(Congannghean.vn)-Vừa qua, cơ quan CSĐT Công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phan Văn Thắm (SN 1956) trú tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu về hành vi hủy hoại tài sản. Đây là vụ việc khiến dư luận nhức nhối suốt 5 năm qua.
Phan Văn Thắm tại cơ quan CSĐT Công an huyện Diễn Châu |
Ngang ngược vi phạm pháp luật
Theo bản đồ 299 lập năm 1980 - 1982, phía bắc xóm Quyết Thắng có vùng trũng do UBND xã Diễn Bích quản lý. Đây là vùng đất hoang hóa, ngập mặn nhân dân gọi là Đồng Xác. Cũng có một số người đến khai khẩn nhưng đều phải bỏ đi vì không trụ được với lũ lụt. Đối diện với Đồng Xác, đoàn thanh niên vây một khu vực làm "Ao cá Bác Hồ".
Thực hiện Chỉ thị 364 của Chính phủ về đo đạc bản đồ trên phạm vi cả nước, xã Diễn Bích lập sổ dã ngoại cho từng xóm, kê khai đến từng hộ dân. Khu đất này được kê thành 5 thửa, trong đó ông Trần Văn Hùng trực tiếp sử dụng thửa 263, tờ bản đồ 02, diện tích 400 m2 và ngày 16/7/2001, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 384. Ông ra sức khai khẩn bồi lấp đất hoang, xây dựng tường bao thành khuôn viên 1.606 m2.
Năm 2010, xã Diễn Bích lấp ao cá xây dựng trạm xá, mở tuyến đường rộng 6 m chạy lên trung tâm xã, mảnh đất này trở nên tuyệt đẹp. Bỗng nhiên, năm 2011, ông Phan Văn Thắm cho rằng: Toàn bộ khu vực này là đất khai hoang của ông rồi làm đơn ra UBND xã đòi đất nhưng không nhớ được mình khai hoang năm nào, mỗi lá đơn ông viết một khác. Cùng lúc, xã nhận được đơn của ông Hùng, bà Vân, bà Châu khiếu nại về việc mảnh đất mình đang ở vô cớ bị ông Thắm tranh chiếm. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hùng ra quyết định lập đoàn kiểm tra.
Theo kết luận xác minh của đoàn: "Nguồn gốc thửa đất từ năm 1982 đã hình thành trên bản đồ địa chính 299, tờ bản đồ số 1, số thửa 148, do UBND xã quản lý. Ông Thắm chỉ khai hoang một phần nhỏ trên thửa đất này từ năm 1982 - 1991 và xây 1 móng nhà cấp 4 nhỏ. Do mưa lụt không thể ở được, ông bỏ về xóm Hải Đông lập nghiệp rồi sau đó lại lên khu vực Chợ Mới ở và được cấp GCNQSDĐ diện tích 242 m2, số thửa 442, tờ bản đồ số 04, theo sổ mục kê năm 1994 và ở đến nay. Mảnh đất có móng nhà, ông chuyển nhượng cho ông Hùng. Hiện tại, toàn bộ khu đất này theo bản đồ 364 lập năm 1992 đã có các chủ sử dụng: Thửa 262, diện tích 144 m2 của bà Trần Thị Vân, thửa 261 của ông Trần Xuân, thửa số 260 của ông Nguyễn Vinh, phía bắc và tây giáp thửa 268 do UBND xã quản lý, tiếp đến là đất ông Hùng".
Mặc dù đã có quyết định rõ ràng, nhưng ông Thắm bất chấp tất cả, kéo 2 con là Phan Đức, Phan Tiệp ra đào móng làm nhà. Khi vợ chồng ông Hùng ngăn cản, họ đã đánh bà Thái (vợ ông Hùng) trọng thương. Ngông cuồng hơn, cha con ông Thắm vác búa đập phá, xô đổ 2 khoảng tường của ông Hùng, rồi thuê nhổ hàng rào bằng cọc bê tông được cắm hơn 10 năm trước của ông Hùng để chiếm đất.
Ngày 11/8/2012, UBND xã lập đoàn 7 người đến kiểm tra hiện trạng kết luận: “Ông Thắm xây móng lên toàn bộ thửa đất của bà Vân và một phần thửa đất 261. Riêng phần đất ông Hùng bị ông Thắm chiếm chiều dài 16,6 m, chiều rộng 5,7 m chắn ngay trước móng nhà ông Hùng để ông không thể xây nhà”.
Ngôi nhà của ông Hùng bị ông Thắm dùng máy xúc san phẳng |
Chính quyền lúng túng, bất lực
Chủ tịch UBND xã Diễn Bích đã liên tiếp thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn nhiều lần mời các hộ gia đình và cha con ông Thắm lên trụ sở hòa giải, giải thích, nhiều lần lập biên bản đình chỉ xây dựng, biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, bất chấp sự kiên trì của xã, bất chấp Luật Đất đai, coi thường công lý, cha con ông Thắm đổ vật liệu xây nhà. UBND xã thành lập đoàn cưỡng chế. Tuy nhiên, khi lực lượng Công an, xã đội, dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể tập trung đầy đủ chuẩn bị tiến hành nhiệm vụ thì cán bộ tư pháp Nguyễn Xuân Cửu tham mưu rằng: "Đất đã có bìa đỏ, khi xảy ra tranh chấp phải do tòa án giải quyết, không được cưỡng chế"?
Lạ lùng làm sao, ý kiến chẳng hiểu gì về pháp luật này lại được toàn bộ Hội đồng cưỡng chế nghe theo. Tất cả giải tán rồi hướng dẫn công dân làm đơn gửi Tòa án nhân dân huyện. Một điều sơ đẳng nhất trong quy định của pháp luật là: "Việc phân định đất của ai là trách nhiệm của tòa án, còn việc xây dựng bất hợp pháp là vi phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chính quyền địa phương, phải cảnh báo, ngăn chặn, cưỡng chế, xử phạt để tỏ rõ sự nghiêm minh của pháp luật mà cán bộ tư pháp cũng không hiểu?”.
Thái độ chần chừ, thiếu hiểu biết pháp luật của cả một chính quyền đã dẫn đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng: Ông Thắm xây xong ngôi nhà mái bằng 4 phòng sừng sững rồi xây dựng khuôn viên trồng cây cảnh, trong lúc bà Vân gửi đơn kêu cứu, còn ông Hùng thì không dám ở ngay chính ngôi nhà của mình vì bị đe dọa. Họ bồng bế, dắt díu nhau lên ở nhờ bên ngoại tại miền rừng núi Tân Kỳ xa xôi và tiếp tục vác đơn đến các cơ quan chức năng kêu cứu.
Tuy nhiên, suốt 5 năm qua, đơn đến UBND huyện thì được đẩy sang Tòa. Tòa 5 năm không xử mà không cho biết lý do. UBND tỉnh có Công văn 4276 yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc. Các cơ quan thông tấn báo chí đồng loạt lên tiếng như: Dân Trí, Báo Nghệ An, Công Luận, Nông Nghiệp Việt Nam…. Riêng Báo Công an Nghệ An có một loạt 3 bài phản ánh vấn đề trên nhưng không có bất cứ một biện pháp nào được thực thi.
0 giờ ngày 10/10/2016, ông Phan Văn Thắm thuê một chiếc máy múc đến đập phá, san phẳng căn nhà 3 gian của ông Trần Văn Hùng. Người dân xung quanh bức xúc: “Chưa bao giờ thấy một sự ngang ngược, trắng trợn, coi thường pháp luật đến thế. Phần gỗ và đồ trong nhà, ông Thắm đã cho người khiêng đi hết”. Còn ông Thắm thì tuyên bố: “Tao san đấy, san phẳng nhà cho nó đi kiện luôn thể”.
Trả giá
Sau khi điều tra, cân nhắc, đánh giá hết mọi khía cạnh của vấn đề, mặc dù đã 28 Tết nhưng cơ quan CSĐT Công an huyện Diễn Châu vẫn ra quyết định khởi tố vụ án, VKSND huyện Diễn Châu nhanh chóng phê chuẩn. Trưa cùng ngày, Phan Văn Thắm tra tay vào còng.
Rồi đây, Phan Văn Thắm sẽ phải trả giá cho những gì mình đã gây ra. Đây là bài học đắt giá cho những kẻ coi thường pháp luật, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho sự tắc trách của một bộ phận quan chức hiện hành.