Bởi theo những bạn hàng làm ăn thân thiết một thời thì, hiện bà này đang sở hữu nhiều nhà đất ở TP Vinh và Hà Nội. Đáng nghi ngại hơn là sau khi tuyên bố vỡ nợ, bà chủ Công ty Thái Lợi đã xin vào bệnh viện… tâm thần!
Để hợp thức hóa việc huy động vốn, năm 2009, từ một cán bộ của ngành thuế, bà Nguyễn Thị Thái (SN 1972) trú khối 12, phường Hà Huy Tập, TP Vinh đã thành lập Công ty TNHH Thái Lợi, với các ngành nghề kinh doanh chính là môi giới, đầu tư kinh doanh, giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, định giá, đấu giá về BĐS.
Bà Nguyễn Thị Lợi, trú khối 11, phường Trường Thi, TP Vinh được thuê làm Giám đốc công ty. Sau khi có đầy đủ tư cách pháp nhân, thay vì chú trọng làm ăn để phát triển, Nguyễn Thị Thái đã chạy đua chiến dịch tổng huy động vốn trong dân và tại các ngân hàng với số tiền chạm ngưỡng 100 tỷ đồng trong thời gian rất ngắn.
Trụ sở Công ty TNHH Thái Lợi
Những chiêu trò huy động vốn
Với mác nữ doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực BĐS, một nghề đang rất thịnh trong giai đoạn này, đồng thời bà Thái khoe mẽ hùn hạp vốn làm ăn với vợ các sếp nên đã sớm tạo được lòng tin. Nạn nhân đầu tiên và cũng là người cho bà Thái vay số tiền nhiều nhất là chị Thiên, Giám đốc một công ty chuyên về các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố.
Từ chỗ quen biết gần nhà, bà Thái đã tỉ tê, mượn của chị Thiên tổng cộng 6 lần với số tiền là 12 tỷ đồng. Theo chị này thì sở dĩ Thái tạo được lòng tin là sau lần đầu tiên vay 1,7 tỷ vào ngày 17/6/2011, để mua nhà tại Hà Nội, Nguyễn Thị Thái đã trả đầy đủ, đúng hẹn và những lần sau, Thái còn dắt chị đến Khu đô thị mới Đồng Dâu ở phường Hưng Dũng, nói đang đầu tư vào đây nên chị mới sập bẫy lừa.
Trường hợp khác là chị Hồ Thị Bích Ngọc cho Thái vay số tiền 3 tỷ đồng, trong đó Ngọc huy động từ anh em trong gia đình được 1,4 tỷ đồng, số còn lại Ngọc hỏi vay chị Thiên và chị này đã đi vay người khác để đưa cho Ngọc, Ngọc lại mang cho bà Thái mượn để đầu tư BĐS.
Trong tổng số hàng chục nạn nhân của Nguyễn Thị Thái, “đau” nhất có lẽ là việc nhón tay làm phúc của Công ty CP ĐT XD TM Đại Huệ. Từ chỗ quen biết, khi biết Công ty TNHH Thái Lợi gặp khó trong kinh doanh, ngày 21/9/2011 Công ty Đại Huệ đã cho mượn 33 GCNQSDĐ đã được phân lô tại Khu đô thị Đồng Dâu để thế chấp vay vốn làm ăn với tổng số tiền gần 38 tỷ đồng.
Mặc dù trong điều kiện cho mượn, hai bên đã thỏa thuận là chỉ được sử dụng số bìa này để thế chấp vay vốn và số bìa đất này sẽ trả lại trước ngày 31/12/2011. Thỏa thuận là thế nhưng cầm được tài sản trong tay, bà Thái đã mang một số ít đi vay vốn, số còn lại gán nợ (11 bìa) và sang tên đổi chủ.
Tệ hại hơn, từ những bìa đất này, đi đâu bà này cũng rêu rao là đang hùn vốn với Công ty Đại Huệ để làm khu đô thị Đồng Dâu, lấy danh nghĩa công ty này để tiếp tục lừa đảo, huy động vốn “tín dụng đen” và đây là xuất phát của mọi đồn thổi về việc Công ty Đại Huệ vỡ nợ trong thời gian qua. Ngoài ra, tính đến thời điểm này, đã có 29 người khác mang tiền cho bà Thái vay, người ít nhất là 100 triệu đồng và người nhiều nhất là gần 40 tỷ đồng.
Trong đó, có cả những cán bộ công chức Nhà nước, làm tại cục thuế, ngành công an và thậm chí là cả những người chuyên cho vay nặng lãi đến tiểu thương buôn bán ngoài chợ cũng sập bẫy tín dụng. Để vay mượn được tiền, Nguyễn Thị Thái đã không từ bất cứ chiêu trò nào.
Ngoài việc vay tiền mặt các cá nhân, bà Thái còn mượn GCNQSDĐ và nhờ tư cách pháp nhân của 17 trường hợp khác với tổng số 55 bìa đất để vay tại các Ngân hàng Công thương (ViettinBank), Ngân hàng ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EximBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (SaccomBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền 40,3 tỷ đồng.
Rủi ro hay cố tình vỡ nợ?
Với danh nghĩa là người đứng đầu Công ty TNHH Thái Lợi, ngày 3/11/2011, bà Nguyễn Thị Thái tuyên bố vỡ nợ. Thế nhưng, trong các ngày 11/11/2011 và ngày 18/11/2011, bà Thái vẫn tiếp tục lừa vay của chị Hương Bích số tiền 1,5 tỷ đồng và 1 bìa đất của Công ty Đại Huệ để gán nợ ngân hàng.
Trước đó, để chuẩn bị cho kế hoạch vỡ nợ, trong khoảng thời gian từ 30/9 đến 11/11/2011, bà Nguyễn Thị Thái đã tổng huy động được số tiền 28,5 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 4,5 tỷ đồng là trả nợ cho ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, số còn lại (23,9 tỷ đồng) bà này không trả cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào.
Trong khi đó, theo thống kê của bà Thái thì tổng số tài sản mà bà này hiện có là xấp xỉ 40 tỷ đồng, ngoài trừ 1 căn nhà chung cư và 2 căn hộ liền kề tại Hà Nội mang tên em trai chồng đang thuộc quyền sở hữu, số tài sản còn lại đều đã thế chấp ngân hàng hoặc gán nợ.
Theo phản ánh của các chủ nợ thì để hợp thức hóa số tiền huy động được, bà Thái đã chuyển vào tài khoản mang tên chồng là Nguyễn Ngọc Sơn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), sau đó ông này viết giấy ủy quyền cho bà Thái đến để rút ra.
Dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Thái còn thể hiện ở việc, căn nhà tại khối 12, phường Hà Huy Tập mặc dù đã thế chấp tại Ngân hàng EximBank nhưng vợ chồng Sơn - Thái vẫn lăn tay, công chứng sang tên cho bà Phương Chung để gạt nợ 3,9 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, một chủ nợ khác là bà Trần Thị Hòa cũng suýt bị lừa khi bà Thái cho biết, sẽ sang tên căn nhà này để gạt khoản nợ 2,1 tỷ với điều kiện bà Hòa phải bỏ ra 950 triệu đồng trả ngân hàng để chuộc bìa đỏ. Khi bà Hòa chuẩn bị mang tiền đến ngân hàng thì vụ việc vỡ lở. Tương tự là việc trả nợ cho Công ty Đại Huệ, theo thỏa thuận là sẽ gán 3 căn nhà tại Hà Nội nhưng lúc bàn giao chứng từ, bà Thái chỉ bàn giao 2 căn nhưng lại bí mật giữ lại phiếu nộp tiền.
Thế nên, trên thực tế hồ sơ đã giao nhưng không có phiếu nộp tiền cho chủ đầu tư nên quyền sở hữu vẫn thuộc về bà Thái. Cũng theo phản ánh từ các chủ nợ, khi bị đòi ráo riết, Nguyễn Thị Thái đã “ép” bằng cách gạt nợ thông qua một số tài sản như nhà, đất nhưng với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực để xé giấy nợ.
Nhiều người vì muốn vớt vát lại tài sản nên chấp nhận mất hàng tỷ đồng. Điển hình cho việc bội ước với chủ nợ này là khi cán bộ Ngân hàng Công thương đến để phong tỏa tài sản căn nhà thế chấp trên đường Trần Quốc Toản thì bị bà Thái gọi giang hồ đến đe dọa, đuổi đánh.
Thiên Thảo
.