Dưới sàn nhà cán bộ chất đầy gỗ lậu?
Hành trình dọc đường đi vào khu vực bản Cướm (xã Diên Lãm) chúng tôi bắt gặp rất nhiều đống gỗ được chất cao vút. Cũ có và mới cũng rất nhiều. Theo người dân ở đây cho biết, những đống gỗ được chất công khai ở ven đường có 2 lý do. Lý do thứ nhất là gỗ vừa mới được vận chuyển từ trong rừng ra chưa kịp đưa đi nơi khác; thứ hai là gỗ chuẩn bị được bán về xuôi nên để đó chờ ngày "xuất bến".
Gỗ được đưa về nhà dân, nằm ngổn ngang dưới mỗi nếp nhà sàn người Thái nơi đây. Ở Diên Lãm, ngay khu vực bản Cướm, gỗ đã vuông thành sắc cạnh “tập kết” để chờ cơ hội vận chuyển ra phía ngoài. Nằm sát ngay con đường vốn được coi là “địa đạo” là Trạm quản lý và bảo vệ rừng Diên Lãm thuộc kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì hầu hết các ngôi nhà ở một số bản như bản Cướm, bản Hốc, bản Na Ca... của xã Diên Lãm và các bản như bản Nật Trên, Nật Dưới, Na Ba... của xã Châu Hoàn đều chứa rất nhiều gỗ không rõ nguồn gốc.
Qua khảo sát một số cán bộ địa phương thì họ cho rằng, người dân đi làm gỗ về để làm nhà theo chương trình 167 (xóa nhà tranh tre, dột nát - P/V). Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy khi số hộ dân phá rừng lấy gỗ về để làm nhà theo chương trình 167 vào thời điểm hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại đa số đều là hình thức đưa ra để bán về xuôi kiếm lời.
Trong những ngày có mặt tại xã Diên Lãm, phóng viên Báo Công an Nghệ An cũng đã ghi nhận một thực trạng đáng buồn nữa là dưới sàn nhà của nhiều nhà cán bộ bản, cán bộ xã, thậm chí là cán bộ huyện cũng cất giữ nhiều gỗ không rõ nguồn gốc.
Kiểm lâm đã làm tốt nhiệm vụ?
Khi đột nhập con đường gỗ lậu nơi miền Tây xứ Nghệ này, chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ khi được người dân phản ánh về tình trạng kiểm lâm và những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng lại tỏ ra khá thờ ơ với việc bảo vệ rừng. Thậm chí, còn có một số dấu hiệu tiêu cực liên quan đến việc "tiếp tay" cho hoạt động phá rừng và vận chuyển gỗ lậu!
Trước những gì mắt thấy tai nghe về tình hình phá rừng lấy gỗ và vận chuyển gỗ trái phép tại khu vực này, PV chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trạm quản lý bảo vệ rừng Diên Lãm (trực thuộc Hạt Kiểm lâm Pù Huống).
Dưới nhà sàn, vườn nhà của cán bộ, người dân ở vùng lõi, gỗ lậu được tập kết khá nhiều
Tại đây, ông Trạm trưởng Lưu Nhật Thành cho biết: Công tác bảo vệ và quản lý rừng tại khu vực 2 xã Châu Hoàn và Diên Lãm là hết sức khó khăn. Riêng cả 2 xã nói trên chỉ có 1 trạm bảo vệ với vẻn vẹn 5 cán bộ nhưng phải quản lý, bảo vệ trên 11 nghìn héc ta diện tích rừng thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Mặt khác, do đặc thù là đồng bào dân tộc ở khu vực này chủ yếu sống nhờ vào rừng nên muốn họ không phá rừng thì phải giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, điều này đòi hỏi phải có một chiến lược dài hơi và có sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều ban, ngành.
Theo đó, ông Thành cũng thừa nhận việc rừng vùng lõi Khu bảo tồn này vẫn bị tàn phá, tuy nhiên trạm cũng đã làm hết sức và không có chuyện tiêu cực như tiếp tay hay thờ ơ để cho dân ồ ạt vào phá rừng (?).
Tại sao tình trạng lâm tặc vẫn vào rừng khai thác gỗ nhiều như vậy? - Chúng tôi đưa ra hình ảnh một số lâm tặc dùng trâu kéo gỗ ra ngoài hỏi ông Trạm trưởng thì ông Thành trả lời: “Chúng tôi đi rừng kiểm tra thỉnh thoảng vẫn chụp được nhiều ảnh như vậy”?!
Tại sao các anh không xử lý triệt để? - Chúng tôi hỏi tiếp thì ông Trạm trưởng này đưa ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu xử lý số gỗ lậu mà lâm tặc đã khai thác. Đó là khó khăn trong việc đưa số gỗ bị bắt giữ ra để xử lý, rồi “lâm tặc là người dân” nên vất vả trong việc phát hiện…
Còn ông Dương Ngọc Hùng - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cho biết: "Việc rừng trong Khu bảo tồn bị chặt phá là có, tuy nhiên theo tôi không phải ở mức độ ồ ạt, quy mô lớn như phản ánh. Với tư cách là lãnh đạo Khu bảo tồn thì chúng tôi cũng thường xuyên quán triệt cán bộ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, thế nhưng do lực lượng quá mỏng nên để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng xem ra cũng rất khó khăn".
Khi được phản ánh, ông Thái Ngô Cường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu cho rằng, cán bộ kiểm lâm của Hạt đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, việc người dân phá rừng lấy gỗ là nhỏ lẻ và không đáng kể (?).
Ngọc Thái
.