An ninh trật tự

Khi trẻ em trở thành công cụ của kẻ lợi dụng đức tin

15:04, 08/05/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Những luận điệu trắng trợn xuyên tạc lịch sử

Kỳ 2: Người dân nói gì về hành vi của linh mục Đặng Hữu Nam?

(Congannghean.vn)-Sau hàng loạt hành động cố ý làm phức tạp tình hình trên địa bàn giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Linh mục Đặng Hữu Nam vẫn chưa có ý định dừng lại. Từ việc kích động giáo dân chống đối chính quyền, tổ chức nhiều hoạt động ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn, lần này, Linh mục Đặng Hữu Nam còn trắng trợn xuyên tạc lịch sử, phủ nhận hoàn toàn giá trị, ý nghĩa lớn lao của chiến thắng 30/4/1975. Với việc làm này, Linh mục Đặng Hữu Nam đã đẩy bản thân đi quá ranh giới giữa đạo đức và niềm tin, giữa những giá trị của hòa bình, của xương máu cha anh với mục đích cá nhân đen tối, giữa giá trị bền vững của dân tộc với những âm mưu lợi dụng đức tin…

Kỳ 3: Khi trẻ em trở thành công cụ của kẻ lợi dụng đức tin

Hành vi kích động bà con giáo dân cố ý làm phức tạp tình hình, xuyên tạc lịch sử của Linh mục Đặng Hữu Nam trong thời gian qua đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, điều đáng nói, ngoài hướng tới đối tượng là người già, phụ nữ, trong rất nhiều hoạt động gây rối ANTT trên địa bàn, Linh mục Đặng Hữu Nam còn sử dụng trẻ em, những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng vào mục đích đen tối. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây hệ quả xấu đối với các em, những con chiên ngoan đạo của Chúa, là thế hệ tương lai của đất nước.

 Linh mục Đặng Hữu Nam sử dụng trẻ em vào mục đích đen tối của mình
Linh mục Đặng Hữu Nam sử dụng trẻ em vào mục đích đen tối của mình

Giữa cái nắng nóng những ngày nghỉ lễ 30/4, trong khi các bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ, gia đình đưa tới nhiều khu vui chơi, nghỉ dưỡng thì những đứa trẻ tại giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu lại phải tham gia một hoạt động phi nhân tính. Những đứa trẻ mới lên tám, lên ba cầm trên tay những biểu ngữ xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc về chiến thắng 30/4/1975. Liệu trong các em, đã lần nào được nghe người thân kể về niềm vui ngày giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Liệu các em đã phân biệt thế nào là tự do? Là hòa bình? Là dân chủ? Hay chỉ đơn giản, người cha tinh thần - Linh mục Đặng Hữu Nam - bảo sao thì các em làm vậy? Hoặc chỉ vài ba gói kẹo, lời khen thưởng sau mỗi lần tham gia, là niềm vui duy nhất?

Trong những video clip dễ dàng có thể xem trên internet, những đôi mắt ngây thơ, trong sáng của các em khi tham gia hoạt động xuyên tạc lịch sử do Linh mục Đặng Hữu Nam tổ chức đã phần nào cho chúng ta câu trả lời. Các em không ý thức được việc mình đang làm, chỉ tham gia theo yêu cầu của Cha và với mong muốn được gặp gỡ, nói cười với bạn bè.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hải, Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự, thủ đoạn sử dụng trẻ em để thực hiện mục đích của Linh mục Đặng Hữu Nam là trái với Luật Trẻ em 2016: “Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác (Khoản 5, Điều 6); đồng thời, đi ngược với Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, trong đó, Việt Nam đã tham gia và là một thành viên tích cực. Điều 16 Công ước về Quyền Trẻ em quy định:

“1. Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em.

2. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”.

Trách nhiệm của các quốc gia thành viên cũng được quy định rõ tại Điều 32 Công ước Liên hợp quốc:

“1. Các Quốc gia thành viên thừa nhận quyền của trẻ em được bảo vệ không bị bóc lột về kinh tế và không phải làm bất kỳ công việc gì nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ em, hoặc có hại đối với sức khỏe hay sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức hay xã hội của trẻ em.

2. Các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp lập pháp, hành chính, xã hội và giáo dục để đảm bảo thực hiện điều này”.

Đồng thời, các quốc gia thành viên khác phải có các hình thức phạt tiền hay các hình thức phạt thích hợp khác để đảm bảo thực hiện điều này”.

Trong thời gian qua, ngoài Hội Cựu chiến binh tại các xã thuộc địa bàn huyện Quỳnh Lưu lên tiếng phản đối hành động xuyên tạc lịch sử của Linh mục Đặng Hữu Nam, Hội Cựu chiến binh tại TP Vinh và huyện Nghĩa Đàn cũng đã có hoạt động tương tự. Trong sáng 6/5, hàng nghìn hội viên Hội Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu cũng thể hiện rõ thái độ lên án, cực lực phản đối hành vi xuyên tạc chiến thắng 30/4/1975 của Linh mục Đặng Hữu Nam.

Điều mà người dân đang băn khoăn là tại sao Linh mục Đặng Hữu Nam lại chọn trẻ em trong kế hoạch lợi dụng tín ngưỡng để xuyên tạc lịch sử, thực hiện âm mưu phản động. Vì các em chưa nhận thức rõ? Hay Linh mục Đặng Hữu Nam phải chấp nhận sự thật rằng: Những người giáo dân có hiểu biết, nhận thức sẽ không bao giờ tham gia hoạt động đi ngược lại giá trị truyền thống, lịch sử dân tộc. Và rằng, dù họ sinh ra khi đất nước đã hòa bình, thì giá trị của độc lập thống nhất là giá trị vĩnh cửu, bất biến.

Người dân có tri thức cũng hiểu rõ, chiêu bài Formosa, môi trường chỉ là cái cớ để các linh mục cực đoan lợi dụng cố ý làm phức tạp tình hình ANTT trên địa bàn. Trong 10 điều răn của Chúa, chắc Linh mục Nam không quên Điều răn thứ 4 : Thảo kính cha mẹ. Điều răn này dạy phải tôn kính, yêu mến, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên; học trò với thầy; công nhân với chủ nhân; cấp dưới với cấp trên; công dân với chính quyền, với quê hương và ngược lại.

Linh mục Đặng Hữu Nam luôn cho rằng mình làm thế xuất phát từ quyền lợi, từ sự lo lắng cho bà con, cho nhân dân, cho tương lai của những đứa trẻ. Nhưng cũng cần phải nhắc lại để Linh mục Đặng Hữu Nam nhớ rõ, đây không phải là lần đầu tiên, Linh mục Đặng Hữu Nam gắn với cụm từ “trẻ em”.

Trước đó, vào ngày 12/11/2016, trong quá trình điều khiển xe ôtô đi qua cổng Trường THCS xã An Hòa, cho rằng em Nguyễn Văn Lực (SN 2002), học sinh lớp 9D, Trường THCS xã An Hòa vô lễ với mình nên Linh mục Đặng Hữu Nam đã dừng xe lại tát vào mặt Lực. Khi ông Nguyễn Vĩnh Lai, cán bộ y tế xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu đến can ngăn thì Linh mục Đặng Hữu Nam đã huy động giáo dân đánh trọng thương ông Lai. Sau sự việc trên, em Nguyễn Văn Lực do hoảng loạn tâm thần, lo sợ, tinh thần không ổn định, bỏ học nên gia đình phải đưa em đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu...

Có thể nói, hành động trên với một người bình thường đã là không thể chấp nhận được, chưa nói đó lại là của một vị linh mục, một người mang danh “Chúa”, hàng ngày vẫn rao giảng, dăn dạy những điều nhân nghĩa cho các con chiên. Cũng có nghĩa rằng, giáo dân đã trở thành công cụ để ông Nam thỏa mãn cơn tức giận của mình; niềm tin của giáo dân đã bị lợi dụng để phục vụ ông Nam chứ không phải để cung phụng, kính yêu Chúa.

Trẻ em phải được phát triển toàn diện
Trẻ em phải được phát triển toàn diện

Nói đi cũng phải xét lại, việc để những đứa trẻ ngây thơ, vô tội tham gia vào các hoạt động trên, một phần cũng thuộc về trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ. Bởi gia đình là chủng viện và tu viện đầu tiên. Thực tế cho chúng ta thấy, hầu hết ơn gọi của các linh mục và tu sĩ được chớm nở từ các gia đình: Có thể nhờ sự hướng dẫn của cha mẹ; có thể nhờ đời sống đạo đức và gương sáng của các thành viên trong gia đình; có thể nhờ lòng yêu mến và quý trọng các linh mục và các tu sĩ của các bậc cha mẹ đã làm cho ơn gọi nơi con cái được hình thành và phát triển. Chính vì thế, “cha mẹ hãy vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn gọi tu trì nơi tâm hồn con cái, trong môi trường giáo dục gia đình theo luân lý Kitô giáo”.

Thư gửi các gia đình công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2016 mời gọi các gia đình công giáo trở thành hội thánh tại gia bằng cách: Gia đình là ngôi nhà thờ phượng; gia đình là mái ấm của tình thương và lòng thương xót; là nơi đón nhận và trân trọng sự sống; là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản về các phương diện nhân bản, đạo đức và đức tin. Nhưng với những đứa trẻ tại giáo xứ Phú Yên bị Linh mục Đặng Hữu Nam lợi dụng vào hoạt động xuyên tạc lịch sử dân tộc, liệu đã được quan tâm đúng mực và thực hiện đúng những lời răn của Chúa về lòng yêu thương, kính trọng sự sống?

Trẻ em như tờ giấy trắng, nét vẽ đẹp hay xấu là do người lớn. Chính Chúa Giêsu nói rằng: “Ai làm gương xấu cho trẻ em thì đáng phải buộc cối đá vào cổ và bị ném xuống biển” (Trích Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca, sách Tin mừng trong kinh thánh; Mt 18:6; Mc 9:42; Lc 17:2). Ngài cũng rất muốn con chiên trở nên như trẻ em, nghĩa là kính Chúa một cách trong sáng, không vị kỉ, mưu đồ lợi ích riêng...

Trần Lâm

Các tin khác