Trong khi công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn còn bộc lộ một số hạn chế, có phần lỏng lẻo, vì thế có nhiều đối tượng ngoại tỉnh cùng với người dân địa phương đã tiến hành khai thác trái phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các dòng sông, khe, suối, làm mất an toàn lao động và an ninh trật tự trên địa bàn.
Tái diễn "vàng tặc" đầu nguồn
Trong chuyến công tác ngược lên huyện Kỳ Sơn gần đây, khi có mặt trên suốt chiều dài đầu nguồn dọc sông Nậm Mộ qua các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm chứng kiến nhiều cảnh khai thác vàng ở đây cũng không kém phần rầm rộ. Hàng chục người khai thác vàng trái phép xuất hiện với những đoạn, sau một thời gian bị "băm nát" đã để lại nhiều rãnh sâu, những cồn đá chất cao ngay giữa lòng sông, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở hai bên bờ sông mỗi khi mùa mưa lũ về.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trên dòng sông Nậm Mộ thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, trước đây, việc khai thác vàng sa khoáng diễn ra với quy mô lớn do một Công ty TNHH được cấp phép tiến hành. Được một thời gian, sau trận lũ quét vào giữa năm 2011 thì chấm dứt. Thế nhưng, thời gian gần đây, người dân địa phương lại tiếp tục đưa các loại phương tiện, dụng cụ ra dọc sông Nậm Mộ để khai thác vàng theo phương pháp thủ công.
Cách khai thác chủ yếu là dùng cuốc xuổng khoét sâu vào bờ, sau đó chuyển đất ra sông để đãi. Sau khi UBND tỉnh có Quyết định số 2636 ngày 8/7/2011 về việc thành lập các đoàn công tác kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn toàn tỉnh, trên tuyến QL7, lực lượng chức năng thuộc tổ công tác số 1 đã tiến hành ra quân truy quét, đẩy, đuổi.
Sau khi tiếp cận địa bàn, đoàn đã vận động người dân nhiều lần nhưng hoạt động lén lút khai thác vẫn diễn ra, các đối tượng thay đổi thời gian hoạt động nên khó cho lực lượng mỗi khi đi kiểm tra. Khi nắm rõ quy trình khai thác của các đối tượng đào đãi vàng tại khu vực này diễn ra vào ban đêm, sau đó cất giấu máy móc vào các hố sâu quanh khu vực khai thác, đoàn công tác đã triển khai lực lượng tiến hành vô hiệu hóa máy móc của các đối tượng, tổ chức tiêu hủy 13 máy nén hơi, máy nổ, 19 dàn đãi vàng, gần 70m đường ống các loại.
Nhiều chủ tàu còn khai thác khoáng sản "chui" trên sông Nậm Mộ - Kỳ Sơn
Ông Mùa Nỏ Xử - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết: So với các huyện nằm trên tuyến, ở huyện Kỳ Sơn tình hình khai thác vàng trên địa bàn các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu tuy không rầm rộ nhưng nó "âm ỉ" tồn tại trở thành vấn đề khá nan giải. Trước vấn đề trên, huyện Kỳ Sơn đã ban hành quy định cấm khai thác vàng sa khoáng ở khu vực dọc sông Nậm Mộ.
Đặc biệt, là phối hợp với lực lượng công an thành lập các đoàn công tác tiến hành tuần tra truy quét, đẩy đuổi những người khai thác trái phép; đồng thời kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Trong một thời gian, tình trạng trên đã được chấn chỉnh, tuy nhiên do lực lượng mỏng, trong khi lợi dụng thời điểm từ đêm khuya đến sáng sớm, người dân vẫn tranh thủ ra khu vực bãi sông đào đãi vàng... nên rất khó phát hiện.
Đặc biệt, tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn Mường Xén và xã Hữu Kiệm nhiều đối tượng vẫn lén lút hoạt động. Mỗi lần lực lượng chức năng tổ chức truy quét là trốn vào rừng, cán bộ, công an quay lưng họ lại khai thác.
Cũng theo ông Xử, tổ công tác do phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, ngoài việc kết hợp với chính quyền các địa phương dọc tuyến QL7 mở các đợt tấn công truy quét, phá huỷ tang vật khai thác khoáng sản trái phép thì đoàn liên ngành thuộc đội 1 đã tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 86 vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực này, nộp Kho bạc Nhà nước 1,3 tỷ đồng. Hiện, lực lượng đang tạm giữ 58 phương tiện vi phạm các loại bao gồm 7 máy đào, 3 tàu quốc, 35 thuyền và 13 máy nén hơi...
Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Từ kết quả mà đoàn công tác đạt được cho thấy, sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Tuy nhiên, để lập lại được trật tự, không tái diễn tình trạng nói trên là không hề đơn giản. Bởi nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Nhiều người dân cho rằng vàng ở dưới khe, suối là của tự nhiên, bao đời nay họ đã có thói quen đào đãi mỗi khi nông nhàn, nên nay vẫn cứ tiếp tục.
Còn các đơn vị khai thác chỉ coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà không chú ý đến bảo vệ môi trường, mà nếu có thì cũng không đầy đủ, chỉ mang tính chất đối phó, thậm chí còn lợi dụng việc được cấp phép thăm dò để tiến hành khai thác, hay khai thác khi đã hết hạn giấy phép.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép khiến nguy cơ sạt lở cao
Hơn nữa, cũng phải thấy rằng, việc xử lý các trường hợp vi phạm không triệt để, còn có hiện tượng một bộ phận cán bộ của chính quyền các cấp bao che hành vi phạm tội của các đối tượng, thậm chí có người nhà tham gia vào quá trình khai thác khoáng sản. Đó là chưa kể đến việc khai thác khoáng sản diễn ra trên diện rộng, chủ yếu ở vùng sâu, xa, nơi núi rừng hẻo lánh, trong khi lực lượng còn mỏng, trang thiết bị chưa đáp ứng, để có thể đấu tranh một cách lâu dài.
Chính vì vậy, để lập lại được trật tự khai thác khoáng sản tại các địa phương dọc tuyến quốc lộ 7, ngoài lực lượng chức năng, đòi hỏi các cấp, chính quyền các địa phương phải thực sự vào cuộc quyết liệt. Trước hết, lực lượng liên quan cần chủ động làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tránh để các đối tượng ngoài tỉnh cấu kết với người dân để tổ chức khai thác.
Cùng với đó là kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, đồng thời phải chỉ rõ trách nhiệm đối với các cấp, chính quyền, người đứng đầu địa phương khi để xảy ra tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn quản lý. Có như thế, tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh mới được chấm dứt, lập lại trật tự trong hoạt động khai thác khoáng sản tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân sinh này.
Xuân Thống
.