Khiếu kiện thiếu cơ sở
Nhiều nhân chứng và chính quyền địa phương cho biết, ông Trần Xuân Lập chỉ là công nhân trồng rừng cho doanh nghiệp Lê Duy Nguyên. Từ năm 1993 cho đến trước tháng 8/2009, ông Lập cũng không có khiếu kiện gì về việc ông Lê Duy Nguyên nhờ đứng tên trong lâm bạ giao đất. Thế mà đến ngày 8/9/2009 có dư luận vùng rừng trồng Đông Hồi sắp trở thành khu kinh tế trọng điểm, được đền bù hàng trăm tỷ đồng, ông Lập mới vội vã viết đơn khiếu kiện ông Lê Duy Nguyên chiếm đất của ông. Chưa dừng lại đó, ngày 7/12/2009, ông Lập khởi kiện doanh nghiệp Lê Duy Nguyên tới tòa án Quỳnh Lưu.
Ngày 26/7/2011, UBND xã Quỳnh Lập có văn bản gửi Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu do Phó Chủ tịch Lê Bá Vân ký, đóng dấu có nội dung xác nhận như sau: “Sau khi có đơn của ông Trần Xuân Lập, thường trú tại xóm Đồng Minh, xã Quỳnh Lập và anh Trần Xuân Nam, thường trú tại khối 1, xã Quỳnh Thiện kiện ông Lê Duy Nguyên (Giám đốc doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên) chiếm đất rừng, UBND xã Quỳnh Lập đã cho kiểm tra toàn bộ hồ sơ đất lâm nghiệp trên địa bàn của xã, bao gồm: Sổ mục kê, tờ bản đồ kết quả giao đất nông nghiệp năm 1998, tờ bản đồ số 1 (10 - 136602 + 136608 + 130602). Tất cả đều thể hiện đất ông Lê Duy Nguyên.
Không có vùng nào, kể cả Hòn Dề và Vùng Vễ (nơi đang kiện bị chiếm) thể hiện tên ông Trần Xuân Lập và anh Trần Xuân Nam. Trên thực địa, kể từ năm 1993 đến nay (18 năm), ở khu vực hai xóm: Đồng Minh và Đồng Thanh xã Quỳnh Lập cũng không có vùng đất nào thuộc ông Trần Xuân Lập và anh Trần Xuân Nam quản lý, sử dụng trồng rừng”.
Các tài liệu, văn bản do các ban ngành cấp cho chủ doanh nghiệp
trồng rừng Lê Duy Nguyên
Để làm rõ nội dung ông Trần Xuân Lập, Trần Xuân Nam tố cáo ông Lê Duy Nguyên làm giả chữ ký ông Trần Xuân Lập tại biên bản bàn giao lâm bạ đất ngày 21/1/1993, chúng tôi đã kiểm tra bản kết luận giám định của Viện khoa học hình sự, Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm ngày 18/3/2011 (theo quyết định trưng cầu giám định số 05/QĐ - TCGĐ ngày 6/1/2011 của Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), đối chiếu với biên bản gốc lập ngày 21/1/1993 thì không thấy có tên và chữ ký nhận bàn giao của ông Trần Xuân Lập.
Cũng theo điều tra của chúng tôi, ngày 5/9/1996, đại diện Sở địa chính Nghệ An (sau này là Sở Tài nguyên - Môi trường), Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu, UBND xã Quỳnh Lập, xóm Đồng Minh, Đồn Biên phòng, doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên đã thực hiện việc xác định vị trí mốc giới, đóng mốc giới vùng diện tích 981 héc ta thuộc quyền sử dụng lâu dài của doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên. Thời điểm này ông Trần Xuân Lập là công nhân của doanh nghiệp cũng không có ý kiến gì khác về quyền sử dụng đất được giao cho chủ hộ Lê Duy Nguyên.
Lại nữa, trong biên bản hòa giải khiếu kiện, lập tại UBND xã Quỳnh Lập ngày 23/10/2009, ông Trần Xuân Lập thừa nhận: “…Từ ngày thành lập doanh nghiệp cho tới nay thì việc trồng cây là do ông Nguyên trồng, thuê công nhân trồng, trả tiền công hàng ngày cho công nhân”. Ngay con trai ông, là Trần Xuân Nam cũng thừa nhận: “Việc làm hồ sơ cấp lâm bạ cho tôi (Trần Xuân Nam) là do ông Nguyên (Lê Duy Nguyên) làm, còn tôi không biết, đồng thời tôi cũng không ký vào hồ sơ mà do ông Nguyên ký”.
Năm 1994, ông Lê Duy Nguyên xin nghỉ hưu trước tuổi để dành tâm sức, tập trung, đầu tư phát triển trồng rừng trên diện tích được giao. Nhận thấy đây là mô hình kinh tế - môi trường ưu việt, có hiệu quả, UBND tỉnh Nghệ An đã có các Quyết định số 304, ngày 29/12/1994 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Xuân Hùng ký đồng ý cho triển khai dự án: “Phát triển lâm - nông - ngư Đông Hồi” của doanh nghiệp Lê Duy Nguyên.
Năm 2000, UBND tỉnh Nghệ An lại phê duyệt cho doanh nghiệp Lê Duy Nguyên triển khai dự án “Trồng rừng, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, phục hồi sinh thái”, theo Quyết định số 4207, ban hành ngày 29/12/2000, do Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Trung ký.
Rồi ngày 25/12/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5873, do Phó Chủ tịch Nguyễn Đình Chi ký cho phép doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên thực hiện tiếp dự án “Trồng rừng, xây dựng lâm viên, phát triển khu du lịch sinh thái Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu”.
Với tổng diện tích đất hơn trên 1.000 héc ta được giao thêm sau này, ông Lê Duy Nguyên đầu tư hàng tỷ đồng trồng cây, chăm sóc gần 20 năm, góp phần tạo lập rừng phòng hộ, rừng nguyên liệu cải thiện môi trường sinh thái vùng Bắc Quỳnh Lưu và Nam Thanh Hóa.
Cần xử lý dứt điểm
Đã đến lúc các cơ quan chức năng, pháp luật ở Nghệ An cần có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện kéo dài từ năm 2009 đến nay mà nội dung khiếu kiện không đủ yếu tố pháp lý đối với một doanh nghiệp đang phát triển vững chắc, ổn định, toàn diện, có đóng góp quyết định chủ trương phát triển vốn tài nguyên rừng phong phú, cải thiện môi sinh, cảnh quan du lịch.
UBND huyện Quỳnh Lưu, Công an huyện Quỳnh Lưu, phòng Tài nguyên môi trường Quỳnh Lưu cần vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vì sao ông Trần Xuân Nam lại có trong tay lâm bạ giao đất cùng nội dung như lâm bạ đã giao cho ông Lê Duy Nguyên năm 1993.
Ông Lê Duy Nguyên bức xúc trình bày sự việc
Các lâm bạ này ông Trần Xuân Nam đã trình ra tại phiên tòa sơ thẩm Quỳnh Lưu để minh chứng cha con ông được giao đất trồng rừng. Nhưng khi được hỏi cơ quan nào giao lâm bạ cho ông, giao vào thời gian nào, ai giao, có biên bản bàn giao lâm bạ không thì ông Nam trả lời “trước mắt tôi trả lời đến đó”.
Tòa án các cấp ở Nghệ An cũng không nên kéo dài trình tự thụ lý xét xử với một nguyên đơn đưa ra chứng lý bất hợp pháp, vô hiệu từ cái danh xưng trong lâm bạ giao đất mang tên ông Trần Xuân Lập, ông Trần Xuân Nam.
Giải pháp tối ưu, pháp lý là UBND huyện Quỳnh Lưu sớm có quyết định thu hồi ba bản lâm bạ đứng tên ông Trần Xuân Lập, Trần Xuân Nam, Trần Xuân Ngoạn mà người ký nhận lâm bạ lại do ông Lê Duy Nguyên làm thay, không đúng quy định. Trong khi từ năm 1993 đến nay người chịu trách nhiệm thực hiện quyền sử dụng đất, chịu trách nhiệm hiệu quả sử dụng, bỏ vốn, đầu tư phát triển, sinh lợi, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, địa phương, xã hội lại thuộc về ông Lê Duy Nguyên.
Văn Hiền - Ngọc Thái
.