Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Tân Kỳ tại phiên toà sơ thẩm thì, khoảng 19 giờ 45 phút ngày 18/4/2012, tại hội trường khối 3, thị trấn Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ), trong cuộc họp xác định mảnh đất trên 200m2 là đất công hay đất của bà Tiến theo chỉ đạo của UBND thị trấn Tân Kỳ.
Khi anh Nguyễn Văn Hướng, là thành phần được Ban cán sự, Chi bộ khối 3 mời đến dự họp đang phát biểu cho rằng: “Mảnh đất đó không phải của bà Tiến” thì anh Ngô Đức Liễu (cùng khối, nhưng không thuộc diện mời dự họp) đứng ngoài bức xúc lên tiếng mạt sát, văng tục anh Hướng. Kết cục, hai bên lao vào đấm đá, đánh lộn nhau. Được mọi người can ngăn, anh Liễu bỏ về, anh Hướng ở lại tiếp tục họp. Đến 21 giờ 45 phút, cuộc họp kết thúc, anh Hướng đi về cùng các anh Bùi Văn Luận, Nguyễn Quang Tâm và Trần Văn Phú. Khi đến cổng chào khối 3 thì anh Hướng thấy anh Liễu cầm nửa viên gạch đứng cạnh anh vợ là Trần Văn Đệ.
Bị cáo Hướng (đứng giữa) sau khi phiên toà kết thúc
Thấy vậy, anh Luận và anh Tâm đi đến bảo Liễu về nhưng Liễu nói: “Thằng ni phải đập”. Thấy Liễu đang bức xúc, anh Đệ cũng nói: “Tưởng ai chứ thằng Hướng cùng xóm sinh chuyện làm chi”, vừa nói anh Đệ vừa đẩy anh Liễu về nhưng Liễu không nghe.
Thấy Liễu cầm gạch đứng chặn trước cổng khối 3, nghĩ Liễu sẽ đánh mình, Hướng cũng nhặt 2 nửa viên gạch mục đích để phòng thân. Khi Hướng đi đến cách Liễu khoảng 2m, thì bất ngờ Liễu cầm viên gạch trên tay ném về phía Hướng nhưng viên gạch trúng vào cột gỗ và văng ra trúng vào lưng cháu Bảo Ngọc (con gái Hướng) đang chơi gần đó. Ngay lập tức, Hướng ném 2 nửa viên gạch về phía Liễu, trong đó 1 viên trúng vào thái dương bên trái Liễu làm chảy máu, rồi hai bên xông vào đánh nhau.
Thấy vậy, anh Tâm, anh Phú và anh Luận vào can ngăn. Còn Đệ (anh vợ Liễu) cầm chân Hướng lôi ra, sau đó túm cổ áo Hướng nói: “Mi cầm gạch làm chi, thả ra không tau đập chết”? Vừa nói, Đệ vừa vung tay đấm vào mặt Hướng. Hướng phân trần: “Cầm để tự vệ”.
Thấy vậy, anh Luận lại đến can ngăn và được mọi người đưa về nhà. Khi anh Hướng đi được một đoạn thì Trần Văn Trí (SN 1990, con trai Đệ) xuất hiện, dùng tay đấm vào người anh Hướng mấy cái liền làm Hướng ngã xuống đất. Sau đó, cả Hướng và Liễu được đưa vào Bệnh viện huyện chữa trị.
Bản giám định pháp y ngày 12/6/2012 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Nghệ An kết luận: Liễu có tỷ lệ thương tật 26,5%. Còn giám định pháp y ngày 4/7/2012, Hướng có tỷ lệ thương tật 11,6%. Ngày 15/8/2012, cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Kỳ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hướng về tội Cố ý gây thương tích.
Ngày 22/8/2012, anh Hướng và anh Liễu nhận thấy cả hai cùng sai, tuy nhiên, theo tỷ lệ thương tật thì anh Liễu nặng hơn nên vợ chồng Hướng đến nhà xin lỗi Liễu. Anh Liễu nhận của anh Hướng 15 triệu đồng và ký biên bản thoả thuận dân sự.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra nhận được đơn của 2 bên Hướng, Liễu đề nghị không khởi tố vụ án, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã gây thương tích cho mình. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Kỳ vẫn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, hoàn tất hồ sơ vụ án chuyển Viện KSND huyện đề nghị truy tố Nguyễn Văn Hướng về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngày 26/12/2012, TAND huyện Tân Kỳ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Văn Hướng 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội danh trên. Về dân sự, buộc Nguyễn Văn Hướng phải bồi thường cho anh Liễu 22.234.000 đồng.
Cho rằng mình bị oan, Nguyễn Văn Hướng làm đơn kháng cáo cho rằng mình vô tội, đề nghị cơ quan tố tụng truy tố đối với Ngô Đức Liễu và những người đã tham gia đánh Hướng về tội Cố ý gây thương tích… Ngoài ra, còn đề nghị Liễu bồi thường cho Hướng trên 100 triệu đồng. Còn Ngô Đức Liễu cũng kháng cáo đề nghị Tòa phúc thẩm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Hướng và tăng thêm mức bồi thường dân sự.
Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, để hàn gắn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, Hội đồng xét xử của TAND tỉnh Nghệ An gợi ý cho phía bị hại và bị cáo rút đơn kháng cáo. Quan điểm của Hội đồng xét xử cho rằng, tiền bao nhiêu cũng hết, sống không chỉ cho riêng mình, tất cả vì con cháu sau này tối lửa tắt đèn có nhau. Tuy nhiên, cả bị hại và bị cáo khăng khăng bảo lưu đơn kháng cáo.
Riêng bị cáo Hướng, trong suốt gần 1 ngày xét xử một mực kêu oan, cho rằng bị cáo cũng là bị hại. Sau khi cam kết và viết đơn bãi nại, nhưng Liễu lại thay đổi làm đơn buộc bị cáo phải đền bù tổng số tiền lên đến 303.598.000 đồng.
Tuy nhiên, mọi đề nghị của Hướng không được tòa chấp nhận. Sau khi làm rõ các tình tiết nội dung vụ án, xem xét các tình tiết tăng giảm hình phạt, Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng án của bị hại và bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hướng 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Sau khi bản án được tuyên, Nguyễn Văn Hướng vẫn không hết lời kêu oan cho rằng từ bị hại thành bị cáo. Mức án mà Hội đồng xét xử tuyên phạt đối với Nguyễn Văn Hướng là đúng người, đúng tội, nhưng dư luận cho rằng, giá như bị hại không gây sự trước, không ra về chặn đánh Hướng trước thì chuyện đau lòng sẽ không xảy ra, không phải dắt nhau ra hầu tòa. Dẫu biết rằng, vết thương trên thân thể sẽ lành, nhưng vết sẹo để đời về quan hệ tình làng nghĩa xóm thì khó phai.
Thành Vinh
.