An ninh trật tự
Truy tố 3 đối tượng 'tổ chức người khác trốn đi nước ngoài' (Kỳ 2)
Kỳ 1: Giám đốc chi nhánh đưa người đi nước ngoài trái phép
(Congannghean.vn)-Sau một thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã hoàn tất hồ sơ vụ án, chuyển Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố đối với các bị can Trần Văn Trung, Trần Khánh Vũ và Nguyễn Thị Kim Trang ra trước pháp luật về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Trần Văn Trung là Giám đốc chi nhánh nhưng đã “qua mặt” Cục Quản lý lao động ngoài nước và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch, dịch vụ dầu khí Hải Phòng, đứng ra ký hợp đồng, đưa hàng chục người lao động đi nước ngoài trái pháp luật Việt Nam.
Các bị can Trần Khánh Vũ, Nguyễn Thị Kim Trang |
Kỳ 2: Thủ đoạn kiếm tiền bất chính của các đối tượng
Tại Quyết định ủy quyền số 58 ngày 21/8/2013 của Tổng Giám đốc Công ty OSC HP đối với Trần Văn Trung có nêu rõ: Trần Văn Trung được thay quyền Tổng Giám đốc Công ty thực hiện nhiệm vụ giao dịch, tham mưu, xây dựng các hợp đồng gồm: Hợp đồng cung ứng lao động giữa Công ty và các đối tác nước ngoài; Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giữa công ty và người lao động; Hợp đồng ký giữa công ty và chủ sử dụng lao động với người lao động, nhưng không được phép trực tiếp ký kết ba loại hợp đồng này... Thế nhưng, Trần Văn Trung, Giám đốc chi nhánh OSC Nam Định vẫn “qua mặt”.
Sau khi xuất cảnh về nước, ngày 22/1/2015, anh Phạm Trọng Thắng trú tại huyện Hưng Nguyên đã đến Văn phòng đại diện OSC tại Nghệ An, do Trần Khánh Vũ làm Trưởng Văn phòng, nói rõ việc làm của Trần Văn Trung đưa người sang lao động tại Síp là trái pháp luật.
Anh Thắng còn cho biết, bản thân anh bị các đối tượng môi giới tại Síp đánh đập khi xin nghỉ việc vào ngày chủ nhật do trái với hợp đồng cam kết trước khi xuất khẩu lao động do Trung soạn thảo.
Thậm chí, anh Thắng còn bị chủ sử dụng lao động đuổi ra khỏi khu vực làm việc giữa rừng trong đêm khuya. Không những anh Thắng mà hầu hết lao động sang đó đều bị đối xử như thế... Tất cả đều có hộ chiếu xuất cảnh theo diện du lịch và không phải lao động có thời hạn.
Từ lời trình bày của anh Thắng, Vũ đã tư vấn cho anh viết đơn khởi kiện Trung lên cơ quan An ninh điều tra Công an Nghệ An. Nhưng sau đó Vũ vẫn giúp sức cho Trung đưa người đi lao động tại nước ngoài trái phép để thu tiền hoa hồng.
Lần thứ nhất là vào tháng 3/2015, sau khi anh Thắng về nước được hơn 1 tháng, Trần Văn Trung gọi điện thoại để Vũ thông báo cho các lao động Đặng Ngọc Tú (SN 1988) trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và Thái Khắc Sơn ra tỉnh Nam Định nộp tiền, sau đó hai người này được Trung làm hồ sơ xuất cảnh sang Cộng hòa Síp.
Lần thứ 2, khoảng tháng 4/2015, Trung điện thoại để Vũ thông báo cho Lương Thanh Hợp (SN 1994) trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh ra Nam Định gặp Trung, sau đó anh Hợp được làm thủ tục xuất cảnh trái phép sang Síp.
Lần thứ 3, vào tháng 5/2015, Trung chỉ đạo Vũ thông báo cho Hoàng Diệu (SN 1987) trú tại huyện Nam Đàn, Nghệ An ra Nam Định gặp Trung để nộp tiền và anh Diệu được làm thủ tục xuất cảnh trái phép sang Síp. Hai lao động còn lại là Lương Thanh Tuấn (SN 1987) và Nguyễn Văn Mạnh (SN 1986) đều trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh là những người do Vũ tuyển dụng và mỗi người nộp cho Trung 6.000 USD.
Trong khi đang chờ xuất cảnh, Trần Văn Trung bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An bắt tạm giam. Sau đó, Vũ mới trả lại cho 2 anh Tuấn và Mạnh mỗi người 1.000 USD tiền hoa hồng.
Quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An cũng làm rõ: Trần Khánh Vũ thu từ các lao động tổng số tiền 8.000 USD, 54.000.000 đồng, trong đó đã chuyển cho Trung 128.935.532 đồng, tương đương 6.000 USD; Vũ trả cho Lương Thanh Tuấn và Nguyễn Văn Mạnh 2.000 USD, số tiền còn lại Vũ chiếm đoạt là 54.000.000 đồng.
Giám đốc chi nhánh OSC Nam Định Trần Văn Trung đã thu từ các lao động 2.247.305.532 đồng và 41.800 USD. Mai Văn Quang thu của các lao động và chuyển cho Trung 1.675.930.000 đồng, số tiền còn lại các lao động đến nộp trực tiếp cho Trung tại Nam Định. Số tiền này Trung khai đã chuyển cho Nguyễn Thị Kim Trang 883.060.000 đồng và 95.000 USD, Trang khai đã chi cho các môi giới tại Síp.
Cơ quan Công an cũng làm rõ, quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Trần Văn Trung đã thu lợi 12.000 USD của 29 lao động và 5 lao động khác mỗi lao động 500 USD, nhưng Trung chưa trả tiền môi giới cho Trang. Nguyễn Thị Kim Trang thu lợi 12.000 USD; Trần Khánh Vũ thu lợi 4.000 USD.
Việc làm trên của Trần Văn Trung, Nguyễn Thị Kim Trang, Trần Khánh Vũ đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, xâm hại đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại của Nhà nước. 27 lao động nêu trên khi nhập cảnh trái phép vào Cộng hòa Síp, điều kiện lao động không đúng như hợp đồng mà Trần Văn Trung đã ký kết với người lao động khi đưa họ ra nước ngoài.
Người lao động bị đánh đập, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại với thời gian từ 13 - 15 giờ/ngày, không có ngày nghỉ, không được hưởng lương do làm thêm giờ, lại còn bị chủ lao động không trả lương theo hợp đồng và báo Cảnh sát địa phương bắt giữ để trục xuất về nước khi đang làm việc trong nông trại, nhưng pháp luật Việt Nam và các nước sở tại không bảo vệ được. Bởi việc nhập cảnh của họ vào nước sở tại là bất hợp pháp và cũng không được pháp luật Việt Nam cho phép.
Tại Công văn số 432 ngày 17/3/2016 của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trả lời cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ghi rõ: “Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam không ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác lao động nào để đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Bắc Síp. Từ năm 2012 đến nay, Công ty OSC Hải Phòng không được Cục Quản lý Lao động ngoài nước chấp thuận việc đưa người lao động sang làm việc tại khu vực Cộng hòa Síp - Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là việc làm lạm quyền của Trần Văn Trung khi được OSC HP bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh OSC Nam Định. Trần Văn Trung đã tự ký kết các hợp đồng đưa người đi lao động ở nước ngoài mà bản thân không được OSC HP ủy quyền là trái pháp luật”.
Hữu Trọng