Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201209/22783-toan-canh-vu-bat-duong-chi-dung-395361/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201209/22783-toan-canh-vu-bat-duong-chi-dung-395361/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Toàn cảnh vụ bắt Dương Chí Dũng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 08/09/2012, 08:00 [GMT+7]
22783

Toàn cảnh vụ bắt Dương Chí Dũng

Dương Chí Dũng (sinh năm 1957, ở Nam Định) nhận công tác tại Tổng Công ty Hàng hải từ tháng 8/2005, với cương vị Tổng Giám đốc. Trong giai đoạn 2006 - 2008, nhờ sự hưng thịnh của vận tải biển quốc tế, hoạt động của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines khá “thuận buồm, xuôi gió”. Tuy nhiên, khi kinh tế khó khăn (bắt đầu từ 2010) nhiều sai phạm trong điều hành mới bắt đầu lộ rõ.
Trong thời gian nêu trên, theo Thanh tra Chính phủ, Vinalines đã mắc nhiều sai phạm, trong đó tập trung vào 4 vấn đề: Mua nhiều tàu cũ, để xảy ra nhiều vụ bắt tàu gây thiệt hại lớn, đầu tư xây dựng nóng vội, ngoài quy hoạch và đầu tư tài chính sai nguyên tắc. Theo số liệu thanh tra, từ năm 2005 đến 2010, Vinalines đã mua tổng cộng 73 tàu vận tải biển với giá trị hơn 22.850 tỷ đồng (đồng thời bán đi 55 tàu) nhưng đa phần trong số này là mua của nước ngoài, đã qua sử dụng. 
 
Quyết định truy nã Dương Chí Dũng
Vào tháng 8/2010, thời điểm cựu Chủ tịch Vinashin - Phạm Thanh Bình bị cơ quan công an khởi tố, Dương Chí Dũng được giao nhiệm vụ làm rõ hơn về quá trình tiếp nhận các đơn vị được chuyển giao khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy tiến hành tái cơ cấu. Thời điểm này, với kinh nghiệm của mình, Dương Chí Dũng đã phân tích khá thấu đáo những nhược điểm trong việc mua lại và khai thác tàu Hoa Sen của Vinashin như tốn nhiên liệu, không phù hợp để hàng hải tuyến dài, chỉ phù hợp để làm tàu du lịch... Với chức trách mới, Dương Chí Dũng tuyên bố: "Vinalines sẽ có cách khai thác phù hợp, hiệu quả hơn".
Thế nhưng, hiệu quả thì chưa thấy đâu nhưng thiệt hại cho Nhà nước lại lên đến nhiều triệu đô la. Nguyên nhân là do khả năng khai thác còn hạn chế,  phần lớn trong số đội tàu gần 150 chiếc của Vinalines được cho thuê lại theo định hạn. Chính việc không trực tiếp quản lý này đã dẫn tới hàng loạt vụ bắt tàu.
 
Điển hình như vào tháng 4/2011, tàu Vinalines Global bị bắt giữ tại Trung Quốc 28 ngày do tranh chấp thương mại. Để giải phóng được Vinalines Global, Vinalines phải nộp 800.000 USD tiền phạt. Chưa kể, khi tàu Vinalines Global bị bắt giữ, các chi phí cho luật sư, chi phí đi lại để giải quyết vụ kiện lên tới 239.400 USD.
 
Không lâu sau đó, lại một con tàu có tải trọng thuộc hàng “top” của Vinalines là tàu Vinalines Trader bị bắt giữ tại cảng Tearn (Hàn Quốc). Để giải quyết vụ việc, hội đồng thành viên Vinalines đã phải bỏ ra 1,59 triệu USD đặt cọc vào tòa án theo yêu cầu của bên thuê mới giải phóng được tàu.
 
Nặng nề nhất là vụ giải phóng tàu Hoa Sen bị Hàn Quốc bắt giữ vì vướng vào vụ kiện giữa Công ty TNHH Vận tải biển Viễn Dương (Vinashinlines) với một Công ty của Hàn Quốc. Để giải quyết vụ kiện này, Vinashinlines cần một khoản tiền lên tới 4,15 triệu USD. Vinalines đã bảo lãnh cho Vinashinlines vay số tiền trên nhưng đến tháng 5/2011 mọi việc vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, phía Hàn Quốc đã quyết định bắt giữ tàu Hoa Sen và tàu Cái Lân 4.
 
Dương Chí Dũng khi còn đương chức - Ảnh: Internet
 
Sau khi tàu bị bắt, số tiền cần vay để giải quyết vụ việc đã lên tới 5,562 triệu USD. Và đến giữa tháng 5/2011, Vinalines đã chấp thuận phương án ký quỹ vào tòa án Hàn Quốc số tiền 4,278 triệu USD để tòa án phát lệnh giải phóng tàu Hoa Sen. Bản thân tàu Hoa Sen sau đó cũng bị đối tác hủy hợp đồng, không được bồi thường và nằm phơi bãi.
Thanh tra Chính phủ còn kết luận: Về xây dựng, trong giai đoạn 2007 - 2010, kết luận thanh tra cho thấy Vinalines đã góp vốn đầu tư vào 3 cơ sở sửa chữa tàu biển (Nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam, Nhà máy Nosco - Vinalines, Nhà máy Đông Đô) nhưng đều không có trong kế hoạch phát triển được Thủ tướng phê duyệt trước đó.
 
Cá biệt trong số các hạng mục đầu tư vào Nhà máy Vinalines phía Nam, lãnh đạo Tổng Công ty mà đứng đầu là Dương Chí Dũng đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi “cổ lỗ sĩ” No83M (được sản xuất tại Nhật từ năm 1965) với giá lên tới 26,3 triệu USD, gấp đôi dự toán ban đầu. Hiện chi phí duy trì, bảo dưỡng cho thiết bị này vẫn rất lớn. Riêng với trường hợp này, Thanh tra Chính phủ xác định có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật về đầu tư.
 
Sau khi những sai phạm trong quản lý và mua sắm ở Vinalines bị phanh phui, ngày 19/11/2011, Bộ Giao thông Vận tải có phương án trình Thủ tướng đề nghị cho Dương Chí Dũng thôi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines. Và đến ngày 6/2/2012, Dương Chí Dũng  được Bộ trưởng Giao thông Vận tải - Đinh La Thăng bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải.
Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về những sai phạm của Vinalines dưới thời Dương Chí Dũng, bằng cách nào đó, Dũng đã cao chạy xa bay vào ngày 17/5/2012, trước khi cơ quan điều tra triển khai thi hành lệnh bắt, khám xét. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kiên trì thuyết phục gia đình, thân nhân của Dương Chí Dũng vận động đối tượng ra đầu thú, nhưng không có kết quả. Ngày 18/5/2012, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt số 01/C48-P2 trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.
Ngày 4/9/2012, ngay sau khi bắt được Dương Chí Dũng, đồng chí Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích bắt giữ Dương Chí Dũng. Cơ quan điều tra Bộ Công an kêu gọi, những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, nếu ra tự thú sẽ được hưởng khoan hồng.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ vào ngày 5/9, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Ông Vũ Đức Đam cho biết, việc tiến hành điều tra khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đặc biệt với Dương Chí Dũng đều được chỉ đạo theo đúng pháp luật. Thủ tướng chỉ đạo sát từ đầu vụ việc này. Hiện nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, qua vụ bắt “bầu” Nguyễn Đức Kiên và Dương Chí Dũng cho thấy Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm đấu tranh với tội phạm tham nhũng, tội phạm ngân hàng để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Diễn biến quá trình vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
- Ngày 1/2/2012, khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố và bắt tạm giam bốn bị can Trần Hải Sơn, Tổng Giám đốc; Trần Văn Quang, Trưởng phòng kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng, cán bộ Hyundai Vinashin và Phạm Bá Giáp, Giám đốc Công ty Nguyên Ân - Nha Trang, về hành vi “Tham ô tài sản”.
- Tháng 5/2012, khởi tố bổ sung vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Ngày 17/5/2012, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc (Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ Giao thông Vận tải, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (Phó Tổng Giám đốc Vinalines) về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Ngày 18/5/2012, truy nã đặc biệt đối với ông Dương Chí Dũng.
- Ngày 4/6/2012, Ban Tổng thư ký Tổ chức Interpol ban hành lệnh truy nã đỏ (truy nã quốc tế) đối với bị can Dương Chí Dũng.
- Ngày 24/7/2012, khởi tố thêm 6 bị can liên quan đến vụ án này về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, khởi tố bổ sung đối với bị can Trần Hải Sơn về tội danh trên.
 

Bình Nguyên
.