(Congannghean.vn)-Hàng trăm m3 gỗ bị đốn hạ nằm ngổn ngang hai bên taluy đường tuần tra biên giới và dưới vực sâu đang có nguy cơ hủy mục nhưng chưa kịp tận thu, tận dụng vận chuyển về nơi tập kết theo quyết định đã được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm tỉ đồng từ “rừng vàng” đang ngày đêm bị mối mọt đục khoét do “phơi nắng, nằm sương”. Trong khi đó, chúng tôi nhận được thông tin cho rằng lực lượng chức năng có hiện tượng tiêu cực trong khi tận thu, tận dụng gỗ thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông?!
Tác giả (trái) và đoàn kiểm tra thị sát tại hiện trường |
Kỳ 2: Một số đối tượng “lâm tặc” trên địa bàn bị bắt giữ trong thời gian gần đây
Cũng trong chuyến công tác tại huyện Quế Phong, chúng tôi nhận được một vài ý kiến phản ánh cho rằng, trong quá trình tận thu gỗ trên tuyến đường tuần tra này có hiện tượng tiêu cực. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Khi đề cập đến vấn đề “nhạy cảm” trên, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong cho biết: Sau khi Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được cấp phép tận thu, tận dụng số gỗ trên đường tuần tra đang thi công, với chức năng là chủ rừng, đơn vị đã nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hạt Kiểm lâm huyện cũng phối hợp với Đồn Biên phòng Hạnh Dịch tổ chức kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao; mục đích là để chống thất thoát tài nguyên rừng, chống hiện tượng tiêu cực, đồng thời động viên lực lượng triển khai tại chỗ.
Một số đối tượng “lâm tặc” trên địa bàn bị bắt giữ trong thời gian gần đây |
Khi được hỏi về việc có một số ý kiến cho rằng có dấu hiệu tiêu cực trong tận thu gỗ, ông Hùng cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh trên, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong đã phối hợp với Công an huyện, chính quyền địa phương tiến hành các đợt kiểm tra tại các tiểu khu trên tuyến đường này. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng chưa phát hiện có dấu hiệu tiêu cực hoặc sai phạm như phản ánh. Việc tận thu, tận dụng gỗ tuân thủ đúng nguyên tắc”.
Bà Lương Thị Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho rằng, trong quá trình thi công mở đường, việc đốn hạ hàng trăm cây rừng, chủ yếu là táu muối là điều bắt buộc. Đây là rừng tự nhiên thuộc khu vực rừng đặc dụng nhưng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. “Đường mới mở, một bên là vực thẳm, một bên đá nằm ngổn ngang, mưa xuống đường trơn như đổ mỡ. Vì vậy, việc tổ chức tận thu, tận dụng gỗ đúng thời gian quy định là vấn đề nan giải. Quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn đang được tập trung cao độ, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Qua công tác giám sát cũng như tiến hành kiểm tra của các lực lượng chức năng, chưa phát hiện có hiện tượng tiêu cực trong việc tận thu, tận dụng gỗ như một vài ý kiến phản ánh”, bà Đào khẳng định.
Về vấn đề này, Thượng tá Đặng Văn Hiếu, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, Phó Trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết: “Để đảm bảo tốt việc tận thu, tận dụng gỗ, không để xảy ra tiêu cực, đồng thời ngăn chặn việc chặt phá rừng trái phép, chúng tôi giao cho cán bộ chiến sỹ trong đơn vị phối hợp với Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Công an xã tổ chức tuần tra bảo vệ, đẩy đuổi các đối tượng nghi vấn ra khỏi khu vực quản lý, nhất là các khu vực rừng đặc dụng và bắt giữ nhóm “lâm tặc” có hành vi tàn phá rừng trái phép. Điển hình, lúc 22 giờ ngày 30/9/2015, Công an huyện phối hợp với Đồn Biên phòng Hạnh Dịch và lực lượng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phát hiện nhóm “lâm tặc” đang tổ chức vận chuyển trái phép một khối lượng gỗ.
Trong quá trình truy bắt của lực lượng chức năng, lợi dụng đêm tối, nhóm “lâm lặc” đã bỏ chạy vào rừng. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 23 cột tròn gỗ táu muối và một số văng, xà, tương đương trên 8 m3 do nhóm “lâm tặc” để lại. “Mới đây, ngày 9/10, một đoàn công tác của tỉnh đã có mặt tại địa phương, phối hợp với các ban, ngành của huyện, trong đó có Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, UBND xã tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường theo thiết kế phê duyệt. Sau khi kiểm tra, khảo sát, đoàn công tác kết luận không có sai phạm và hiện tượng tiêu cực trong việc tận thu, tận dụng gỗ. Việc khai thác, tận thu, tận dụng gỗ đối với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là đúng với thiết kế đã được phê duyệt. Như vậy, không có việc tận thu, tận dụng gỗ ngoài ranh giới cho phép như một số ý kiến đã phản ánh”, Thượng tá Đặng Văn Hiếu cho biết thêm.
Được biết, từ đầu năm 2015 đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã phối hợp với Công an huyện, các lực lượng chức năng phát hiện 24 vụ vi phạm liên quan đến khai thác lâm sản trái phép, trong đó có 8 vụ có chủ, 16 vụ vô chủ, tịch thu 57 m3 gỗ các loại, 10 xe máy và 3 cưa xăng.