An ninh trật tự
Tội phạm mua bán người ngày một gia tăng
Thực trạng đau lòng và giải pháp
08:29, 31/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng thường xuất hiện các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em để đưa ra nước ngoài bán ngày một gia tăng. Các đường dây mua bán người thường có sự cấu kết chặt chẽ với các đối tượng là người nước ngoài để hoạt động, tạo thành đường dây kép kín, từ khâu tuyển chọn, mặc cả đến việc tổ chức dẫn dắt các nạn nhân đưa ra nước ngoài bán. Đối tượng chúng nhằm vào chủ yếu là các cô gái trẻ ở miền núi, có trình độ văn hóa thấp, cần việc làm, khó khăn về kinh tế, thiếu hiểu biết về pháp luật.
Từ đầu năm 2014 đến nay, trung bình mỗi tháng có tới 6 vụ mua bán người được TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử, trong đó có vụ án lên đến cả chục bị cáo. Điển hình là vụ án mua bán người liên huyện xảy ra tại huyện Con Cuông đã bị đưa ra xét xử gồm các đối tượng Lương Thị Nhung (26 tuổi), Vi Thị Năm (38 tuổi), Vi Văn Sơn (33 tuổi), Lương Thị Nội (38 tuổi), Lữ Văn Lý (26 tuổi), Bùi Thị Tắm (36 tuổi) cùng trú tại xã Đôn Phục; Lang Thị Ngân (28 tuổi) trú tại xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông; Phạm Văn Bình (30 tuổi) trú xã Trung Sơn, huyện Đô Lương và Nguyễn Thị Giang (39 tuổi) trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Tất cả các bị cáo trên bị xét xử về tội “Mua bán người” và “Mua bán trẻ em”. Hầu hết những nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc bán là người dân cùng quê với các bị cáo. Vì tiền mà các bị cáo bất chấp đạo lý làm người, đang tâm đưa người thân, hàng xóm của mình sang Trung Quốc bán như một thứ hàng hóa và họ trở thành nô lệ tình dục nơi xứ người.
Người đàn ông có vợ bị Lương Thị Nhung đưa bán sang Trung Quốc đã 3 năm chưa có tin tức |
Từ tháng 9/2010 đến tháng 5/2012, các bị cáo trên đã thực hiện 7 vụ, đưa 10 phụ nữ và 5 trẻ em sang Trung Quốc bán với giá từ 40 - 50 triệu đồng (nếu đã có chồng) và từ 50 - 70 triệu đồng (nếu chưa chồng). Cô nào trẻ, hình thức dễ coi được bán với giá 80 đến 90 triệu đồng. Trong vụ án này, Lương Thị Nhung là kẻ cầm đầu. Là người dân tộc Thái, Lương Thị Nhung có hình thức ưa nhìn nên lấy chồng từ khi 17 tuổi. Do mâu thuẫn vợ chồng, Nhung giao hai con nhỏ cho bố mẹ và trốn sang Trung Quốc lấy chồng ngoại. Tại đây, Nhung kết thân với Vi Thị Năm và Lương Thị Nội trú ở xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, là người cùng quê và móc nối với một số đối tượng người nước ngoài để mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Ngày trở về quê, Nhung tự giới thiệu mình là vợ của một doanh nhân làm ăn phát đạt tại TP Hồ Chí Minh để đánh lừa thiên hạ. Nhung lập một đường dây mua bán người ngay trên quê mình và huyện Kỳ Sơn. Đích thân Nhung cùng đồng bọn vào các bản vùng sâu “săn mồi”. Với “chiêu” vào TP Hồ Chí Minh bán hàng tại siêu thị cho chồng Nhung, lương cao ngất ngưởng, bằng thủ đoạn này, Nhung và đồng bọn đã lừa phỉnh được 7 trường hợp ở 2 huyện Con Cuông và Kỳ Sơn đưa sang Trung Quốc bán, mỗi người lấy 2,6 vạn Nhân dân tệ (tương đương 78 triệu đồng) và ép buộc những người này phải lấy chồng Trung Quốc; hoặc bán vào động mại dâm. Đắng lòng hơn là hiện nay có 3 nạn nhân bị Nhung lừa bán sang Trung Quốc nay vẫn chưa trở về quê, trong đó có 2 nạn nhân được xem là mất tích.
Lương Thị Nhung và đồng bọn tại phiên tòa sơ thẩm |
Anh Vi Văn Dần ở xã Đôn Phục, có vợ bị Nhung đưa sang Trung Quốc bán khi anh đang làm ăn xa. Đã 3 năm nay vợ anh vẫn “biệt vô âm tín”; hoặc bà Lương Thị Quyết (62 tuổi) là mẹ đẻ của một nạn nhân đã bị Lương Thị Nhung và đồng bọn đưa sang Trung Quốc bán, đến nay bà Quyết vẫn không nhận được tin tức gì của con gái mình. Hiện nay bà Quyết một mình phải nuôi 3 đứa cháu trong đói ăn, thiếu mặc, thiếu hơi ấm của người mẹ. Đau lòng hơn, có vụ án nạn nhân đang mang thai nhưng vẫn bị đối tượng mua bán người lừa phỉnh đưa sang Trung Quốc bán vào động mại dâm, trong khi bị cáo là bạn của bố mẹ nạn nhân.
Cũng vì đồng tiền bất chính mà đối tượng phạm tội biến người thân của mình như một thứ hàng hóa, đưa ra nước ngoài bán, bất chấp pháp luật, đạo lý làm người. Vi Thị Hoa (SN 1991, tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong) là một điển hình. Trong thời gian sống xa gia đình, Hoa tìm được “mối” đưa chị em phụ nữ sang Trung Quốc bán. Sợ gây án tại địa phương bị lộ, Hoa lấy tên là Vi Thị Yến sang huyện Tương Dương “săn hàng”. Tại đây, thông qua một người tên là Thu, trú ở xã Nga My, huyện Tương Dương cũng vừa ở Trung Quốc về quê đặt vấn đề tìm người. Thu lôi kéo Lô Thị Tý (28 tuổi) trú tại xã Xiêng My, huyện Tương Dương vào đường dây mua bán phụ nữ. Vì những đồng tiền bất chính mà Tý bất chấp tình máu mủ tìm gặp Lô Thị Thiên Lý (19 tuổi), con chú ruột của mình, để cùng Hoa đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền. Gặp Lô Thị Thiên Lý, Tý đưa ra một loạt các viễn cảnh, nào là sang Trung Quốc làm ăn lương cao, biết đây biết đó, muốn đi du lịch đâu cũng được… Tý nói: “Nếu Lý nhất trí đi thì chị cho 30 triệu đồng”. Là gái mới lớn, thiếu hiểu biết pháp luật, chưa va chạm xã hội, nên khi nghe Tý nói vậy, Lô Thị Thiên Lý đồng ý đi. Khi Lô Thị Tý đang trên đường lén lút đưa Lô Thị Thiên Lý và 2 người bạn của Lý sang Trung Quốc bán thì bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.
Từ thực tế đau lòng trên cho thấy, phần lớn nạn nhân của các vụ mua bán người là chị em phụ nữ xuất thân trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết xã hội, nhẹ dạ, cả tin nên dễ dàng tin theo lời hứa hão huyền của kẻ phạm tội. Để làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán người, trong thời gian tới, thiết nghĩ các cơ quan chức năng phải thực hiện tốt việc tăng cường công tác phòng chống tội phạm mới, thực hiện có hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em cũng như chương trình Quốc gia về phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2013 - 2015. Tổ chức thực hiện tốt nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Luật Phòng chống mua bán người ngày 15/4/2013.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, quần chúng, triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu biết và nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng hoạt động mua bán người. Tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh chống tội phạm mua bán người… Có như vậy mới phát huy tối đa hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm mua bán người. Đồng thời đây cũng là một trong những biện pháp nhằm hướng tới giảm thiểu tội phạm ẩn có nguyên nhân xuất phát từ chính nạn nhân của tội phạm.
Hữu Trọng