(Congannghean.vn)-Khó khăn trong việc đi lại, gương mặt nhợt nhạt, thoạt nhìn bên ngoài, không ai nghĩ Lê Viết Duẩn lại là đối tượng bị tạm giữ trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, bù lại với ngoại hình có phần hạn chế, ông trời lại phú cho hắn khả năng giao tiếp linh hoạt, dễ đi vào lòng người. Thế nên, chỉ qua câu chuyện, một lời gợi mở, hắn đã lừa đảo người bị hại, khiến họ hết mực tin tưởng trao cho hắn số tiền lớn dưới hình thức không mới nhưng chưa bao giờ cũ - xuất khẩu lao động.
Lê Viết Duẩn tại cơ quan CSĐT Công an TP Vinh |
Ngồi đối diện với Đại úy Nguyễn Công Du, cán bộ Đội Điều tra Tổng hợp Công an TP Vinh tại nhà tạm giữ, Lê Viết Duẩn (SN 1973) chỉ quan tâm đến việc thăm gặp của người thân. Thời gian bị tạm giữ, Duẩn rất nhớ nhà. Đó cũng là điều dễ hiểu với một người từng được tự do và được người khác tin tưởng như y. Về sự việc đã gây ra, Duẩn đều thừa nhận, không chối cãi. Nguyên nhân khiến hắn rơi vào vòng lao lý cũng được Duẩn thành thật khai báo với điều tra viên.
Quê quán tại huyện Thanh Chương nhưng sinh sống tại xóm 7, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, từ nhỏ, Duẩn đã gặp khó khăn trong đi lại. Tuy nhiên, Duẩn lại sớm chứng tỏ khả năng giao tiếp với mọi người, nhất là với người khác giới. Trưởng thành rồi lập gia đình, Duẩn không có nghề nghiệp ổn định. Thấy nhiều người kinh doanh gỗ tại địa phương giàu lên nhanh chóng, Duẩn cũng thử tập tành buôn bán. Duẩn một mực tin tưởng “phi thương bất phú” trong khi bản thân chẳng có kinh nghiệm, kỹ năng nào về thương trường. Và rồi, lời đâu chả thấy, Duẩn rơi vào cảnh nợ nần. Làm thế nào để có số tiền trả nợ, đỡ gánh nặng mưu sinh? Làm sao để có nhiều tiền mà không phải lao động nặng nhọc? Những câu hỏi trên cứ lởn vởn trong đầu Duẩn. Chỉ đến khi Duẩn gặp anh Ngô Trí Viên, câu trả lời mới dần được hé lộ.
Về phần anh Ngô Trí Viên trú tại huyện Diễn Châu, do có nhu cầu lao động ở nước ngoài, khoảng tháng 9/2013, anh Viên đã gặp người quen nhờ làm hồ sơ đi lao động sang Úc dưới hình thức du học. Do người này không có chức năng nên việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) của anh Viên phải dừng lại. Trong thời gian này, anh Viên gặp Duẩn. Duẩn bảo rằng mình có người quen ở Hà Nội có 1 suất đi Úc, nói ai có nhu cầu thì có thể liên hệ với hắn. Biết vậy, anh Viên liền bảo để “suất” đó cho mình. Duẩn đồng ý và nói chi phí hết 18.400 đô la Úc và yêu cầu nộp trước 4.000 đô la Úc để đặt cọc.
Khoảng 1 tuần sau, Duẩn nhận số tiền 4.000 đô la Úc. Sau khi nhận tiền, Duẩn viết một giấy nhận tiền và hẹn khoảng 3 - 6 tháng thì có visa, nếu không có sẽ hoàn trả số tiền trên. Duẩn chắc chắn rằng, khi nào có visa thì nộp số tiền còn lại là 14.400 đô la Úc cho hắn. Tuy nhiên, số tiền 4.000 USD vẫn không đủ để Duẩn phục vụ nhu cầu cá nhân. Do đó, đến khoảng tháng 4/2015, do cần tiền, Duẩn lại nói rằng, anh Viên đã có visa rồi, sẽ ra Đại sứ quán lấy nhưng phải nộp thêm tiền. Để thực hiện yêu cầu của Duẩn, anh Viên đã vay mượn của bạn bè số tiền 14.400 đô la Úc để đi lấy visa.
Sau đó, để khiến anh Viên tin tưởng, Duẩn đã đưa anh Viên ra Hà Nội cùng mình để “kiểm chứng” về việc nhận visa. Tuy nhiên, tại Hà Nội, hắn dần dần bộc lộ bản chất lừa lọc của mình. Từ sáng, rồi chiều, Duẩn liên tiếp khất anh Viên từ ngày nọ qua ngày kia về việc nhận visa. Lý do chính là phía đối tác bận công việc. Tuy nhiên, vì mong ngóng được có visa để XKLĐ, lại tin tưởng trước những lời ngon ngọt của Duẩn, anh Viên đã đưa số tiền 14.400 đô la Úc mà anh đã phải vay mượn khắp nơi của gia đình, bạn bè. Có lúc lo lắng, anh Viên có hỏi về biên lai nộp tiền thì Duẩn lại trốn tránh bảo rằng: Là do chỗ quen biết nên không cần biên lai. Nhưng trên thực tế, toàn bộ số tiền trên, Duẩn đều chi tiêu và nhu cầu cá nhân của mình.
Biết mình đã bị lừa đảo, ngày 29/10/2017, anh Ngô Trí Viên đã viết đơn trình báo lên Công an TP Vinh. Nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật và biết cơ quan Công an đang tiến hành điều tra nên Lê Viết Duẩn đã đến Công an TP Vinh xin đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hiện, vụ án đang được mở rộng điều tra.
Cũng theo Đại úy Nguyễn Công Du, lừa đảo dưới hình thức XKLĐ không mới. Tuy nhiên, vì cả tin và nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều người vẫn dễ dàng rơi vào “bẫy” của các đối tượng. Ngoài việc chọn lựa các cơ sở uy tín, có hợp đồng, biên lai đầy đủ trong XKLĐ, người dân nên tìm hiểu kỹ về phía đối tác. Khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo, cần trình báo ngay lên cơ quan chức năng để phối hợp điều tra.