Trong thời gian qua, tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả trên địa bàn TP Vinh diễn biến rất phức tạp. Sự đa dạng các mặt hàng khiến người tiêu dùng bằng mắt thường rất khó phân biệt đâu là hàng giả, đâu là hàng đúng chất lượng.
Trong khi đó, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một cao, nhất là tại miền núi, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Vấn đề này không chỉ khiến lực lượng chức năng đau đầu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thượng tá Mai Chiến Thắng, Phó Trưởng Công an TP Vinh, CBCS Đội CSĐTTP về kinh tế và chức vụ bắt đầu vào cuộc một cách quyết liệt. Để làm rõ đường dây, thủ đoạn cũng như phương thức của các đối tượng, các trinh sát phải dùng nhiều cách để theo dõi, nắm bắt di biến động của các đối tượng hiềm nghi.
Theo đó, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện trên địa bàn TP Vinh một nhóm đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Loại mặt hàng mà các đối tượng sản xuất chủ yếu là mì chính, xà phòng… Từ thông tin đó, lãnh đạo Công an TP Vinh đã xác lập chuyên án mang bí số 612G để đấu tranh.
Sau gần một tháng xác lập chuyên án, qua trinh sát, Ban chuyên án đã rà soát và xác định đối tượng hiềm nghi là Đào Thị Nam. Sau khi thu thập đủ tài liệu chứng cứ, Ban chuyên án quyết định phá án vào ngày 26/6.
11h ngày 26/6, một tổ công tác theo dõi và nhanh chóng bắt quả tang Bùi Việt Lộc (SN 1975) trú tại khối 4, phường Cửa Nam, TP Vinh khi đang trên đường vận chuyển 5 bì xác rắn bên trong đựng 325 gói mì chính nghi làm giả nhãn hiệu Saji (loại 500 gam). Lộc khai nhận đã được Đào Thị Nam thuê vận chuyển số hàng giả này đến khu vực chợ Vinh để giao cho các đầu mối đưa đi tiêu thụ ở các địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Đào Thị Nam và số hàng giả thu giữ tại nhà riêng
Cùng thời điểm trên, tổ chuyên án đã thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở của Đào Thị Nam. Có mặt tại nhà của Nam tại khối 9, phường Cửa Nam, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước dây chuyền sản xuất hàng giả số lượng lớn. Một máy cắt dán, hàng trăm vỏ bao bì nhãn hiệu các loại, nào là OMO, MIWON…, tất thảy công đoạn, quá trình sản xuất đều do một mình thị thực hiện.
Lực lượng Công an đã khám xét, thu giữ tang vật gồm 346 gói bột ngọt thành phẩm giả nhãn hiệu MIWON các loại có tổng trọng lượng là 216 kg (147 gói loại 1 kg, 199 gói loại 350 gam); 325 gói bột ngọt thành phẩm giả nhãn hiệu Saji có trọng lượng 162,5 kg (loại 500 gam); 12 bì (1.200 kg) nguyên liệu bột ngọt có ghi chữ Trung Quốc.
Ngoài số mì chính giả, Công an còn phát hiện 100 gói bột giặt thành phẩm giả nhãn hiệu OMO có tổng trọng lượng 60 kg (50 gói loại 400 gam, 50 gói loại 800 gam), 4 bì nguyên liệu bột giặt không có nhãn mác có trọng lượng 100 kg; 1.230 vỏ bao bột ngọt, bột giặt các loại, 1 cân loại 5 kg, chậu nhựa và nhiều loại dụng cụ khác…
Tại cơ quan Công an, qua đấu tranh, bước đầu đối tượng khai nhận hành vi của mình. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhất là tại các huyện miền núi có điều kiện kinh tế còn khó khăn, thị đã mua nguyên liệu bột ngọt loại Trung Quốc (25 kg/bì) và vỏ bao bột ngọt các loại của một số đối tượng từ Nam Định đem vào bán tại TP Vinh. Đồng thời, Đào Thị Nam còn mua bột ngọt VEYU loại 25kg/bì tại các địa bàn TP Vinh với giá rẻ về đóng gói thành bột ngọt MIWON và Saji.
Còn bột giặt OMO, thị cũng “tinh quái” hơn khi mua nguyên vật liệu bột giặt VIDAN loại 25kg/bì từ các đại lý trên địa bàn TP Vinh đem về đóng gói thành bột giặt OMO để bán ra thị trường nhằm kiếm tiền chênh lệch.
Theo một điều tra viên Công an TP Vinh, với cách làm này, thị có thể sản xuất bất cứ mặt hàng nào mà thị trường cần cung ứng và không hạn chế về số lượng. Nhìn qua mắt thường, rất khó để phán đoán và phân biệt chất lượng các mặt hàng này.
Theo như lời khai của Đào Thị Nam, thị mới làm việc này cách đây có 2 - 3 ngày. Điều này trái ngược hoàn toàn với quá trình theo dõi, nắm bắt tình hình của các trinh sát viên. Bởi đường dây sản xuất hàng giả này không phải ngày một ngày hai mà đã được dựng lên từ trước.
Lý giải cho hành vi phạm pháp của mình, Nam cho rằng, mình làm vậy là do hoàn cảnh đưa đẩy: “Tôi biết mình làm thế là vi phạm, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, đồng lương về hưu ít ỏi, chồng lại đau ốm liên miên. Mà mấy loại này, chất lượng đều đảm bảo, chỉ là không tốt bằng sản phẩm thật thôi…(?)”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về ảnh hưởng của những mặt hàng này đến người tiêu dùng, thị chỉ biết cúi đầu im lặng.
Hiện, cơ quan điều tra Công an TP Vinh đang mở rộng điều tra xác minh các đối tượng thường xuyên tiêu thụ hàng giả của Đào Thị Nam, hoàn chỉnh hồ sơ, tiến hành trưng cầu giám định các cơ quan chức năng để xác định chất lượng và nguồn gốc xuất xứ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mai Hậu - H.T
.