Cuối tháng 5, nắng như đổ lửa, một người đàn bà khoảng 25 tuổi, thân hình ốm yếu, gầy còm, đầu trần, chân đất đi theo chồng vào TP Vinh để nghe Tòa phúc thẩm xét xử, hy vọng chồng mình được hưởng án treo, có thời gian chăm sóc vợ con bệnh tật, bố mẹ già ốm yếu.
Trong những ngày tháng 8/2012, một số hộ dân ở dọc Quốc lộ 7A và Quốc lộ 48 bị 2 đối tượng dùng tiền giả có mệnh giá 200.000 đồng vào mua hàng hóa làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT, gây hoang mang trong nhân dân. Thủ đoạn của chúng là dùng tiền giả, kèm theo một số tiền thật đến các quầy tạp hóa mua hàng. Thậm chí chúng còn vào các nhà nghỉ ăn uống no say, ngủ qua đêm, sáng mai trời chưa tỏ mặt chúng đã dậy thanh toán tiền rồi nhanh chóng tìm đường thoát thân.
Lê Văn Xuân tại tòa án
Trường hợp gia đình chị Lương Thị Q. trú ở Quỳ Châu là một điển hình. Sau khi về hưu, vợ chồng mở quầy bán bia nhằm tăng thêm thu nhập. Đúng ngày “khai trương”, ngoài bà con hàng xóm, bạn bè thân thích còn có sự hiện diện của 2 người đàn ông lạ mặt. Hai “thượng đế” ngồi gần suốt buổi, tu hết nửa két bia và các loại đồ nhắm, tổng số tiền lên đến gần 1 triệu đồng.
Thanh toán sòng phẳng, hai “thượng đế” chào tạm biệt ra về trong sự nể trọng, tay bắt mặt mừng của chủ hàng. Vạn sự khởi đầu nan, nghĩ là 2 vị khách sộp, tiền đang nguyên số sêri, bà Q. tiễn chân ra tận cổng và không quên lời mời chào đưa đón: “Lúc rỗi mời hai chú tiếp tục qua lại nhé”.
Khốn nỗi, khi bà vợ đưa tiền đi thanh toán tiền hàng, thì mới phát hiện ra một số tiền giả, chủ yếu là tiền có mệnh giá 200.000 đồng của 2 vị “thượng đế” vừa trả lúc trưa đang nguyên số sêri. Bà Q. mặt tái mét chạy đến Công an huyện Quỳ Châu trình báo toàn bộ nội dung sự việc trên.
Qua trình báo của bà Q., Cơ quan CSĐT khẳng định: Hai đối tượng dùng tiền giả thanh toán cho gia đình bà Q. chính là 2 đối tượng đã dùng tiền giả vào mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa ở thị trấn huyện xảy ra cách đây mấy ngày. Trước thực trạng trên, lãnh đạo Công an huyện Quỳ Châu giao cho Đội CSĐTTP về TTXH lập án đấu tranh với các đối tượng trên về hành vi lưu hành tiền giả.
Tang vật bị thu giữ
Qua một thời gian truy xét, các trinh sát thấy nổi lên 1 đối tượng nghi vấn, đó là một gã đàn ông khoảng 22 - 26 tuổi, người ở địa phương khác thường xuyên xuất hiện tại các quán bia, cafe ở khu vực thị trấn Quỳ Châu. Từ đây, mọi di biến động của vị khách lạ được các trinh sát theo dõi sát sao.
Sau một thời gian mật phục, Công an huyện Quỳ Châu đã bắt quả tang khi người đàn ông lạ mặt đang dùng tiền giả vào mua hàng hóa, thu giữ trong người một số tiền giả mệnh giá 200.000 đồng.
Tại Cơ quan điều tra, đối tượng khai tên là Lê Văn Xuân (SN 1985) trú ở xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu. Quá trình đấu tranh, Xuân khai, do kinh tế khó khăn, vợ con ốm yếu không có tiền trang trải chi tiêu ăn uống, thuốc thang, Xuân đã mua 10 triệu đồng tiền giả mệnh giá 200.000 đồng rồi rủ 1 người bạn đi đến một số quầy hàng tạp hóa dọc tuyến Quốc lộ 7A và Quốc lộ 48 mua hàng hóa lấy tiền tiêu xài.
Thủ đoạn của Xuân là lấy tiền giả bỏ vào một ít tiền thật đưa cho bạn vào mua hàng hóa, sau đó đem đến nơi khác bán lấy tiền thật. Bằng thủ đoạn trên, trong hơn 2 tháng, Lê Văn Xuân đã tiêu thụ được 6 triệu đồng tiền giả.
Cuối năm 2012, TAND huyện Quỳ Châu xử phạt Lê Văn Xuân (SN 1985) 42 tháng tù giam về tội “Lưu hành tiền giả”. Để có thời gian chăm sóc vợ con, chuộc lại lỗi lầm, ngày 2/1/2013, Lê Văn Xuân làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo. Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của Xuân.
Tại Tòa phúc thẩm, ngoài bị cáo Xuân, duy nhất chỉ có người vợ có khuôn mặt khắc khổ, ốm yếu ngồi co ro dưới khán phòng nghe Tòa xét hỏi, hy vọng chồng mình được Tòa phúc thẩm chấp nhận đơn kháng án. Sau phần xét hỏi, vị đại diện Viện KSND tỉnh thực hiện quyền công tố trước tòa nêu quan điểm và không chấp nhận đơn kháng cáo đối với Lê Văn Xuân. Lý do, theo quy định mức án phạt tù từ 42 tháng trở lên thì đó là một trong những tình tiết bị cáo không được hưởng án treo.
Nghe xong, vợ của Xuân nước mắt lăn dài trên đôi gò má hốc hác. Tuy nhiên, Lê Văn Xuân xin bổ sung vào đơn kháng cáo đề nghị Tòa cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt. Lý do mà Xuân đưa ra là trong thời gian tại ngoại, Xuân đã lập công chuộc tội giúp Cơ quan điều tra Công an huyện Quỳnh Lưu trong một số vụ việc.
Xét thấy bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, gia đình thuộc hộ nghèo, vợ con ốm đau; bản thân bị cáo có 2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự, bố bị cáo là người có công được tặng thưởng Huân, Huy chương các hạng… Hội đồng xét xử quyết định sửa 1 phần bản án sơ thẩm, tuyên phạt Lê Văn Xuân 30 tháng tù (giảm 1 năm so với án sơ thẩm).
Phiên tòa kết thúc, vợ chồng Lê Văn Xuân dắt nhau ra về trong nỗi buồn tê tái. Bởi sớm muộn, Xuân cũng phải chia tay vợ con vào trại cải tạo. Trong khi đó, Xuân là trụ cột, là lao động chính duy nhất trong gia đình nghèo vùng đất bạc màu của huyện Quỳnh Lưu.
Trọng Hữu
.