Người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là những người sống trong môi trường không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc và bị tiêm nhiễm bởi lối hành xử bạo lực ngay từ gia đình, từ bạn bè, phim ảnh, game trực tuyến.
Ngoài ra còn phải kể đến các yếu tố như sự yếu kém của bộ máy Nhà nước trong quản lý các hoạt động dịch vụ xã hội, làm cho những tác động tiêu cực từ mạng Internet, các loại tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm thâm nhập sâu vào đời sống. Chính sự lỏng lẻo trong quản lý, sự thờ ơ, không chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và sự hời hợt trong công tác điều tra… dẫn đến sự lộng hành của nhiều đối tượng và băng nhóm trong thời gian qua.
Tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng và có tính lây lan cao. Tại TP Vinh, mức độ lây lan của tội phạm thể hiện rất rõ ở những đối tượng tham gia lưu thông trên những tuyến đường giao nhau. Khi có tín hiệu đèn giao thông, nếu thấy người khác vượt đèn đỏ mà không bị Công an thổi còi thì họ cũng sẽ bất chấp mà vượt theo một cách dễ dàng. Và nếu không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy nhiều lần mà chưa bị bắt, bị phạt thì chắc chắn lần kế tiếp họ cũng sẽ không đội mũ bảo hiểm nữa.
Độ tuổi vị thành niên sự phát triển về tâm, sinh lý tăng mạnh. Về mặt tâm lý, họ ít lên án hay bộc lộ cảm xúc với những đối tượng phạm tội. Ngược lại, có một số cá nhân còn đồng tình với tội ác và dễ bị lây nhiễm, bắt chước hành vi. Đặc biệt, có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng thay vì tỏ ra run sợ, lo lắng, các đối tượng vẫn mặc nhiên như chưa hề xảy ra chuyện gì. Sau khi giết người chúng vẫn bình tĩnh, thản nhiên, không chút lo sợ.
Không những vậy, chúng còn đủ tỉnh táo để nghĩ đến việc che giấu xác nạn nhân, đánh lạc hướng cơ quan chức năng và cố tình tạo nên hiện trường giả… Nghĩa là cố tình tìm đủ mọi cách để che dấu hành vi phạm tội của mình, không để bị phát hiện, tố giác. Không những vậy, có những tội phạm đối tượng bình tĩnh đến mức tự đóng vai người làm chứng, thản nhiên đứng ra trả lời nhanh gọn những câu hỏi của cơ quan điều tra. Những vụ án tưởng chừng như chỉ có ở trong những thước phim kinh dị nhưng lại trở thành sự thật ngoài cuộc sống - những sự thật chát lòng.
Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Hưng (SN 1995, trú tại khối 11, phường Đội Cung, TP Vinh) mức án 7 năm 6 tháng tù với hai tội danh Hiếp dâm trẻ em và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay khi còn trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Hưng đã có thâm niên là một kẻ bất cần đời, thường xuyên bỏ nhà đi bụi. Không ít lần Hưng bỏ nhà đi cả tháng trời mà gia đình không hề hay biết. Mà nếu có trở về cũng chỉ để xin tiền, lấy đồ đạc rồi tiếp tục cuộc “hành trình” theo đám bạn giang hồ.
Do quen biết từ trước nên khoảng 14 giờ ngày 24/1/2013, Nguyễn Thế Hưng rủ M. (13 tuổi) đi chơi rồi lừa bán xe đạp điện của cô bé lấy số tiền 2 triệu đồng tiêu xài và thuê một phòng tại một nhà nghỉ ở phường Đội Cung (TP Vinh). Thuê phòng xong, Hưng điện thoại cho M. thông báo xe đã bị mất và gọi M. đến phòng nghỉ đã thuê để an ủi. Tại đây, Hưng đã giở trò đồi bại với nạn nhân. Hưng bị bắt khi chưa bước qua tuổi 17.
Ngày 10/4, Công an huyện Quỳnh Lưu phát hiện và bắt giữ 3 đối tượng gồm: Bùi Duy Tính (SN 1995), Bùi Duy Sơn (SN 1995), cùng trú tại xóm 2, xã Quỳnh Lương và Trương Văn Thưởng (SN 1996) trú tại xóm 4, xã Quỳnh Liên, là học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 3 đang trên đường đi tiêu thụ các thiết bị vừa trộm được. Tài sản thu giữ tại hiện trường gồm: 5 phần mềm, 6 ổ cứng, 5 con chíp, 6 thanh RAM, tổng tài sản trị giá khoảng 10 triệu đồng. Đó là chưa kể đến hàng chục vụ gây rối trật tự, trộm tài sản, hàng trăm vụ vi phạm Luật giao thông đường bộ… do đối tượng là vị thành niên gây nên.
Tội phạm vị thành niên có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trước hết là do nhu cầu lao động, học tập, giải trí… Môi trường sống hiện nay đã tạo ra nhiều cám dỗ cũng như những tệ nạn xã hội. Các quan hệ xã hội cũng cực kỳ đa dạng và tiềm năng phát sinh các mâu thuẫn xã hội là tất yếu. Đối tượng vi phạm chủ yếu là những người nhận thức chưa sâu về pháp luật hay nói đúng hơn là không tôn trọng pháp luật.
Ở một số nước phát triển trên thế giới, những người chưa tròn 18 tuổi không được vào quán bar, không được phép mua đồ uống có cồn, nhưng ở nước ta vẫn chưa kiểm soát được vấn đề này. Bên cạnh đó, phải nói đến cách thức quản lý của rất nhiều gia đình đã tạo điều kiện thuận lợi, tiếp tay cho con em mình phạm tội một cách dễ dàng hơn.
Ước tính, hàng năm có khoảng 20.000 trẻ vị thành niên bị các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ, truy tố. Đây là con số đáng báo động và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu tội phạm. Để ngăn ngừa tội phạm vị thành niên, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên nhằm tạo cho con em có chỗ dựa vững chắc để bước vào đời một cách trọn vẹn theo đúng nghĩa.
Đoàn Hoàng
.