Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201204/19337-gian-nan-cuoc-chien-giu-rung-398105/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201204/19337-gian-nan-cuoc-chien-giu-rung-398105/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gian nan cuộc chiến giữ rừng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 05/04/2012, 08:00 [GMT+7]
19337

Gian nan cuộc chiến giữ rừng

Nhiều mánh lới tinh vi của lâm tặc

Quế Phong là một trong số ít huyện trong tỉnh còn giữ được rừng với nhiều loại cây quý hiếm, nhiều loại gỗ có giá trị như: pơ mu, sa mu, dổi, de, vàng tâm... Trong thời gian gần đây, huyện Quế Phong được đầu tư nhiều công trình thủy điện khá lớn, như Thủy điện Hủa Na công suất 180 MW nên phải chuyển đổi 3.269 ha đất lâm nghiệp sang xây dựng nhà máy, lòng hồ và khu tái định cư, các tuyến đường được mở đến tận cửa rừng, giao thông thuận lợi nhưng cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. 
 
Lợi dụng những khó khăn của huyện, lợi dụng người dân vận chuyển gỗ làm nhà tái định cư, một số lâm tặc đã vào Quế Phong khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật. Nghiêm trọng hơn, lợi dụng việc thi công một số công trình thủy điện trên tuyến, nhiều chủ xe đã núp bóng dưới hình thức là xe bồn chuyên chở xăng dầu phục vụ cho công trình thủy điện, các đối tượng đã chế lại bồn đựng xăng dầu để cất giấu gỗ hòng qua mặt cơ quan chức năng. Đặc biệt, các đối tượng khai thác gỗ lậu còn cấu kết với các chủ xe khách trên tuyến vận chuyển gỗ.
 
Gỗ tập kết ngang nhiên dọc đường vào các xã biên giới ở Quế Phong
 
Về khai thác chúng thường xẻ nhỏ và thuê người khuân vác, xẻ đến đâu vác đến đó. Đối tượng "lâm tặc", vận chuyển đa phần là thanh niên không nghề nghiệp, nghiện ngập trong đó có một số nhiễm HIV. Mỗi đối tượng thường dùng xe máy chở 3 - 4 khúc gỗ, một số sử dụng hung khí, sẵn sàng lao thẳng vào lực lượng kiểm tra. Chúng thường có một lực lượng "vệ tinh" khi lực lượng chức năng sơ hở là điện thoại cho các đối tượng phía trong vận chuyển gỗ bằng xe máy.  

Bao giờ rừng hết bị "xẻ thịt"?

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Quế Phong, năm 2011 đã phát hiện 127 vụ khai thác gỗ trái phép với số lượng 200,04m3 gỗ xẻ. Những số liệu trên mới chỉ phản ánh được một phần nào thực tế đang diễn ra. Đã đến lúc cần phải đặt ra câu hỏi: Tại sao gỗ lậu có thể qua mặt các cơ quan chức năng? 
 
Từ trung tâm thị trấn Kim Sơn, vượt dốc Pù Chổng Cha, qua các xã Châu Thôn, Quang Phong, Cắm Muộn, dọc tuyến đường vành đai biên giới chứng kiến nhiều cánh rừng đã bị lâm tặc tàn phá. Dọc hai bên đường là những cánh rừng phòng hộ hàng chục năm tuổi và có rất nhiều lối mòn nhỏ mà lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ. Hai bên đường, cứ vài chục mét lại có một lối mòn dẫn vào rừng, người dân địa phương gọi đó là đường be để đưa gỗ từ rừng ra.
 
Qua tìm hiểu, được biết trước đây, khu vực này toàn rừng rậm, từ khi con đường mở ra để phục vụ xây dựng thủy điện thì rừng mất dần do vận chuyển thuận lợi hơn.

Trao đổi với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quế Phong, ông Nguyễn Trọng Lễ cho biết: Thời gian gần đây, lợi dụng việc công trình Thủy điện Hủa Na được xây dựng, người dân đã cấu kết với bọn đầu nậu khai thác lâm sản để chuyển về xuôi. Nhiều trường hợp khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả, còn chuyện chửi bới, lăng mạ thì xảy ra "như cơm bữa".
 
Dọc tuyến đường vành đai, chứng kiến nhiều "lối mòn" là nơi vận chuyển gỗ lậu
 
Trước đây, khi nạn khai thác rừng chưa ồ ạt như bây giờ, mỗi khi bọn khai thác rừng thấy cán bộ bảo vệ rừng là bỏ chạy, nhưng một năm trở lại đây chúng ra mặt chống đối quyết liệt. Khi bị phát hiện, lâm tặc ngang nhiên ném đá xe tuần tra, trong nhiều đợt truy quét, chúng còn hung hãn chống lại các cán bộ kiểm lâm. UBND huyện hoạt động tại vùng giáp ranh Thanh Hóa ở xã Đồng Văn. Khi đến địa phận thôn Na Chạng, xã Tiền Phong đoàn phát hiện một người điều khiển xe máy không mang BKS, vận chuyển gỗ lậu, trên xe vận chuyển 2 tấm gỗ xẻ.
 
Qua kiểm tra, đoàn đã lập biên bản để đưa số gỗ trên về Hạt xử lý thì bị các đối tượng giằng co, gây rối rồi sau đó "đồng minh" chúng ném đá. Lợi dụng khi cán bộ kiểm lâm bốc gỗ lên xe, chúng đã cướp xe máy bỏ chạy. Cùng ngày đã lôi kéo nhóm thanh niên đến tấn công cán bộ kiểm lâm.
 
Mới đây, UBND huyện và Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Quế Phong, Đội Kiểm lâm cơ động số 3 và các ngành chức năng liên quan như Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, các Đồn biên phòng đồng loạt kiểm tra truy quét đẩy đuổi các đối tượng phá rừng tại các điểm phức tạp vùng Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong, Hạnh Dịch… Đặc biệt, đồng chí Chi cục Trưởng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong trực tiếp chỉ huy trong đợt kiểm tra truy quét này.
 
Trong 20 ngày đã đẩy đuổi hàng trăm lượt người ra khỏi rừng, phá hủy 18 lán trong rừng, xử phạt 8 vụ vi phạm 53.500.000 đồng, tịch thu 53,2m3 gỗ các loại, thu giữ 2 cưa xăng, 3 xe máy. Trong 3 tháng đầu năm 2012 đã xử lý 69 vụ, thu phạt 182.850.000 đồng, tịch thu 118,91m3 gỗ.

Trưởng Công an xã Tiền Phong, ông Hà Sỹ Quế xác nhận, không chỉ người dân nơi khác vận chuyển gỗ lậu, trên địa bàn xã, do không có việc làm nên có một số thanh niên (đa số là người thất nghiệp, thậm chí là nghiện ngập) cũng tham gia việc khai thác, vận chuyển trái phép gỗ để mưu sinh lúc nông nhàn. Biết thế, nhưng địa phương cũng "bó tay" vì không có cơ quan chức năng kiểm soát, ngăn chặn, chỉ có thể tuyên truyền, vận động họ từ bỏ.
 
Ông Nguyễn Trọng Lễ còn cho biết: "Sau khi UBND huyện thành lập 2 đội công tác truy quét, Hạt Kiểm lâm đã vào cuộc quyết liệt nhưng việc ngăn chặn nạn vận chuyển gỗ lậu rất khó khăn do hầu hết các đối tượng đều manh động, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện truy đuổi. Chúng còn cắt cử người túc trực khắp nơi theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng để tìm cách đối phó".
 
Ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thừa nhận, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, do đó tình trạng phá rừng vẫn diễn ra nhiều năm qua. Trong đó, các đối tượng vi phạm chủ yếu là dân nghèo, người dân tộc thiểu số không có việc làm, không được học hành, được các đầu nậu lợi dụng bằng nhiều hình thức rất tinh vi nên rất khó xử lý. 

Để tồn tại tình trạng này trong suốt thời gian dài, nguyên nhân có phần do lực lượng kiểm lâm trên địa bàn còn mỏng, cơ chế cho kiểm lâm trong công tác còn hạn chế trong khi “lâm tặc” rất hung hãn, có tổ chức, sẵn sàng chống lại lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện… Trong khi đó, mức xử lý, xử phạt còn thấp, chưa đủ tính răn đe.
 
Cũng theo ông Thi, để ngăn chặn việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn, UBND huyện Quế Phong đã chỉ đạo các xã triển khai ngay các biện pháp bảo vệ rừng; giao các xã thành lập các đội tuần tra bảo vệ, nhất là các xã vùng trọng điểm có nguy cơ phá rừng cao; tổ chức tuyên truyền vận động các hộ không tham gia khai thác vận chuyển gỗ trái pháp luật, kiểm tra tạm trú, tạm vắng, không cho gửi xe máy, gửi gỗ trong gia đình; giao cho các đồn biên phòng chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các xã vùng biên giới, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ rừng theo Chỉ thị 1685/TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hoạt động của đoàn liên ngành Bảo vệ rừng đã thành lập theo Quyết định của UBND huyện, nay bổ sung một số thành viên đặc biệt là công an và Ban chỉ huy Quân sự huyện, tổ chức kiểm tra rừng, tuần tra ngày đêm trên các tuyến đường ngăn chặn hiện tượng các xe máy, ôtô vận chuyển gỗ; kiểm tra chặt chẽ các xưởng mộc, xưởng xẻ gỗ; cài cắm thông tin, theo dõi các trường hợp để có biện pháp xử lý.  

Trước thực trạng lâm tặc hoành hành, rất mong các ngành chức năng có biện pháp mạnh để ngăn chặn, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng, giữ được "lá phổi xanh" của khu vực miền Tây Nghệ An.

Xuân Thống - Ngọc Hùng
.