Như Báo Công an Nghệ An đã có bài viết phản ánh: Ngày 5/4/2013, sau khi làm nhiệm vụ đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép tại đồi Khe Háng nhỏ, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An lập biên bản bàn giao địa bàn sạch về khai thác khoáng sản trái phép cho UBND xã Cắm Muộn tiếp quản.
Ngày 11/4/2013, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 2327/UBND-TN về việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện Quế Phong. Tuy nhiên, khi Công văn này chưa “ráo mực” thì ngày 25/4/2013, các cơ quan chức năng lại phải tổ chức tiếp một đợt truy quét “vàng tặc” tại đồi Khe Háng nhỏ và đồi Khe Tám thuộc xã Cắm Muộn. Chính quyền địa phương (huyện, xã) không làm tròn trách nhiệm hay có một thế lực đứng sau bảo kê cho hoạt động khai thác vàng trái phép tái diễn một cách công khai trên địa bàn?
Chỉ 20 ngày trước, Đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi đồi Khe Háng nhỏ, lập biên bản bàn giao địa bàn sạch về khai thác khoáng sản trái phép và giao cho UBND xã Cắm Muộn tiếp quản thì nay, các đối tượng đã quay trở lại khai thác nhộn nhịp, giống như một công trường đang vào giai đoạn nước rút.
Không những thế, các đối tượng còn chuyển địa bàn khai thác sang đồi Khe Tám, tiếp tục uy hiếp Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Ông Lô Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn cho biết: Sau đợt truy quét đầu tháng 4/2013, đồng bào trong xã vẫn tiếp tục đến khu vực đồi Khe Háng nhỏ để dựng lán trại khai thác. Công an xã Cắm Muộn, Công an huyện Quế Phong đã cử lực lượng ở lại đây canh giữ đến tận ngày tổ chức đợt truy quét thứ 2 (tức ngày 25/4). UBND huyện, Huyện ủy Quế Phong cũng đã chỉ đạo xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép... Nhiều đối tượng còn tràn sang đồi Khe Tám, cách đó không xa để khai thác.
Đồi Khé Háng nhỏ tan hoang vì “vàng tặc”
UBND xã Cắm Muộn không xác định được chính xác thời điểm đồi Khe Háng nhỏ, Khe Tám bị “xẻ thịt” tìm vàng nhưng có thể các đối tượng đã vào đây khai thác được khoảng nửa tháng nay. Nếu thông tin ông Tùng cung cấp là chính xác thì câu hỏi đặt ra là vai trò của UBND xã Cắm Muộn, UBND huyện Quế Phong, các lực lượng chức năng đến đâu khi không thực hiện nghiêm túc Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về việc siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện? Vì sao có lực lượng túc trực tại chỗ thường xuyên mà vẫn để cho người dân lập lán trại, tổ chức khai thác?
Trước tình hình trên, Đoàn công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép của UBND tỉnh thành lập theo Quyết định số 163/QĐ-UBND-NC ngày 14/1/2013 đã làm việc với UBND huyện Quế Phong và triển khai Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 23/4/2013 của UBND huyện Quế Phong về việc kiểm tra, xử lý khai thác vàng trái phép tại xã Cắm Muộn.
Theo đó, trong 2 ngày, 25, 26/4/2013, Đoàn công tác 163 phối hợp với UBND huyện Quế Phong huy động 50 cán bộ, chiến sỹ tiến hành truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép tại đồi Khe Háng nhỏ và đồi Khe Tám. Tại đồi Khe Háng nhỏ, lực lượng chức năng đã đẩy đuổi 110 người, chủ yếu là người dân địa phương ra khỏi khu vực khai thác; phá dỡ 23 lán trại, vô hiệu hóa 10 máy nổ diezen loại 24 mã lực, tiếp tục bàn giao lại cho UBND xã Cắm Muộn quản lý, không để tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép.
Tại đồi Khe Tám, qua nắm tình hình, Đoàn công tác xác định, do tin đồn, đoán, tại đây có nhiều vàng nên người dân tụ tập đến thăm dò, khai thác vàng trái phép nhưng do trữ lượng vàng thấp nên đã tự bỏ về. Tại đây, Đoàn công tác nhìn thấy có 4 hố thủ công sâu 3 - 5m, 17 lán trại đã tháo dỡ từ trước, 4 lán trại có 17 người dân địa phương, không phát hiện thấy máy móc dùng để khai thác vàng. Đoàn đã tháo dỡ số lán trại, đẩy đuổi người dân trong khu vực và giao cho UBND xã Cắm Muộn tiếp quản.
Hiện nay, dư luận tại Quế Phong cho rằng, việc để tình trạng khai thác vàng trái phép tái diễn tại đồi Khe Háng nhỏ, đồi Khe Tám là do các đối tượng phát hiện ở đây có trữ lượng vàng lớn nên bất chấp nguy hiểm, vào tranh giành phần đất khai thác hoặc làm thuê cho các đối tượng người Thái Nguyên.
Mặt khác, một số cán bộ, công chức có biểu hiện bao che, bảo kê cho hoạt động khai thác quặng vàng trên địa bàn xã Cắm Muộn đã khiến việc khai thác vàng trái phép tái diễn ngay sau khi Đoàn công tác của UBND tỉnh rút quân. Về thông tin cho rằng, một số cán bộ xã bao che để người nhà tham gia khai thác vàng trái phép, ông Lô Văn Tùng cho biết thêm: Đây là thông tin đang trong quá trình điều tra nhưng chưa có kết quả. Có thể là người cùng bản, anh em làng xóm nhưng không phải là người “cùng nhà” với cán bộ xã…
Dù lý do gì nhưng việc để tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép tiếp tục diễn ra tại xã Cắm Muộn là điều mà các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần xem xét lại trách nhiệm của mình. Có hay không việc một số cán bộ, công chức địa phương đứng ra “bảo kê” cho hoạt động khai thác vàng tại đây, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng… đến đâu cần sớm được làm rõ và xử lý nghiêm, làm gương cho các địa phương khác trong tỉnh.
Ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép cần làm triệt để, tránh trường hợp “bắt cóc bỏ đĩa”, khai thác khoáng sản bừa bãi gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường sống. Các đối tượng vẫn chưa chịu buông tha đồi Khe Háng nhỏ, Khe Tám chừng nào công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn chưa được siết chặt. Điều đó cũng có nghĩa là Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống vẫn luôn nằm trong tình trạng bị uy hiếp nghiêm trọng.
Võ Văn Dũng
.