Kỳ I: Xâm nhập vùng lõi
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có diện tích 40.186,5 hécta. Đây là nơi sinh tồn của 1.122 loài thực vật bậc cao, 291 loài động vật có xương sống, trong đó có gần 100 loài động, thực vật quý hiếm.
Để chạm chân được vào vùng lõi của rừng nguyên sinh thuộc địa hạt huyện Quỳ Châu, chúng tôi phải mất hơn 1 ngày đường đi bộ, lội suối men theo con đường mà theo T. (người dân bản địa) là con đường vận chuyển gỗ của lâm tặc.
Từ bản Cướm của xã Diên Lãm, một cảnh tượng rất dễ dàng nhận thấy là gỗ được tập kết khá đồ sộ dưới mỗi nếp nhà của người Thái nơi đây. Gỗ đã thành phẩm cũ có, mới cũng nhiều vô kể. Và cũng chính từ bản Cướm, nơi hạ nguồn của Khe Mía (tiếng Thái gọi là Huôi Oi), con đường vào vùng lõi của rừng nguyên sinh Pù Huống vốn dĩ rậm rạp thì nay trở thành lối mòn để những lâm tặc có thể dễ dàng vận chuyển phương tiện vào tận rừng sâu khai thác và vận chuyển gỗ ra.
“Nếu muốn vào tận vùng lõi lấy gỗ tốt thì phải đi có khi cả 1 tuần, 1 tháng liền. Đi dọc theo con đường Huôi Oi thì sẽ tới vùng lõi rừng ở Tương Dương. Nếu gỗ được khai thác xong thì đưa trâu kéo ra vùng này, phải mất cả tuần lễ mới đưa ra được xã Diên Lãm để tập kết rồi tẩu tán về dưới xuôi. Nhiều chuyến có thể đi từng tốp người hoặc chia lẻ ra để vận chuyển ra ngoài” - Theo lời T., để vào vùng lõi khai thác gỗ cũng phải biết cách đi cho khéo léo để tránh sự nhòm ngó của cơ quan chức năng.
Nghe qua lời kể về những cánh rừng nguyên sinh với bạt ngàn cây rừng xanh tốt, ngày thứ 7, chúng tôi trong vai những người đi hái lượm ngược vào vùng lõi. Dọc đường đi, ven theo Khe Mía vốn dĩ quanh năm hiền hoà chảy về chung dòng chảy với con suối Nậm Huống thì nay như tắc nghẹn khi xuất hiện nhiều tấm gỗ rộng hơn cả sải tay người ôm án ngữ.
Nhiều gốc cây rừng quý có đường kính rất lớn vừa mới bị triệt hạ
Gỗ nằm nhan nhản dọc đường đi, gỗ đã được cưa thành từng khối nằm chỏng chơ dọc 2 bên dòng Huôi Oi. Nhiều cây rừng như lát, dổi, de còn mới dấu cưa râm rỉ chảy nhựa. Chạm chân vào vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, bóng chiều đã ngả một màu vàng đặc quánh. Chim muông chao lượn mỏi cánh tìm không ra bến đậu, khu rừng nơi đây càng thêm náo loạn bởi phía xa tiếng cưa xăng còn văng vẳng đến đinh tai.
Cuối chiều, tưởng chừng nơi đây sẽ thưa thớt hẳn, nhưng bóng người vẫn nối nhau ra vào rừng. Mang tiếng là rừng nguyên sinh nhưng nhìn những cảnh tượng ấy, chúng tôi cứ ngỡ nơi đây chẳng khác một công trường. Dọc theo 2 bên bờ Huôi Oi, người dân ra vào đào đãi vàng như “trẩy hội” khiến dòng khe này như một bãi chiến trường.
Nói như lời T., dòng Huôi Oi giờ nhuộm màu bùn đất giống như thời kỳ đào đá đỏ vào những năm 90 của thế kỷ trước. Hầm ếch, hào hố sâu thăm thẳm như những chiếc bẫy để hạ gục thú rừng và cả những người dân bất cẩn. Dường như khu bảo tồn thiên nhiên bây giờ đã không còn nguyên bản giống như những hội thảo khoa học mà các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các chỉ số mà người ta vẫn gọi là nguyên sơ nữa.
Từng mảng rừng đã được bóc dỡ giống như người ta đang mổ xẻ một con vật để chia bầy, diệt đàn của chúng. Ngay cả cá, tôm ngày trước còn bu cả chân người thì nay đã bị tận diệt đến mức nhìn mòn cả mắt mới nhìn thấy ở dòng Huôi Oi này.
“Ngày trước ở đây đầy sẵn thức ăn nhưng nay cũng vì người dân vào khai thác gỗ nhiều quá nên đã săn bắn hết. Chim rừng ngày trước nhiều lắm, bây giờ đã không còn nơi yên tĩnh để trú ngụ nên đã rủ đàn bay đi cả. Ngay ở vùng ngoài của Khu bảo tồn thiên nhiên này (Pù Huống) cũng không còn cảnh chim về xây tổ như ngày trước. Bây giờ, người ta đã tạo dựng đường băng khá rộng để thuận tiện cho việc khai thác gỗ…”.
Lời kể của T. cứ dồn dập vào tai tôi trong hành trình vào vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống trên địa phận quản lý của Trạm quản lý bảo vệ rừng đóng tại xã Diên Lãm.
Mới vào vùng giáp ranh của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống nhưng đã khiến những người khách “du mục” như chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước biết bao cảnh tượng nhìn đau cả mắt.
Ngọc Thái
.