Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn vừa điều tra, bắt giữ đối tượng Vi Văn Ba, trú tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương về hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn đã nhận được đơn tố cáo một số công dân về đối tượng lợi dụng tín nhiệm, hứa chạy việc cho con em họ để lừa đảo hàng chục triệu đồng.
Trong đơn tố cáo của ông Vi Thái Bình, trú ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) trình bày: Vào ngày 20/8/2012, tại một quán nhậu trên đường Lê Hồng Phong - thành phố Vinh, con trai ông là Vi Khánh Hoàng có quen với Lương Thế Anh (giới thiệu là đang công tác ở Huyện đội Thanh Chương); Vi Văn Ba, trú ở bản Vẽ, xã Yên Na (Tương Dương) và Vi Văn Quê, trú ở bản Khe Nằn xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn.
Tại đây, Anh và Quê có thông tin cho Hoàng biết là hiện nay đang có "suất" chạy vào học tại Học viện Hậu cần Quân đội với giá 52 triệu đồng và hẹn đến ngày 24/8 sẽ có người đưa xe đến đón Hoàng đi làm thủ tục nhập học.
Vì con trai đang muốn được đi học, lại là chỗ quen biết, trong khi tin tưởng Anh đang công tác ở Huyện đội nên Hoàng đã về trao đổi lại với gia đình đồng ý vay mượn để đi học. Đến ngày hẹn không thấy thông tin như lời hứa của Anh và Ba, gia đình mới biết mình bị lừa.
Đối tượng Vi Văn Ba
Cũng chung cảnh ngộ như ông Bình, ông Vi Văn Tuyên ở bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu có đơn tố cáo Vi Văn Ba với nội dung: Từ chỗ quen biết của con trai ông là Vi Văn Quý với bạn là Vi Văn Ba, sau khi học xong THPT tại trường huyện, con trai ông có nói lại với bố là hiện nay Vi Văn Ba có người thân làm công tác tuyển sinh ở Công an tỉnh đang có một suất vào ngành công an.
Tin tưởng, chiều ý con gia đình đồng ý làm hồ sơ để con trai được theo học. Ngày 22/7/2012, ông Tuyên cùng con trai mang hồ sơ và số tiền 10 triệu đồng xuống Vinh tìm gặp Vi Văn Ba để trao đổi. Khi đến Bến xe Vinh, ông Tuyên gặp Vi Văn Ba.
Sau mấy câu chào hỏi xã giao, Vi Văn Ba tự giới thiệu mình đang công tác tại Trại Nghi Kim (Trại tạm giam Công an tỉnh - PV), làm nhiệm vụ gác phạm nhân ở phòng 307, sau đó Ba dẫn bố con Quý đến một quán ăn gần Trại tạm giam và bàn giao số tiền trên. Do ông Tuyên không biết chữ nên cuộc "giao kèo" này hai bên không viết giấy biên nhận.
Đơn tố cáo của công dân
Đến ngày 26/7, Vi Văn Ba điện thoại cho Quý với nội dung sớm hoàn chỉnh hồ sơ và mang kèm thêm số tiền 30 triệu đồng mới được nhập học. Không chút nghi ngờ, lại tiện thể gia đình ông Tuyên có người nhà đang đi tập huấn ở Vinh nên ông Tuyên đã gửi số tiền này mang xuống cho Ba.
Ngày 27/7, sau khi hẹn xong, tại một khách sạn ở TP Vinh, người nhà ông Tuyên đã gặp Ba và Anh để bàn giao số tiền và thống nhất giấy nhận tiền. Tại đây, Anh, Ba hứa với gia đình ông Tuyên đến ngày 9/8 sẽ có giấy thông báo đi học.
Đến hẹn không thấy thông tin gì thì bất ngờ Ba gọi điện cho gia đình ông Tuyên bảo là ngày 15/8 sẽ có người mang trang phục đến để Quý làm thủ tục nhập học tại Học viện Hậu cần. Đến ngày 15/8, Anh và Ba đã mang một bộ áo quần bộ đội, có sao vạch đến cho Quý, đồng thời yêu cầu gia đình mang thêm cho 2 người 6 triệu đồng, chờ ngày 20/8 là xuất phát ra trường nhập học.
Đến nước này thì gia đình hoàn toàn tin tưởng và đồng ý nhờ người nhà mang số tiền trên để giao cho Anh và Ba. Thế nhưng, đến hẹn ngày 20/8 không thấy tin tức gì về chuyện học của con trai. Liên lạc cho Anh và Ba thì số máy "tạm thời không liên lạc được". Biết chắc mình bị lừa, gia đình mới làm đơn tố cáo hành vi của Ba và Anh.
Trung tá Hờ Bá Khư - Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau khi nhận được đơn tố cáo của người bị hại, lãnh đạo Công an huyện Kỳ Sơn đã kịp thời vào cuộc, giao cho Đội CSĐTTP về TTXH điều tra, làm rõ. Qua thời gian điều tra, lấy lời khai các đối tượng liên quan, thu thập chứng cứ, cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vi Văn Ba về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo lãnh đạo cơ quan điều tra Công an huyện Kỳ Sơn, liên quan đến vụ việc trên những năm qua trên địa bàn huyện không xảy ra. Thế nhưng gần đây, nhiều con em ở địa phương đi làm ăn ở các nơi, do không hiểu biết nên bị các đối tượng rủ rê, xúi giục để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, người dân tuyệt đối không tin và nộp tiền cho các đường dây chạy việc, bởi hiện nay nếu có nhu cầu thì nên tìm đến các tổ chức có chức năng tuyển dụng, giới thiệu việc làm của các cơ quan, tổ chức hợp pháp và được sự bảo lãnh của pháp luật.
Cơ quan điều tra Công an Kỳ Sơn cũng cho hay, để phục vụ công tác điều tra vụ án, đề nghị ai là bị hại của các đối tượng lừa đảo trên liên hệ với lãnh đạo, chỉ huy hoặc Đội CSĐT Công an huyện cung cấp thông tin để giải quyết kịp thời.
Xuân Thống - Trường Khuyên
.