Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201205/19924-hanh-trinh-giai-cuu-ba-thieu-nu-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-397608/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201205/19924-hanh-trinh-giai-cuu-ba-thieu-nu-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-397608/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hành trình giải cứu ba thiếu nữ bị lừa bán sang Trung Quốc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 04/05/2012, 07:50 [GMT+7]
19924

Hành trình giải cứu ba thiếu nữ bị lừa bán sang Trung Quốc

Phá án từ một bài báo
Sáng 16/4, như thường lệ, trước giờ làm việc, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra lướt nhanh qua các tờ báo để nắm tin tức cũng như các sự kiện nổi bật trong ngày. Khi cầm tờ báo Nghệ An, từ trang nhất có tít bài “Tiếng kêu cứu từ bên kia biên giới” đã khiến đồng chí không khỏi tò mò.
 
Lần dở trang báo, từ thông tin nội dung bài báo cung cấp có 3 thiếu nữ tuổi vị thành niên có kèm theo tên, tuổi và địa chỉ cụ thể ở các huyện Tương Dương, Con Cuông đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Bằng linh cảm nghề nghiệp, đồng chí Nguyễn Hữu Cầu tin rằng nội dung tờ báo là xác thực. Ngay lập tức, đồng chí lấy bút ký luôn vào góc của bài báo yêu cầu Chỉ huy Phòng Cảnh sát Hình sự nắm lại thông tin và xác minh làm rõ.
 
Sau khi nhận lệnh, Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã nhanh chóng giao cho Đội 4 phối hợp với công an các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông xác minh nguồn tin. Quả nhiên đúng như bài báo nêu: Tại Kỳ Sơn, gia đình em Moong Thị Oanh (SN 1996) ở bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm cho biết em đã bị bán sang Trung Quốc từ tháng hai năm nay.
 
Ở Tương Dương, lực lượng này cũng nắm được nguồn tin em Ven Thị Huyền (SN 1996) con ông Ven Văn Đoàn trú tại bản Cha Lo, xã Mai Sơn cũng bị lừa bán sang Trung Quốc vào khoảng thời gian trên. Còn Ngân Thị Ứng cũng sinh năm 1996 ở bản Hồng Điện, xã Đôn Phục, Con Cuông bị bắt đi từ tháng 9 năm 2011. Trong số các em chỉ có Ngân Thị Ứng là có thể liên lạc về với gia đình. Nhưng mọi người trong gia đình các em đều không biết hiện tại con mình đang ở tỉnh nào của Trung Quốc.
 
Sau khi nắm thông tin cùng số điện thoại do gia đình em Ứng cung cấp, các điều tra viên, trinh sát dạn dày kinh nghiệm được giao nhiệm vụ liên lạc với các bị hại và lên kế hoạch giải cứu các em về.
 
Ngày 20/4, các trinh sát của Đội 4 bắt đầu nối máy liên lạc với Ứng. Nhưng liên tục lúc thì máy không liên lạc được, lúc lại chỉ nghe tiếng đổ chuông dài mà không người nhấc máy. Biết như con chim bị thương sợ cành cây cong, việc liên lạc với Ngân Thị Ứng quả không dễ. Bởi em đã bị lừa một lần và phải trả giá với bao tủi nhục nơi đất người. Không chịu bó tay trước khó khăn, điều tra viên Vi Văn Thương được cử làm “liên lạc viên” với em Ứng.
 
Bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của Ứng là tiếng Thái, đại uý Thương đã nhỏ nhẹ giới thiệu về mình, rồi hỏi han sức khoẻ cũng như tình hình cuộc sống của em bên đó. Cứ thế, từng bước, từng bước một, lực lượng giải cứu lấy lại niềm tin trong Ứng. Khi đã tin tưởng, Ứng chia sẻ rằng mình bị lừa bán sang làm vợ cho một thanh niên Trung Quốc đã hơn nửa năm nay, cuộc sống vô cùng tủi nhục nhiều lúc muốn trốn về nhưng không có tiền và cũng không biết đường về.
 
Ứng còn cho biết, ở trong làng còn có hai thiếu nữ Việt Nam cũng trong hoàn cảnh tương tự như em. Chỉ chờ có thế, đại uý Thương liền bảo hãy đọc lại địa chỉ để lực lượng công an tìm cách giúp đỡ. Nhưng em hoàn toàn không biết nơi em bị gả bán là thuộc vùng nào, tỉnh nào của Trung Quốc.
 
Lúc đầu kế hoạch của lực lượng giải cứu là sau khi nắm được địa chỉ nơi các em bị gả bán, Phòng Cảnh sát Hình sự sẽ cùng Interpol và Công an Trung Quốc đến để giải cứu. Tuy nhiên do các em không biết địa chỉ nên ban chuyên án chỉ còn cách phá án bằng... điện thoại.
 
Khi đến giờ liên lạc với Ngân Thị Ứng, đại uý Vi Văn Thương và đại uý Phan Văn Giáp đã hướng dẫn em cùng với Ven Thị Huyền và Moong Thị Oanh tập trung lại, tìm lý do để ra ngoài rồi đến đồn công an gần nhất để nhờ giúp đỡ. Chỉ cần trốn thoát và đến được đồn công an gần nhất, mọi việc còn lại sẽ có các anh lo.
 
Ngày 23/4, sau khi bố mẹ chồng và chồng đi làm, gần đến giờ nấu cơm trưa, Ứng được bà cố mở cửa phòng ra để chuẩn bị cơm cho cả nhà. Lợi dụng lúc bà không để ý, từ bếp Ứng chạy thẳng ra đầu ngõ. Như đã hẹn trước, Huyền và Oanh đã đợi sẵn. Cả ba chở nhau trên chiếc xe đạp điện của Huyền cùng bỏ trốn.
 
Nhưng mới chạy được một quãng, xe bị hỏng. Sợ cứ đi bộ sẽ bị lộ và bị bắt lại. Không biết phải xử lý thế nào, ba em lại gọi điện cho Đội 4. Được các đồng chí cảnh sát hình sự hướng dẫn, các em đã dắt xe vào bán cho một người dân ven đường với giá 1.000 nhân dân tệ rồi gọi taxi chở đến đồn Công an Trung Quốc gần nhất yêu cầu giúp đỡ.
 
Ba thiếu nữ được giải cứu thành công tại Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An ngày 28/4
 
Tại đây, các em đã được lực lượng công an Trung Quốc hướng dẫn đường về và còn hỗ trợ thêm 200 nhân dân tệ để mua vé tàu trở về nhà.
 
Cùng thời điểm đó, sau khi hướng dẫn các em trốn thoát và biết các em đang trên đường trở về nước an toàn, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát Hình sự gồm đại uý Phan Văn Giáp, trinh sát Lê Hồng Kiên cùng lái xe của phòng là Nguyễn Công Thanh cũng lên đường ra Lạng Sơn đón các em về.
 
16 giờ ngày 27/4, lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An đón nhận các em từ Đồn biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh trong niềm vui khôn tả. Hành trình gian nan giải cứu các em đã thành công trọn vẹn.
 
Hành trình bị lừa bán và gian nan đường về
Có mặt tại trụ sở Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vào khoảng 3 giờ sáng 28/4, dù còn mệt vì nhiều đêm thức trắng nhưng dường như trên nét mặt mỗi người đều lấp lánh niềm vui.
 
Tại đây, các em đã kể lại hành trình mình bị lừa bán cũng như thời gian phải sống tủi nhục nơi đất người. Ứng cho biết: khoảng tháng 9 năm 2011, trong lúc bố mẹ đi rẫy, Ứng đang trông em ở nhà thì có bạn học cùng trường nhưng khoá sau đến rủ đi xuống thành phố Vinh làm việc với mức lương cao lắm.
 
Tin bạn, Ứng gửi em rồi đi theo. Nhưng khi vừa đến bến xe Vinh, Ứng bị bạn giao cho hai người phụ nữ lạ mặt rồi chuồn mất. Sau khi nhận Ứng, hai người phụ nữ này dẫn em đến nhà nghỉ ở cạnh bến xe Vinh nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau cả ba người lên xe đi Quảng Ninh. Trước lúc xe lăn bánh, có thêm một thiếu nữ trạc tuổi của em cũng được đưa lên xe đi cùng với lời hứa đưa hai người sang Trung Quốc làm may mặc với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.
 
Khi xe dừng tại biên giới, có hai thanh niên lực lưỡng nói tiếng Trung Quốc đến nhận đưa em và bạn lên thuyền vượt biên. Sang bên kia biên giới, Ứng và cô thiếu nữ đi cùng được hai người này giao cho người phụ nữ tên Hồng.
 
Sau đó, người phụ nữ này gọi điện thoại nói chuyện với ai đó. Một lúc sau có một thanh niên trạc 21 - 22 tuổi đến xem mặt. Nhìn qua, hắn có vẻ ưng ý và đưa cho bà Hồng một xấp ngoại tệ và dẫn Ứng đi. Biết mình đã bị lừa, Ứng không chịu đi theo và khóc lóc đòi về. Bà Hồng liền gọi hai thanh niên lực lưỡng đến ép em lên xe theo người đàn ông về nhà.
 
Qua câu chuyện của nhà chồng, Ứng lõm bõm hiểu ra rằng mình bị gả bán cho con trai của họ với giá 5 vạn tệ (tương đương gần 160 triệu đồng). Kể từ đó, em bắt đầu cuộc sống tủi hổ. Hàng ngày em bị giam trong nhà và bị bà cố luôn theo dõi. Khi gia đình nhà chồng đi làm, bà cố mới lấy chìa khoá mở cửa cho cô ra ngoài đánh răng, rửa mặt và chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà.
 
Ăn cơm xong cô lại bị nhốt lại. Khi có việc phải ra ngoài, cô luôn có người đi theo và canh chừng. Tối về, Ứng lại bị người chồng hờ cưỡng bức. Sống được hơn 3 tháng, cô hay tin có hai thiếu nữ người cùng quê cũng đang “làm dâu” trong xóm này.
 
Đó không ai khác mà chính là Ven Thị Huyền (SN 1996) dân tộc Khơ Mú ở bản Cha Lo, Mai Sơn, Tương Dương và Moong Thị Oanh cùng tuổi và cũng là người dân tộc Khơ Mú ở bản Huồi Thợ, Bảo Thắng, Kỳ Sơn.
 
Vì cả ba thiếu nữ cùng bị gả bán vào ba người chồng trong họ, ở cùng một làng nên mỗi tuần các cô được gặp nhau một lần. Qua những lần gặp nhau ngắn ngủi ấy, Ứng biết, số phận của Oanh và Huyền cũng bi đát chẳng kém gì mình. Hai cô cũng bị hai người phụ nữ và một người đàn ông đến gạ đi xuống thành phố làm việc.
 
Sau khi cả hai được các “mẹ mìn” bắt xe đưa xuống ngã ba Diễn Châu. Tại đây, các em được đưa lên xe chạy thẳng ra Móng Cái, Quảng Ninh. Tại biên giới, sau khi ăn cơm, các em được đưa vào phòng trọ để nghỉ ngơi. Khi tỉnh dậy thì cả Oanh và Huyền mới biết mình đang ở Trung Quốc. Lúc đó là khoảng 5/1/2012 (âm lịch). Tại một nhà trọ giáp vùng biên, Oanh và Huyền cũng bị người chủ nhà trọ này gọi người đến xem mặt và bắt phải theo họ về làm vợ.
 
Cả hai em không đồng ý liền bị bà chủ nhà trọ nhốt lại đánh đập và bỏ đói đến lúc không chịu đựng được đành phải nhắm mắt đưa chân. Oanh bị gả bán cho một người đàn ông tàn tật, còn Huyện bị một gã chồng giống như ác quỷ mua về. Mãi sau này không chịu được tủi nhục, Oanh gặp lại người phụ nữ nọ và được bà ta cho “đổi chồng” chừng hơn 20 tuổi ở cùng bản với Huyền và Ứng. Và may mắn được cứu thoát.
 
Ngày 3/5, phóng viên báo Công an Nghệ An đã liên lạc với bà Vi Thị Mày (mẹ của em Ứng) và được bà cho biết: Hiện Ứng đã trở về nhà an toàn và tinh thần đang dần ổn định. Khi được hỏi gia đình cũng như bản thân em đã có dự định gì cho tương lai của Ứng chưa thì bà chia sẻ: Mới về nhà, Ứng bảo nhớ rẫy quá nên đã xin phép mẹ cho vào rẫy đi làm. Ứng cũng bảo sẽ không đi đâu nữa, và cũng không láy chồng (lấy chồng) chỉ ở nhà với bố mẹ thôi.
 
Kết
Thời gian vừa qua, rộ lên nạn buôn người bán sang Trung Quốc để ép làm vợ. Nạn nhân chủ yếu là những thiếu nữ người dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới rẻo cao. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Công an Nghệ An đã khám phá 6 vụ buôn bán người qua biên giới, giải cứu gần 20 thiếu nữ.
 
Tuy nhiên theo nguồn tin có được thì số người bị bán sang Trung Quốc mấy năm trở lại đây tăng đột biến. Để ngăn chặn hành vi buôn bán người, cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành. Đặc biệt là sự quản lý chặt chẽ của địa phương cũng như công tác tuyên truyền đến tận mỗi người dân để họ nhận thức được hậu quả khó lường của nó. Từ đó, biết cách đề phòng, nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn gian manh của bọn buôn người.

Hải Việt
.