Nhưng khi mới làm việc được khoảng nửa tháng thì các lao động này đã bị lực lượng cảnh sát Malaysia bắt giữ vì giấy tờ không hợp lệ. Đến nay, họ đã bị giam giữ gần một tháng rưỡi nhưng Công ty AIRSECO chưa có động thái nào để giúp đỡ người lao động dù người thân của họ ở Nghệ An đã kêu cứu rất nhiều lần.
Theo nguồn tin từ các gia đình có người đi xuất khẩu bị bắt giữ thì thông qua các phương tiện truyền thông, các lao động ở Nghệ An đã liên lạc với Văn phòng đại diện của Công ty AIRSECO tại Nghệ An do bà Hồ Thị Thanh làm Trưởng đại diện. Sau khi được tư vấn, các lao động thống nhất ký hợp đồng xuất khẩu tại Malaysia trong thời hạn 3 năm với tổng chi phí trung bình là 25 triệu đồng/người.
Ngày 15/12/2011, các lao động đặt cọc 5 triệu đồng, ngày 13/1/2012, các lao động được thông báo lịch bay và đặt tiếp 20 triệu đồng và bay vào TP Hồ Chí Minh. Đến ngày 17/1/2012, các lao động đã sang Malaysia và vào nhà máy làm việc.
Nhưng bất ngờ ngày 31/1/2012, Cảnh sát Malaysia vào kiểm tra nhà máy và phát hiện hàng chục công nhân Việt Nam không có giấy tờ hợp lệ và một số không có giấy tờ nên bắt tạm giam vì cư trú bất hợp pháp. Những người thân ở nhà biết được sự việc khi lao động gọi điện về thông báo đã bị bắt, một số lao động không được gọi điện nên đến nay có thể người thân vẫn chưa biết sự việc xảy ra.
Văn phòng Công ty AIRSECO tại Nghệ An
Sau khi nhận được thông tin người nhà bị bắt tạm giam tại Malaysia, những người thân ở nhà mất ăn, mất ngủ nên đã nhiều lần xuống văn phòng đại diện Công ty AIRSECO ở Nghệ An phản ánh sự việc và yêu cầu Công ty giải quyết nhưng bà Thanh, Trưởng đại diện chỉ hứa hẹn, đến nay đã gần 1 tháng rưỡi người lao động bị giam giữ mà chưa được thả.
Người nhà lao động cho biết, người thân của họ chỉ mới gọi điện về nhà một lần thông báo tình hình cách đây hơn một tháng, từ đó đến nay hoàn toàn mất liên lạc. Lao động bị giam giữ cũng cho biết mỗi ngày chỉ được ăn hai nắm cơm, không có quần áo để thay, không được tắm giặt, cuộc sống bị giam cầm hết sức khổ sở. Họ cũng không biết họ đang bị giam giữ ở đồn cảnh sát thuộc tỉnh nào và hiện có khoảng 30 lao động Nghệ An đang bị giam giữ tại đây.
Anh Nguyễn Văn An ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn có vợ là chị Hoàng Thị Hằng bị bắt giữ tâm sự: “Gia đình nghèo khó nên quyết tâm vay mượn ngân hàng được 25 triệu đồng để cho vợ đi xuất khẩu lao động kiếm ít vốn về sửa lại nhà đã xuống cấp. Ngày vợ thông báo đã sang đến Malaysia mấy bố con vui lắm, hi vọng được thoát nghèo. Ngờ đâu chỉ mấy ngày sau vợ gọi về báo bị bắt, từ đó đến nay không có tin tức gì. Đêm nào mấy bố con cũng nằm ôm nhau khóc vì lo cho mẹ. Từ khi vợ bị bắt không đêm nào tôi ngủ được, cứ đi lang thang khắp làng như người điên”.
Gia đình người lao động đến Báo Công an Nghệ An cầu cứu
Theo sự phân tích của một số người có thâm niên trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thì: Visa của người lao động ở Malaysia được cấp trong thời hạn 3 tháng, hết hạn phải cấp lại, còn đi du lịch Malaysia không cần Visa, chỉ cần mua vé khứ hồi và được ở lại một tháng. Trường hợp lao động Nghệ An bị bắt có thể do cò lao động ở Malaysia làm thủ tục cho lao động chưa kịp hoặc lao động đi theo đường du lịch.
Theo điều tra của phóng viên thì hiện nay, có trên 20 lao động ở Nghệ An đang bị bắt giữ tại Malaysia tập trung ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành, Tân Kỳ. Phần lớn lao động này đều do Công ty AIRSECO đưa đi xuất khẩu và một số do các công ty khác.
Sau khi nhận được đơn của gia đình người lao động, chúng tôi đã nhiều lần tìm gặp, liên lạc để làm việc với bà Hồ Thị Thanh - Trưởng văn phòng đại diện AIRSECO ở Nghệ An nhưng bà đều từ chối. Những người lao động cũng phản ánh một số lao động đã đặt cọc 5 triệu đồng cho văn phòng để đi Malaysia đợt sau, khi có thông tin lao động bị bắt giữ nên không đi nữa, đến đòi lại tiền nhưng văn phòng đại diện không chịu trả.
Nhóm PV
.