(Congannghean.vn)-Liên quan đến việc mở rộng vụ án mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ Nhà nước, cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc vừa bắt khẩn cấp thêm một số đối tượng trong đường dây này. Điều đáng nói là, các đối tượng này đều là chủ nợ của Cao Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng các công trình Bắc - Bãi Lữ. Vì không có tiền trả nợ, Chương đã gợi ý cho họ về việc lấy hóa đơn GTGT. Chỉ vì nóng lòng muốn lấy lại số tiền nợ, họ đã trở thành đồng phạm của gã giám đốc lừa đảo này.
Thiếu tá Đặng Công Đàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp Công an huyện Nghi Lộc cho biết: Đây là vụ án “rút” tiền Nhà nước với số tiền lớn (trên 7 tỉ đồng), có tính chất nghiêm trọng, liên quan đến nhiều địa bàn, doanh nghiệp nên công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi bắt giữ Cao Văn Chương (SN 1963) trú tại xóm Chùa, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng các công trình Bắc - Bãi Lữ về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ Nhà nước”, cơ quan CSĐT làm rõ, Công ty TNHH Xây dựng các công trình Bắc - Bãi Lữ đã hợp đồng in 500 hóa đơn GTGT với Công ty Cổ phần in và phát hành biểu mẫu.
2 trong số các đối tượng vừa bị bắt giữ trong vụ án |
Sau đó, Công ty TNHH Xây dựng các công trình Bắc - Bãi Lữ đã làm đầy đủ thủ tục đăng ký phát hành hóa đơn tại Chi cục Thuế Nghi Lộc theo đúng quy định đối với số hóa đơn đã in này. Đến ngày 24/3/2014, Công ty này hợp đồng in thêm hóa đơn với số lượng 500 hóa đơn loại GTGT theo mẫu. Tuy nhiên, việc đặt in hóa đơn lần này, Chương đã không đăng ký thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định tại Chi cục Thuế Nghi Lộc.
Trên thực tế, số tiền mà Chương “rút” của Nhà nước là rất lớn và vụ án này có liên quan đến nhiều đối tượng. Hơn 1 năm qua, các điều tra viên luôn trăn trở với vụ án, lần tìm từng manh mối, không quản ngại khó khăn, đi xác minh tại nhiều địa phương để đưa các đối tượng liên quan về quy án. Ngoài 2 đối tượng Nguyễn Đình Tế (SN 1960) và Vũ Thanh Châu (SN 1967) cùng trú tại phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai, mới đây, cơ quan CSĐT đã bắt khẩn cấp thêm 4 đối tượng về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ Nhà nước”. Đó là Nguyễn Tiến Quảng trú tại Từ Liêm, Hà Nội; Nguyễn Đình Tam (SN 1985), Nguyễn Đình Thắng (SN 1982), Nguyễn Thị Ngân (SN 1985) cùng trú tại phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai.
Đầu năm 2012, khi Nguyễn Đình Tam đang là lái xe chở vật liệu cho Công ty của Chương, do không có tiền trả lương cho nhân viên, Chương đã gợi ý cho Tam lấy hóa đơn để trừ nợ. Với cách thức đó, Tam đã chở vật liệu và mua của Chương 11 hóa đơn để giao cho Công ty TNHH Hải Vân ở huyện Diễn Châu. Tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn là trên 196 triệu đồng, giá trị tiền thuế GTGT là trên 19,6 triệu đồng. Tam mua hóa đơn này với giá bằng 10% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn, nhưng không thanh toán bằng tiền mặt mà trừ vào số nợ mà Chương đang nợ. Với việc gợi ý mua hóa đơn GTGT để trả nợ, Nguyễn Đình Thắng (tài xế) cũng đã mua 15 hóa đơn của Chương, tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn là trên 263 triệu đồng, giá trị tiền thuế GTGT là trên 26 triệu đồng.
Ngoài ra, khi đang là kế toán của Công ty TNHH một thành viên Duy Tuấn, Nguyễn Thị Ngân phát hiện một khối lượng cát không có hóa đơn GTGT. Không thể kê khai để khấu trừ thuế, Ngân đã liên hệ với Nguyễn Đình Tế (SN 1963) trú tại khối 3, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai để mua hóa đơn. Số lượng cát còn thiếu hóa đơn là khoảng 5.000 m3, đơn giá 50.000 đồng/m3, tương đương giá trị tiền hàng khoảng 250 triệu đồng. Tế đã mua cho Ngân 15 hóa đơn với tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn là trên 255 triệu đồng, tương ứng với giá trị tiền thuế GTGT là trên 25 triệu đồng. Ngân đã sử dụng số hóa đơn trên để kê khai thuế GTGT cho Công ty. Trong vụ án này, cơ quan CSĐT cũng phát hiện Nguyễn Tiến Quảng, chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội đã mua của Chương 13 hóa đơn với tổng giá trị tiền hàng là trên 238 triệu đồng.
Theo Thượng tá Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về Trật tự QLKT và chức vụ, tội phạm mua bán hóa đơn không phải là tội phạm mới nhưng hoạt động và phát triển tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Một số đối tượng đã thành lập các công ty “ma” để lấy mã số thuế, mã số doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân để in hóa đơn GTGT rồi bán cho các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu hợp thức "đầu vào". Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn. Hành vi này không chỉ trốn thuế, gây thất thu cho Nhà nước mà còn phát sinh tội phạm tham nhũng. Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán hóa đơn trái phép, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ của cán bộ thuế địa bàn đối với hoạt động của các doanh nghiệp.