chúa trời Mẹ phát triển vào Việt Nam từ năm 2001, do một số giáo sỹ Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và một số người Việt Nam sau khi tham gia học tập, lao động ở Hàn Quốc trở về. Tính đến nay, tổ chức này phát triển được khoảng 5.000 người tin theo trên phạm vi 25 tỉnh, thành; trụ sở chính đặt tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.
Đội khăn ren trắng khi sinh hoạt là một trong những đặc điểm nổi bật của Hội Thánh Đức chúa trời Mẹ |
Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ cũng sử dụng Kinh thánh và tin có Đức chúa trời Ba Ngôi như đa số các tổ chức đạo Tinh lành khác. Tuy nhiên, tổ chức này tin Đức chúa Ba Ngôi đã hiện thân vào ông Anh Xang Hồng (họ gọi là Đấng Anh Xang Hồng, Đức chúa trời Cha) và tin có Đức chúa trời Mẹ (hiện thân là bà Jang Gil - Ja). Trong sinh hoạt tôn giáo, tổ chức này không sử dụng cây Thánh giá, tượng Chúa; không tổ chức lễ Giáng sinh. Nghi thức của “Hội thánh” này, nữ trùm khăn ren trắng.
Ngoài lễ Sabat diễn ra vào thứ 7 hàng tuần, trong năm còn có 7 lễ chia làm 3 kỳ gồm nhiều lễ. Để tượng trưng cho máu và thịt (mình) Chúa, họ dùng nước ép nho (có màu đỏ) và bột mì để làm bánh không men (nước ép nho và bột mì trên thị trường). Những người theo “Hội thánh” này đều tin “Đức chúa trời cha” và “Đức chúa trời mẹ” là cha, mẹ của họ (phần linh hồn), người cùng “Hội thánh” là anh chị em ruột, gọi “Hội Thánh là Sion - Hội thánh của Đức chúa trời” và được tổ chức như “ngôi nhà của mẹ”, với ý nghĩa các thành viên có thể đến ăn, nghỉ, chia sẻ, tương trợ lẫn nhau mỗi khi cần. Trong các buổi sinh hoạt, người đứng đầu sẽ đọc, phân tích các nội dung trong “Kinh thánh Tân ước”, “Cựu ước”, “Bài ca mới”, “Khách khứa đến từ thế giới”, về ngày tận thế, từ đó các thành viên phải tin theo, thảo luận để được “cứu rỗi”.
Hiện nay, Hội thánh của Đức chúa trời Mẹ truyền đạo núp bóng đạo Thiên chúa, có những đoạn kinh biến tấu từ đạo Tin lành. Tuy nhiên, “Hội thánh” quan niệm: Người do Chúa sinh ra và sau khi chết đi muốn lên thiên đàng phải vào hội mới được hưởng cuộc sống hạnh phúc; phá bỏ bàn thờ, không thờ phụng tổ tiên; không duy trì hạnh phúc gia đình, không sinh hoạt vợ chồng; sống bầy đàn, bẩn thỉu, không tắm rửa, chỉ ăn cơm không, không ăn thức ăn nhưng lại thích ăn thịt chó. Họ còn quan niệm chết sẽ được siêu thoát lên Thiên đàng, chính vì vậy, xem nhẹ chuyện chết và mong được chết để được siêu thoát… Nhiều người theo tổ chức này đã bỏ bê công việc, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn, sinh viên bỏ học… nên người thân đã viết đơn tố cáo gửi đến các cấp chính quyền.
Để đối phó với các cơ quan chức năng, những người cầm đầu, hoạt động tích cực trong “Hội” thường không sinh sống tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú mà tạm trú tại các khu nhà trọ tập trung sinh viên, học sinh, những người lao động phổ thông nên có điều kiện tuyên truyền, lôi kéo đối tượng là học sinh, sinh viên tham gia. Hiện, Hội thánh của Đức chúa trời Mẹ không chỉ lôi kéo lương dân mà còn tiến hành tuyên truyền, lôi kéo cả những tín đồ của Phật giáo, Công giáo và Tin lành…, gây nên sự lo lắng cho các giáo hội. Những hoạt động đi ngược với thuần phong mỹ tục, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lệch chuẩn với xã hội khiến người dân hết sức bất bình. Bên cạnh đó, hành vi lợi dụng mở các văn phòng đại diện, thành lập công ty, buôn bán hàng hóa đa cấp, trung tâm trá hình để phát triển Hội thánh của Đức chúa trời Mẹ cũng khiến nhiều người lo lắng, ảnh hưởng đến TTXH trên địa bàn.
Tại Nghệ An, Hội Thánh Đức chúa trời Mẹ bắt đầu manh nha từ khoảng đầu tháng 7/2016, do một số đối tượng ở địa phương, công tác, học tập ở một số tỉnh, thành trong cả nước đã tham gia hoạt động Hội Thánh của Đức chúa trời truyền về. Hiện nay, tính đến tháng 5/2018, có khoảng 80 người tham gia Hội Thánh Đức chúa trời Mẹ, chủ yếu ở TP Vinh và các huyện lân cận. Số tín đồ tham gia gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó phần lớn là số sinh viên và phụ nữ.
Trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa có nhóm tín đồ tôn giáo hoặc tổ chức có tên Hội Thánh của Đức chúa trời Mẹ đăng ký sinh hoạt tôn giáo hoặc tổ chức có tên Hội Thánh của Đức chúa trời Mẹ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo các điều 16, 17, Luật Tín ngưỡng tôn giáo hay đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo Điều 18, 19, Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Như vậy, hoạt động của tổ chức tự xưng là Hội Thánh của Đức chúa trời Mẹ là vi phạm pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Gần đây, Công an TP Vinh và Công an huyện Nghĩa Đàn cũng đã phát hiện các đối tượng liên quan đến hoạt động Hội thánh Đức chúa trời Mẹ. Đáng chú ý, tại Nghĩa Đàn, cơ quan chức năng phát hiện đối tượng Phan Thị Sương đến thuê phòng trọ tại xóm 4, xã Nghĩa Trung với danh nghĩa là mở rộng thị trường giấy cao cấp, nem… nhưng mục đích là lôi kéo nhân dân thuộc địa bàn huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa vào sinh hoạt tôn giáo trái phép. Trước đây, vào ngày 27/3/2018, đối tượng Phan Thị Sương cũng có hoạt động tương tự tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn nhưng đã bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phát hiện, xử lý.
Hoạt động vi phạm pháp luật, các sinh hoạt tôn giáo lại hoàn toàn đi ngược với thuần phong mỹ tục, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của một bộ phận dân cư - những điểm chính trên khiến sự phản đối của người dân về Hội Thánh của Đức chúa trời Mẹ ngày càng tăng cao. Vì thế, ngoài thái độ kiên quyết của các cơ quan chức năng và việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật thì thái độ cảnh giác, cẩn trọng của người dân là rất cần thiết để không sa vào “lưới võng” của Hội Thánh của Đức chúa trời Mẹ.
Tuệ Trang