Từ những năm 1977, 1978 có 18 hộ dân ở xóm 1, xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu vỡ vạc khai hoang được 1 số diện tích đất phía sau làng để canh tác. Đến năm 1993 theo chủ trương của Nhà nước số diện tích này chuyển sang trồng rừng theo Dự án 327 của Chính phủ và được UBND huyện Quỳnh Lưu cấp “lâm bạ trắng”.
Đến năm 1998, Nhà nước có chủ trương chuyển từ “lâm bạ trắng” sang “lâm bạ xanh” (sau đây xin gọi tắt là “sổ xanh”). Tuy nhiên, lúc bấy giờ chủ trương này không được xã phổ biến đến các hộ dân nên không ai biết để làm. Khi đó, ông Bùi Nguyên Hùng là cán bộ UBND xã nên ông làm được “sổ xanh”. Còn 12 hộ kia không ai biết nên không có “sổ xanh”. Còn thực tế thì họ vẫn canh tác trên diện tích đất mà họ đã khai hoang trước đây.
Mãi đến năm 2003 ông Hùng thuê máy ủi san lấp mặt bằng với diện tích lên đến hơn 6 héc ta. Khi xe ủi đến đất của họ thì các hộ mới biết diện tích đất mà họ lâu nay canh tác nằm trong “sổ xanh” của ông Hùng. Họ ngăn cản còn ông Hùng thì cố san ủi cho bằng được. Ông Hùng giở “sổ xanh” ra thì đúng là đất họ nằm trong sổ của ông Hùng. Chuyện vỡ lở, hoá ra khi làm thủ tục để được cấp “sổ xanh”, ông Hùng quai luôn đất của 12 hộ khác liền kề. Thế là xảy ra tranh chấp.
Mười hai hộ làm đơn lên UBND xã Quỳnh Lộc yêu cầu giải quyết. UBND xã mời 2 bên lên hoà giải nhiều lần, nhưng không thành. Phía ông Hùng là chỉ đồng ý tạm thời để 1 số diện tích trong “sổ xanh” của mình cho các hộ sử dụng, đồng thời để các hộ tách lâm bạ riêng nhưng chỉ với 1 phần diện tích nhất định, chứ không như diện tích ông lấn chiếm. Phía các hộ thì đòi tách bìa nhưng phải là tất cả số diện tích của họ vốn canh tác từ trước đến nay mà ông Hùng lấn chiếm.
Đất được ngăn ranh giới rõ ràng nhưng vẫn nằm trong “sổ xanh” của ông Hùng
Vụ việc càng phức tạp khi đến năm 2012 có Dự án triển khai xây dựng tuyến đường gọi là “Đường công vụ”. Đường này xuyên qua đất đang tranh chấp giữa 12 hộ với ông Hùng, có trong “sổ xanh” của ông Hùng. Chuyện này liên quan đến tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Sau nhiều lần thương thảo, có sự chứng kiến của UBND xã, ông Hùng buộc phải đồng ý để các hộ nhận tiền đền bù theo diện tích đất nguyên thuỷ của họ (một số diện tích trong “sổ xanh” của ông Hùng). Đồng thời đồng ý là đất của ai thì cứ canh tác trong đó cả đất của họ nằm trong “sổ xanh” của ông Hùng, nhưng không chịu tách bìa.
Đến nay, các hộ đã nhận xong tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Đồng thời làm đơn yêu cầu UBND xã can thiệp với ông Hùng để được tách lâm bạ riêng. UBND xã nhiều lần mời ông Hùng lên trụ sở nhưng ông Hùng viện nhiều lý do không đến, buộc UBND xã chuyển hồ sơ lên UBND huyện Quỳnh Lưu giải quyết.
Theo Cơ quan Thanh tra huyện Quỳnh Lưu thì diện tích đất của những người bị ông Hùng xâm lấn, cụ thể là của ông Trần Đình Thìn 2.820 m2, bà Lê Thị Tuyết 405 m2, ông Nguyễn Đức Long 1.200 m2, ông Nguyễn Đức Chất 3.256 m2, ông Trần Đình Độ 1.200 m2, ông Trần Đình Trân 1.200 m2, ông Trần Đình Tuấn 1.200 m2, ông Nguyễn Đức Vượng 3.500 m2, bà Nguyễn Thị Vinh 1.200 m2, bà Trần Thị Chế 7.200 m2, ông Nguyễn Đức Quyết 10.360 m2, ông Nguyễn Đức Nam 1.600 m2. Tổng số diện tích mà ông Hùng lấn chiếm đất của 12 hộ này là 35.140 m2.
Thiết nghĩ việc tách bìa làm “sổ xanh” cho các hộ là không khó. Đất khai hoang nguyên thuỷ của các hộ thì phải trả lại quyền sử dụng cho các hộ và được hợp pháp hoá bằng “lâm bạ”. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp buộc ông Bùi Nguyên Hùng phải tạo điều kiện để các hộ làm thủ tục tách bìa đúng diện tích họ canh tác từ trước đến nay.
Trần Hoài Ngọc
.