Mỗi vị khi đi hành nghề đều có thẻ nhà Phật đeo trước áo cà sa ghi rõ họ tên, trụ trì ở những ngôi chùa to. Mỗi “nhà sư” với một quyển sổ ghi công đức dày cộm, nói đóng góp vào nhà chùa nhưng thực chất là thu lợi bất chính.
Hầu hết các “nhà sư” đều đi xe máy đến các xã xa trung tâm, trong vai nhà chùa, họ làm đủ mọi mánh khóe để moi tiền như khất thực, xin quyên góp công đức để hỗ trợ kinh phí trùng tu chùa này, dựng tượng nọ, họ bán hương với giá cao cắt cổ so với ngoài thị trường. Ngoài ra, họ còn vận động người dân viết sớ cầu phúc...
Rong ruổi trên xe máy, những nhà sư giả đã có mặt tại các xã Nhân Sơn, Mỹ Sơn, Trung Sơn, Xuân Sơn... trên địa bàn huyện Đô Lương để thực hiện hành vi. Đóng một vai với vẻ mặt phúc hậu, giọng Bắc ngọt ngào, họ đánh lừa không ít người dân. Đến đâu, họ cũng xưng là người của chùa Kim Quang, Long Hòa, Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang và giấy quy y tam bảo bán hương, nến lộc Phật với giá cao ngất ngưởng thu lợi bất chính. 5 thẻ hương họ bán với giá 30.000 đồng với lời lẽ “đóng góp cho nhà chùa”.
Anh Nguyễn Công Thái ở xã Trung Sơn cho biết: Thời gian gần đây, có một số “nhà sư” đi bán hương nói là đi làm công đức cho nhà chùa. Đi đến đâu họ đều nói: “Phật tử là người nhà chùa, gia đình mua hương giúp nhà chùa”. Hương bán với giá cao gấp 3, gấp 4 lần giá thị trường.
Những bó hương vi hành của sư giả
Nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền ra không một chút suy nghĩ để làm phúc, làm may. Một số người kỹ tính thì xem qua giấy tờ, rồi hỏi han một vài câu, cũng chậc lưỡi mua. Đối với người dân Việt Nam vốn quý trọng đạo Phật từ bi bác ái, vốn kính nể các tăng ni, nên họ không một chút hoài nghi.
Đi nhiều, bán nhiều nhưng rồi các nhà sư giả không dễ dàng đánh lừa được tất cả mọi người. Vào một ngày giữa tháng 6/2012, có hai nhà sư một nam, một nữ đi qua địa bàn xã Xuân Sơn. Sau khi nhận được nguồn tin của nhân dân cung cấp hai nhà sư này có những biểu hiện nghi vấn, Ban Công an xã Xuân Sơn đã gọi mời hai đối tượng đến kiểm tra.
Khi hỏi về các vấn đề như tôn giáo, Phật giáo thì hai “nhà sư” lúng túng không biết trả lời thế nào. Tiếp tục hỏi số điện thoại nhà chùa thì lắc đầu không biết. Đường cùng, hai nhà sư giả đành phải thừa nhận hành vi của mình.
Nhà sư giả nam là Nguyễn Đình Trung (SN 1978), trú tại xóm 5, Chi Lăng, Quế Võ, Bắc Ninh cùng với vợ là Nguyễn Thị Lan (SN 1980) cùng trú như trên đã giả danh nhà sư của chùa Kim Quang, Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang để thực hiện hành vi lừa đảo người dân để kiếm lời.
Công an xã Xuân Sơn đã lập hồ sơ chuyển Công an huyện Đô Lương xử lý. Tại đây, đối tượng Nguyễn Đình Trung khai nhận: Trước đây, đối tượng có quen chị Nguyễn Thị Tươi cùng quê bày cho nghề đi bán hương. Muốn bán được nhiều thì ăn mặc kiểu nhà sư thì mọi người mới tin tưởng.
Sư giả Nguyễn Đình Trung và sư giả Nguyễn Thị Lan
Nói là làm, hai vợ chồng cắt tóc, mua quần áo nhà chùa để mặc và mua một quyển sổ ghi công đức giả danh nhà sư của chùa Kim Quang cùng với 6 người ở đoàn Bắc Ninh dạt vào tỉnh Nghệ An đi bán hương, viết sớ để lừa đảo người dân.
Đối tượng cũng khai nhận, cách đây 3 - 4 năm cũng đã vào tỉnh Quảng Bình bán hương được 2 tháng, sau đó nghỉ về quê làm ruộng, nhưng thời gian này túng thiếu nên hai vợ chồng quyết định tiếp tục hành nghề. Từ huyện Diễn Châu, hai vợ chồng đi xe máy về các xã xa trung tâm của huyện Đô Lương. Về xã Xuân Sơn vào những ngõ sâu, trong hai ngày hai vợ chồng bán cho 11 hộ, mỗi hộ 15.000 - 90.000 đồng, bán xong hỏi tên và ghi vào sổ công đức.
Trước cơ quan chức năng, họ thừa nhận hành vi lừa đảo và hứa sẽ không tái phạm. Đây chỉ là số ít những sư giả bị người dân phát hiện. Vẫn còn đâu đó rất nhiều nhà sư giả vi hành để lừa đảo nhân dân. Qua đây, người dân hãy nâng cao cảnh giác đối với những trường hợp trên.
An Nhiên - Ngọc Anh
.