Ngày 25/3/2013, tại TP Vinh, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án sản xuất ma túy đá lớn nhất tại thành phố Vinh ra xét xử sơ thẩm công khai.. Đây là vụ án liên quan đến nhiều người thân của 2 gia đình, trong đó có một người cha đã phải đón nhận những tháng ngày khổ tâm, buồn đau đến tận cùng khi chứng kiến con gái mình liên quan đến vụ án chỉ vì một tình yêu mù quáng.
Có lẽ vì nỗi đau lòng trên, trước khi bước sang giao thừa năm Quý Tỵ 2013, ông đã dành hết tình cảm của mình viết lên những cảm xúc buồn gửi cho con gái Tăng Thị Lan Phương đang ngồi tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
Phương chỉ là bồ nhí của một nhân vật chính trong vụ án. Đây là lá thư không những có giá trị về nhân văn, về tình máu mủ khi cha con chia cắt mà còn có giá trị giáo dục cao đối với những người lầm đường lạc lối và được lan truyền trong buồng tạm giam, được các can phạm nhân trân trọng đón nhận, xem đó như là lời dạy của chính người thân mình. Qua tiếp xúc, ông Nuôi cho chúng tôi đọc toàn bộ nội dung bức thư: “Sao con chọn lối này”.
Tăng Thị Lan Phương và Lê Thanh Hải trước khi bị bắt 30/3/2012
Chúng tôi xin được đăng tải nguyên bức thư này đến bạn đọc trước giờ đưa vụ án sản xuất ma túy đá ra xét xử. Đối tượng chủ chốt trong việc sản xuất và đứng ra tổ chức tiêu thụ là Lê Thanh Hải (SN 1971) trú ở TP Vinh. Sau đây là nội dung bức thư.
“Con ơi con! Con nhầm đường, lẫn lối. Sao con chọn lối này...”.
Con! Đêm chưa khuya lắm mà không gian tĩnh lặng, ngồi một mình bố tâm sự cùng con trên trang viết này đọc cho con nghe và cho bầu trời cùng nghe. Ngoài cửa mưa cứ rơi, gió cứ thổi, những giọt mưa rơi trên đường phố mà bố cảm nhận như đang rơi trong lòng mình… Và mùa Đông vẫn cứ dùng dằng, níu kéo không muốn Xuân sang. Mặc dù đó là mùa Đông lạnh lẽo, hiu quạnh, trống trải nhất trong đời người bố! Trong bàn thờ mẹ và em trai của con, khói hương vẫn ngào ngạt lan tỏa kín căn phòng như sưởi ấm lòng bố đang cô đơn, lạnh giá.
Có lẽ con cũng biết! Đây là cái Tết đầu tiên từ khi con sinh ra không có mặt trong gia đình. Cũng gần 40 năm rồi con ạ, thời gian trôi nhanh như dòng sông chảy xiết không ngừng, nó cuốn theo biết bao buồn vui thương nhớ… Chỉ riêng có năm nay bố thấy thời gian trôi đi nặng nề, chậm chạp có lúc như dùng lại… Mong sao ngày này năm sau gia đình cha con đoàn tụ.
Rồi những kỷ niệm năm xưa đan xen hòa vào tâm trí bố. Những tháng ngày đẹp đẽ, chan hòa sum vầy bố, mẹ, con cái, tiếng cười nói râm ran. Thời gian, năm tháng các con mỗi ngày một khôn lớn, cắp sách tung tăng đến trường, đạt không ít những kết quả tốt đẹp trong học tập. Vậy mà ngày vui chẳng được là bao.
Mẹ con ra đi (1993) khi mới 41 tuổi, đến năm 2006, Long - em trai của con (giáo viên chuyên Toán Phan Bội Châu, Nghệ An - P.V) lại ra đi ở tuổi đầu xanh, tuổi trẻ đầy triển vọng tương lai sáng rạng, rồi Huyền về nhà chồng và con vào trại. Để lại mình bố và đứa con trẻ của con… Còn gì có thể đau đớn hơn, mất mát hơn đến với bố. Với tuổi thơ của bố chẳng được may mắn lắm. Ông bà mất sớm, anh trai đi bộ đội và hy sinh. Cả cuộc đời dành cho vợ, con. Vậy mà… “Xe cát biển Đông. Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì…”.
Thôi cũng là thiên định. Cái gì đi và đến cũng đã rồi, biết làm thế nào hơn. Bố tự nhắc nhở mình, phải vững vàng lên để đón nhận những thử thách đang ở phía trước. Con và con của con đang cần đến bố nhiều lắm phải không con?...
Hàng tuần vào thứ 5 sau giờ giảng dạy tăng thêm thu nhập, nuôi con của con thay con, bố ra thăm con. Với đồng tiền ít ỏi, mua ít quà gửi cho con, cho bạn bè cùng cảnh như con phần nào sưởi ấm những tâm hồn tội lỗi lạnh lẽo. Quãng đường từ nhà ta đến Trại tạm giam ở xã Nghi Kim gần thế mà bố cứ thấy xa vời vợi… Hàng tháng bố con gặp nhau qua tấm sắt B40, mừng mừng, tủi tủi, không nói hết được những gì muốn nói. Ngắm nhìn khuôn mặt con xanh xao hơi gầy và những giọt nước mắt ân hận lăn lăn trên gò má mà bố cảm thấy như đang rơi trong lòng mình (bố không khóc, nghe lòng nức nở), tình thương ấy dào dạt trào dâng thành cảm xúc:
Cha con xa nhau
Qua bao tháng ngày
Nhưng trong tim cha
Con không hề xa…
Với sự quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn ân cần đầy trách nhiệm của các chiến sỹ Công an phần nào xua tan mặc cảm xoa dịu nỗi đau trong lòng bố. Bố tin rằng: Trong ngần ấy thời gian ở trong trại, con đủ để nhìn nhận lại mình và những việc làm sai trái mà bản thân phải gánh chịu. Con đừng có than thân, trách phận. Bản thân phải có ý chí vì cuộc đời phía trước con còn dài lắm, đủ thời gian để làm lại từ đầu. Nước mắt chỉ giúp mình xua tan nỗi phiền muộn trong chốc lát, không thể nào giúp con vươn lên phía trước được. Muốn vươn lên thì phải bằng ý chí, nghị lực... “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên cứng rắn, không hề biết sợ…”. Và một điều không thể nào quý hơn chính là “Cuộc sống”. Vì: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm đã sống hoài, sống phí…”.
Ngay từ bây giờ không phải là ngày mai, con phải biết quý trọng giây phút mà quỹ thời gian có hạn dành cho bản thân mình. Phải biết đối mặt với cuộc sống, không nề hà bất kỳ công việc gì. Phải luôn kiểm tra lại bản thân mình để giải thoát những vướng mắc bên trong. Tìm hạnh phúc trong những bất hạnh để “Cảm ơn đời. Mỗi sáng mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.
Chỉ còn 15 phút nữa là thời khắc thiêng liêng của phút giao mùa sang Xuân, không khí im lặng như tan biến dành cho không khí rạo rực sang Xuân. Khu phố như rộn rã hẳn lên…
Bố dừng bút ở đây con nhé. Qua con cho bố gửi lời thăm sức khỏe đến mọi người quanh con. Sát cánh bên nhau đón cái Tết tình người.
Vinh, ngày 29/12/2012 (âm lịch). Bố Tăng Ngọc Nuôi.
Chia tay ông Tăng Ngọc Nuôi trong căn hộ chung cư trống vắng tình cảm lẫn vật chất và sự tĩnh lặng đến nao lòng, chúng tôi chỉ biết cầu mong ông vượt qua đoạn trường sóng gió cuộc đời không may ập đến với gia đình ông để chèo lái con thuyền “vượt cạn” đến bến bờ hạnh phúc, bình an như những gì ông mong muốn mà ông cha ta thường nói: “Sông có khúc, người có lúc”.
Trọng Hữu
.