An ninh trật tự
Khoảng 60.000 người bị công ty đa cấp lừa hơn 1.900 tỷ đồng
(Congannghean.vn)-Chỉ trong thời gian 1 năm, Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt), trụ sở tại Hà Nội, hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh đa cấp đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 1.900 tỷ đồng của khoảng 60.000 người trên cả nước. Được biết, Công ty này đã mở hệ thống chi nhánh, đại lý tại 27 tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An.
Chân dung “đại tá rởm” Lê Xuân Giang |
Mạo danh Đại tá quân đội để lừa đảo
Ngày 19/2, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Xuân Giang (SN 1971) trú tại Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội - Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt và Nguyễn Thị Thủy (SN 1970) trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - Phó Tổng Giám đốc Công ty này cùng 5 đồng phạm về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Được biết, từ đầu năm 2014 đến tháng 7/2015, với hình thức kinh doanh đa cấp, Giang và Thủy cùng đồng phạm đã "hút" được hàng nghìn tỉ đồng vào tài khoản.
Theo tài liệu của cơ quan Công an, Lê Xuân Giang từng là học viên một trường trung cấp dạy nghề của Bộ Quốc phòng và từng làm công tác quản lý tài chính trong một đơn vị của Quân đội, sau đó xin ra ngoài. Lợi dụng cái “mác” này, năm 2005, Giang thành lập Công ty CP tập đoàn thiết bị y tế BQP, sau đó thành lập thêm Công ty Quốc tế Hưng Việt. Cùng với việc lấy tên viết tắt là BQP, Giang ngầm tạo ra sự mập mờ để mọi người tưởng đó là công ty của Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng này còn mua hóa giá một chiếc xe “biển xanh” 80B của một đơn vị quân đội và không thực hiện việc đổi biển theo quy định để làm phương tiện sử dụng. Từ một công ty chuyên sản xuất bóng đèn Ion, Giang chuyển sang sản xuất các mặt hàng thực phẩm chức năng, máy khử độc Ozone, máy vật lý trị liệu để tiến gần hơn đến hình thức kinh doanh đa cấp.
Năm 2014, khi được cấp phép kinh doanh đa cấp, Giang đổi tên Công ty thành Công ty Liên kết Việt. Vì không am hiểu về hoạt động kinh doanh đa cấp, Giang đã thuê Nguyễn Thị Thủy, người trước đây làm cho Công ty kinh doanh đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy làm Trưởng nhóm “Quản lý, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp”. Sau này, Thủy được đề bạt làm Phó Giám đốc Công ty.
Chỉ trong vòng 1 năm từ khi hoạt động, Công ty Liên kết Việt đã thu hút được hơn 60 nghìn người tham gia làm nhà phân phối với khoảng 200 nghìn mã hàng. Số tiền mà Công ty Giang “hút” được từ các nhà phân phối là hơn 1.900 tỷ đồng. Một phần của số tiền này được sử dụng để mua và sản xuất các sản phẩm, một phần dùng để chi trả tiền hoa hồng cho những người đầu tư trước để tạo uy tín và lực hút với chính họ và những người tiếp theo.
Cho đến khi bị bắt, số tiền trong tài khoản cũng như tài sản của Giang và Công ty không còn nhiều, chỉ thu được 134 tỷ đồng, vì thế khả năng chi trả lại tiền cho các bị hại là rất khó. “Vòi bạch tuộc” của Công ty Liên kết Việt đã vươn tới 27 tỉnh, thành và những người tham gia bán hàng phân phối, là bị hại trong vụ án này gồm đủ thành phần trong xã hội, từ trí thức đến nông dân. Trong đó, bị hại mất số tiền lớn nhất là khoảng 3 tỉ đồng.
Vươn “vòi bạch tuộc” đến 27 tỉnh, thành phố
Kết quả điều tra của Bộ Công an cho thấy, Nguyễn Thị Thủy không có bằng cấp chuyên môn về lĩnh vực kinh doanh. Trong hồ sơ lý lịch, Thủy đã học hết phổ thông tại quê nhà, sau đó làm lao động tự do. Thủy đã làm nhiều nghề như thợ may, mở tiệm gội đầu cắt tóc, làm móng nhưng đều không ổn định. Để trở thành “nữ quái” trong kinh doanh đa cấp, Thủy đã đăng ký học một lớp đào tạo về đa cấp do Bộ Công thương mở và lớp học cấp chứng chỉ này chỉ diễn ra trong 3 ngày.
Chi nhánh Công ty Liên kết Việt tại Nghệ An |
Trong khi đó, Lê Xuân Giang nhập ngũ năm 1991, sau khi học xong tại Trường quân chính Quân đoàn 2, Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật và dạy nghề Bộ Quốc phòng thì được điều động công tác tại Ban Tài chính Quân đoàn 2; đến năm 2001, xuất ngũ với quân hàm Chuẩn úy. Trong quá trình kinh doanh, Giang luôn mạo danh là người của Bộ Quốc phòng, mang quân hàm Đại tá.
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng làm rõ, nhóm đối tượng này còn làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; làm giả tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng để phục vụ lừa đảo.
Liên quan đến việc điều tra vụ án “lừa đảo” tại Công ty Liên kết Việt, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định ủy thác điều tra cho 27 cơ quan CSĐT của Công an 27 tỉnh, thành phố trong cả nước có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty Liên kết Việt.
Theo đó, Công an các tỉnh, thành trên tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân, tổ chức hoạt động điều tra để làm rõ hành vi, thủ đoạn phạm tội, xác định số người bị hại và hậu quả thiệt hại do các đối tượng lừa đảo tại Công ty Liên kết Việt gây ra.
Tại Nghệ An, chi nhánh của Công ty Liên kết Việt được mở từ ngày 13/10/2014, dưới danh nghĩa là Trung tâm hỗ trợ, điều trị miễn phí, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các sản phẩm của Công ty CP và thiết bị y tế BQP, địa chỉ tại số 18 Đặng Thái Thân, phường Cửa Nam, TP Vinh. Chi nhánh này do ông Nguyễn Huy S. làm người đại diện pháp luật.
Hiện, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang tiếp nhận thông tin của các nạn nhân trên địa bàn đến trình báo để phục vụ công tác điều tra. Báo Công an Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này trên các số báo tiếp theo.
Thiện Thành