Đồng cam cộng khổ
Vào những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, thực hiện kế hoạch dãn dân của UBND huyện Quỳnh Lưu, một số hộ dân xã Quỳnh Long di dân lên Lòng Thuyền, khu đất màu mỡ phì nhiêu (thuộc Nghĩa Hội - Nghĩa Đàn). Thời đó, giao thông khó khăn, rừng thiêng nước độc, bệnh tật sốt rét triền miên, nên khi 5, 7 hộ, lúc vài gia đình đã di chuyển sang khu vực Lèn Dãy thuộc Nông trường Quốc doanh Bến Nghè (Quỳnh Lưu).
Mãi đến năm 1994, nông trường mới bàn giao số hộ này cho xã Quỳnh Thắng, lập thành xóm Quỳnh Long nên họ chưa được giao đất nông nghiệp.
Để bảo đảm đời sống số dân trên, tháng 3/2004, UBND xã Quỳnh Thắng ra chủ trương giao đất ổn định theo Nghị định 64. Căn cứ quyết định của UBND huyện Quỳnh Lưu về quy hoạch sử dụng đất Quỳnh Thắng 2003 - 2007, căn cứ quyết định đảng bộ và nghị quyết HĐND xã khóa XVI, ngày 14/1/2004, UBND xã ra Quyết định số 14 thông báo: Thu hồi toàn bộ diện tích đất tại khu vực đồi Gò Đuốc, Khe Sân, Lò Gạch, Lèn Dãy để cân đối giao đất 64 cho nhân dân xóm Quỳnh Long. Tổng đất thu hồi 26 ha của 16 hộ trong đó có 8.000m2 của ông Hồ Sỹ Bình, xóm 7.
Đây là số đất ngoài tiêu chuẩn chưa giao, các hộ dân tự bung ra canh tác nên họ đều vui vẻ giao lại đất. Việc giải quyết hoa màu trên đất, các hộ giao, nhận, tự thống nhất với nhau, xã làm trung gian. Riêng hộ ông Bình hoa màu thu hoạch hết nhưng đã cày nên ông yêu cầu trả công cày và làm đường.
Sau khi nhận được sự đồng thuận cao của toàn dân, ngày 11/7/2004, Ủy ban tiếp tục ra hướng dẫn số 177 về việc giao đất. Theo đó, đất được cân đối giao cho 31 hộ, mỗi khẩu 1.000m2, chia theo kiểu cuốn chiếu từ đất thu của ông Bùi Văn Vinh (anh ruột chủ tịch UBND xã) ở đầu vạt đến mảnh đất ông Bình (cuối vạt) thừa lại 1,2 ha trong đó có 8.000m2 đất ông Bình. UBND xã đã đưa diện tích này vào quỹ đất công ích tổ chức đấu thầu công khai. 3 hộ trúng thầu 450.000đồng/ha/năm. Ông Bình cũng có mặt xem đấu thầu nhưng không tham gia.
Các hộ trúng thầu và được chia đất, đều canh tác ổn định, thực hiện đầy đủ các khoản nghĩa vụ theo quy định từ năm 2006 đến nay không có tranh chấp. Số lợi thu về từ đất nông nghiệp rất thấp nên họ không bon chen tranh dành, vì làm nông nghiệp, lao động cật lực may ra đủ ăn, lời lãi bao nhiêu mà tranh.
Cuộc sống dần phát triển, Đảng bộ Quỳnh Thắng chỉ đạo toàn dân đoàn kết một lòng xây dựng quê hương. Hệ thống điện đường trường trạm được nâng cấp, giao thông đi lại thuận tiện. Xóm Quỳnh Long hòa đồng cùng các xóm khác, thương yêu sát cánh bên nhau, ổn định sản xuất, giữ vững ANTT, đưa xã nhà vươn lên.
Vi phạm pháp luật
Đột nhiên, tháng 4/2011, ông Hồ Sỹ Bình làm đơn khiếu nại đòi lại số đất năm 2004 và cho rằng toàn bộ số đất 1,2 ha còn thừa sau khi chia, đều là của… bố mình để lại. Sau nhiều lần mời ông Bình lên làm việc, ngày 21/5/2011, UBND xã ra thông báo số 41: “Không thụ lý giải quyết khiếu nại vì: Đất đã được giao ổn định, đúng quy trình, thời hiệu khởi kiện đã hết. Số đất 26 ha nằm trong tổng quỹ đất của xã chia canh tác cho dân. Bản thân ông Bình trong biên bản ngày 23/2/2006 và biên bản ngày 16/03/2006 đã hoàn toàn nhất trí và nhận 1.240.000 đồng tiền công cày và đắp đường”.
Không nhất trí, ông Bình khiếu nại lên trên, ngày 7/7/2011, UBND huyện Quỳnh Lưu ra thông báo 1107 khẳng định: “Quá trình thu hồi và giao đất cho các hộ dân bản thân ông Bình đã thống nhất cao. Hơn 6 năm qua các hộ sản xuất ổn định không có khiếu nại tranh chấp, vì vậy UBND xã Quỳnh Thắng ban hành thông báo không thụ lý giải quyết là đúng nghị định 136 ngày 14/11/2006 của Chính phủ”.
Do ông Bình tranh chấp đất, mía không được chăm bón, báo hiệu mất mùa
Sự việc đáng lẽ nên dừng lại ở đây, không ngờ ông Bình bị xúi giục tung hô dẫn đến những hành động ngang ngược vi phạm pháp luật coi thường kỷ cương phép nước.
Ngày 27/2/2012, UBND xã nhận được đơn của 3 hộ dân: Hồ Đức Hoan, Trần Đức Hải, Nguyễn Văn Hùng kêu cứu về việc: “Ông Bình đưa người đến chiếm đất, xua đuổi ngăn cản sản xuất, mang cây tràm đến trồng vào giữa hoa màu, vác rựa đánh vào đầu trâu, quẳng cày lên bờ, đe dọa khủng bố người”. Xã lập biên bản giao trách nhiệm hết ngày 29/2/2012, ông Bình phải di dời 1.784 cây lâm nghiệp trồng trái phép vào đất công dân.
Không chấp hành, ngày 30/2/2012, ông Bình tiếp tục tổ chức nhiều người ào vào số đất còn lại trồng cây nhang lâu lên diện tích 1.069,7m2, trỉa đậu đen lên 342,5m2 bất chấp hoa màu công dân đang kỳ chăm bón. Nghiêm trọng hơn, ông huy động lực lượng chặt phá 35m bờ rào của hộ ông Hải.
Ngày 9/3/2012, UBND xã lập biên bản việc ông Bình trồng cây vi phạm trên diện tích 9.432,45m2 và ra quyết định xử phạt hành chính 1.500.000 đồng.
Sau hai lần kiên trì ra thông báo yêu cầu ông Bình nhổ cây nhưng ông chống đối, xã tiến hành một loạt biện pháp: mời ông Bình đến trụ sở, về tận xóm họp với dân, tổ chức các đoàn thể xung quanh mặt trận nhiều lần đến tận nhà vận động nhưng ông Bình to tiếng lăng mạ, thách thức và bất hợp tác.
Không còn cách nào khác, 14h30 ngày 14/4, hội đồng cưỡng chế nhổ gom số cây trên giao cho ông Bình nhưng ông không nhận. Quyết định xử phạt hành chính ông cũng không chấp hành.
Chúng tôi tìm về mảnh đất tranh chấp cách xa nhà ông Bình khoảng 2 km. Cả một diện tích mía do không kịp chăm bón bị chậm phát triển báo hiệu nguy cơ mất mùa. Anh Trần Đức Quân xót xa chỉ mảnh đất bỏ hoang nói “6 năm qua bác Bình có ý kiến gì đâu, nay bác tranh làm lỡ vụ nên đành bỏ hoang, nhà em mất thu nhập”.
Các hộ gia đình được cấp đất thì bức xúc phản ánh: “Chính quyền Quỳnh Thắng quá nhu nhược trước vi phạm của ông Bình. Nếu 16 hộ dân trước giao đất nay đều tranh thì chúng tôi lấy gì sinh sống? Ông Bình huy động được người đến tranh thì chúng tôi cũng huy động được người đến giữ, hành xử kiểu luật rừng như vậy thì xung đột sẻ xảy ra, xã hội loạn mất, đề nghị xử lý nghiêm ông Bình để làm gương”.
Còn ông Bình thì công nhận “Mọi loại giấy tờ đều do tôi ký nhưng vì không hiểu luật nên... xã bảo ký là ký?”.
Ông Bình: “Mọi loại giấy tờ do tôi ký nhưng tôi không hiểu luật…, xã bảo ký thì tôi ký”
Lời kết
Về tình, việc ông Bình và 15 hộ dân giao đất để các hộ khác có sản xuất sinh sống là tôn trọng đúng quy định, là nghĩa cử đùm bọc sẻ chia. Đừng để mất đi ý nghĩa thiêng liêng đó. Về lý, ông Bình không có hồ sơ giấy tờ nào công nhận nguồn gốc mảnh đất lại tự động mang cây đến trồng xâm hại đất canh tác và chủ quyền người khác.
Trồng cây lâm nghiệp lên đất nông nghiệp, tự chống lại quyết định của chính mình trước đây, thời gian khiếu nại đã hết hiệu lực, gây hậu quả khi đất bị bỏ hoang, hoa màu không kịp chăm bón. Rất may, các gia đình tôn trọng pháp luật nên chưa xảy ra xung đột, nếu không hậu quả chưa biết đâu mà lường.
Vì vậy, ông Bình cần thật tỉnh táo, đừng dựa vào một số sơ suất trong quy trình giao, nhận đất gây nên khiếu kiện kéo dài, tranh chấp trái luật, làm mất ANTT trên quê hương.
Được biết, Quỳnh Thắng đang có hơn 200 ha đất thuộc dạng trên, hiện đang tiếp tục đưa vào diện quy hoạch quản lý. Chính quyền địa phương cần tiến hành đúng quy trình và kiên quyết hơn đối với các trường hợp phạm luật.
Kim Cương
.