Ngày 9/10, Công an huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhận được báo cáo của Ban Công an xã Ngọc Lâm: Ngày 29/9, tại địa bàn xã Ngọc Lâm xuất hiện ba người lạ mặt gồm 2 nữ trạc tuổi 32 và 1 nam trạc tuổi 38 đến thăm dò, kêu gọi bà con trong các bản ở 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn có con gái đến tuổi lao động mà chưa có công ăn việc làm thì cho đi theo họ để sang Trung Quốc làm việc với lương cao, ăn sung mặc sướng.
Hai xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn là hai xã thuộc khu tái định cư theo Dự án Thủy điện Bản Vẽ - Tương Dương chuyển về đây sinh sống. Hai xã này chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mường và Ê đê cư ngụ.
Qua nắm thông tin từ nhân dân trong bản được biết: Họ đến đây để môi giới lao động, một nữ là người dân tộc Thái tên Quang Thị Thuận, trú tại thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, còn ông Quang Cảnh N., ở bản Làng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, còn 1 nữ và 1 nam kia xác định là người Kinh, không biết ở đâu, tên tuổi gì? Cả ba người này đưa ra điều kiện cứ mỗi gia đình có một người con gái đi theo họ, họ sẽ đưa trước 10.000.000 đồng cho gia đình các em.
Theo báo cáo của Ban Công an xã Ngọc Lâm đã có 3 em là Lô Thị H. (SN 1995), Lô Thị B. (SN 1994), Kha Thị H. (SN 1995), đều trú tại bản Lạp, xã Ngọc Lâm đã đi theo họ, hiện tại không biết họ cùng các em đi đâu, làm gì, ở đâu? Ban Công an xã Ngọc Lâm cũng đã đến tận gia đình các em để hỏi tin tức thì được biết gia đình tự nguyện cho các em đi theo họ để xuất khẩu lao động sang Trung Quốc mong kiếm được nhiều tiền để đổi đời, cho chúng sống sướng hơn.
Trong thời gian vừa qua trên địa bàn 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn cũng đã xảy ra nhiều sự việc tương tự, thống kê trong các bản có khoảng 46 người cả trai, cả gái rời bản làng đi làm ăn trong nước và nước ngoài đã lâu không thấy về.
Tình trạng chung của người dân bản là nhận thức hạn chế, cuộc sống quá khó khăn, vì hám tiền trước mắt nên các bậc làm cha, làm mẹ, rồi cả các em bất chấp tất cả những rủi ro và thách thức phía trước để đi theo những người mà họ chưa hề quen biết và đến những nơi các em chưa bao giờ nghĩ tới.
Không biết cuộc đời của những cô gái miền sơn cước rồi sẽ như thế nào khi nhận thức và hiểu biết của họ còn hạn chế. Trong khi đó các cấp chính quyền cũng chưa có đối sách gì thực sự có hiệu quả để ngăn chặn tình trạng trên.
Xuân Phượng
.