An ninh cơ sở

SẮC XANH TỪ CƠ SỞ (Bài 3)

08:21, 20/06/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-“Tiếp tục rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo hướng tăng cường cho cơ sở, đơn vị trực tiếp chiến đấu. Đối với Công an xã chính quy, phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân, làm việc theo phương châm: “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”... Đó là phát biểu chỉ đạo của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75. Lời hiệu triệu ấy đã và đang được Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước triển khai có hiệu quả, trong đó có Nghệ An. 

Đại úy Đặng Sỹ Trường, Trưởng Công an xã Đặng Sơn trao đổi với người dân
Đại úy Đặng Sỹ Trường, Trưởng Công an xã Đặng Sơn trao đổi với người dân
Bài 3: Chuyện những “hòa giải viên” trong nhân dân
 
Cái khó mà lực lượng bán chuyên trách không làm được, nhưng lại trở thành cái hay khi Công an chính quy về xã, đó là đã giải quyết rốn ráo những mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong nhân dân, kéo dài từ năm này qua năm khác. Nhiều vụ việc tưởng như phức tạp, nhưng khi tìm hiểu kỹ lưỡng, nhiều cán bộ, chiến sĩ là Công an xã đã đứng ra hòa giải thành công; vướng mắc, tích tụ được tháo gỡ.
 
Đến tận ngõ, gõ cửa từng nhà để hóa giải mâu thuẫn
 
Ông Trần Văn Long (67 tuổi) trú tại xóm 4, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là cán bộ về hưu, thương binh nặng, có 2 người con, con gái đầu bị thiểu năng trí tuệ, mọi hy vọng dồn tất cả cho con trai út Trần Văn Thành (SN 1982), song hai bố con ông Long lại khắc tính nhau, hễ gặp nhau là thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn nên dù đang là sinh viên tại một trường đại học trên địa bàn TP Vinh, anh Thành cũng rất ít khi về nhà. Những mâu thuẫn cha con cứ thế ngày một tích tụ, lớn dần lên khiến tình cảm cũng không còn được như những ngày xưa thơ ấu. Anh Thành ngày một xa rời vòng tay yêu thương của cha mẹ, trong khi ông Long - với nỗi lòng của một người cha yêu con nhưng không dễ chia sẻ với bất kỳ ai, cứ vò võ ôm nỗi đau đáu vì con ấy một mình, khiến cuộc sống cũng ngày một ngột ngạt, bế tắc.
 
Giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, anh Thành về nhà ăn Tết thì xảy ra khúc mắc với cha, hai bên xảy ra xô xát, anh này có những cư xử thiếu chuẩn mực nên bị cha đuổi ra khỏi nhà. Thời điểm này, Đại úy Nguyễn Sỹ Trường (SN 1979), cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Đô Lương vừa đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Đặng Sơn được khoảng 2 tháng. Nắm bắt sự việc, Đại úy Trường đã đến tận nhà, gặp gỡ riêng với ông Long, kiên trì nghe ông chia sẻ, mở lòng về chuyện nhà của mình. Tiếp đó, anh Trường cũng đã gặp anh Thành, để tâm sự, phân tích những việc chưa phải anh này đã cư xử với đấng sinh thành. Qua những lần trực tiếp gặp gỡ riêng, bằng kinh nghiệm và sự khéo léo của mình, Đại úy Trường đã chỉ ra những điều chưa hợp lý trong cách ứng xử của anh Thành đối với cha mẹ, cũng như những việc không nên áp đặt cho con cái trong cách nuôi dạy con của ông Long. Mưa dầm thấm lâu, dần dà hai cha con đã nhận ra cái sai của mỗi người, anh Thành đã về nhà xin lỗi bố mẹ, còn ông Long cũng hứa sẽ thay đổi cách nuôi dạy con cái. 
 
Khi gia đình đã thực sự êm ấm, ông Long đã gửi thư cảm ơn đến lãnh đạo Công an huyện Đô Lương và Công an tỉnh Nghệ An, về tấm gương “vì dân phục vụ” của Đại úy Trường. Đúng như lời khen thật tâm của thương binh Trần Văn Long, bởi chỉ sau gần 2 năm nhận nhiệm vụ ở địa bàn cơ sở, Đại úy Trường đã làm biến chuyển xã Đặng Sơn, từ một địa bàn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất ổn về ANTT; tệ nạn ma túy, đánh bạc và mâu thuẫn gia đình, xóm giềng tích tụ từ năm này qua năm khác nhưng không được giải quyết dứt điểm, đến nay xã Đặng Sơn đã trở thành một “điểm sáng” trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, được các cấp chính quyền biểu dương, nhân dân ghi nhận. Không chỉ các vụ việc phức tạp, mâu thuẫn kéo dài được giải quyết mà niềm tin của quần chúng nhân dân đã tăng lên. 
 
Nửa đêm vẫn kiên trì đi dân vận
 
Tháng 11/2018, Thượng úy Nguyễn Ngọc Hiền, cán bộ Công an huyện Tân Kỳ được điều động về giữ chức vụ Trưởng Công an xã Nghĩa Dũng. Đây là xã phức tạp về ANTT khi có Trại giam số 3 (Cục C10 - Bộ Công an) đóng chân, không chỉ các loại tội phạm ở khắp nơi về đây tìm cách móc nối với người nhà, phạm nhân để phạm tội mà những câu chuyện xung khắc trong nội bộ, nội tộc gia đình dòng họ, những khúc mắc xóm giềng cũng là những vấn đề không dễ gì giải quyết dứt điểm ngay được. “Tội phạm trên lĩnh vực trật tự xã hội thì phát hiện, bắt giữ, xử lý, răn đe là xong vấn đề. Tuy nhiên, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thì rất khó để giải quyết dứt điểm nếu mình không biết cách, bởi những vấn đề này đã xảy ra có khi cả hàng chục năm, nhiều vụ việc không hẳn là vì lợi ích kinh tế, đơn giản là vì cái “tôi” cá nhân của mỗi bên dẫn đến vụ việc phức tạp, kéo dài”, Thượng úy Hiền chia sẻ. 
 
Tìm ra “nút thắt” để giải quyết vấn đề, đó là cái hay, cũng là thế mạnh của lực lượng Công an chính quy khi về nhận nhiệm vụ tại xã đã làm được. Chuyện hóa giải mâu thuẫn giữa hai gia đình ông Hoàng Đình Linh (SN 1973) và ông Bùi Khắc Thuận (SN 1969), trú tại xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng là một điển hình như thế. Tuy là xóm làng với nhau, nhưng hơn 10 năm qua hai ông này đã từ mặt nhau vì tranh chấp một thửa đất rừng. Thậm chí, kiện nhau ra tận tòa, bản án cũng đã tuyên nhưng không ai chấp nhận khiến tình làng nghĩa xóm ngày càng rạn vỡ. Để giải quyết dứt điểm, chính quyền xã Nghĩa Dũng đã xin ý kiến của huyện Tân Kỳ, ra quyết định cưỡng chế để làm điểm. Cầm hồ sơ vụ việc trên tay, Thượng úy Hiền không khỏi băn khoăn, trăn trở.
 
Anh đã tự mình đến gặp gỡ từng nhà để tìm hiểu, nắm bắt thêm thông tin, ngọn ngành của sự việc, đồng thời cho cả hai bên đề đạt nguyện vọng, nhưng nhất quyết không ai chịu nhường nhịn ai. Theo kế hoạch, 8 giờ sáng ngày hôm sau, đoàn cưỡng chế sẽ thực thi công vụ thì 12 giờ khuya tối hôm trước, Thượng úy Nguyễn Ngọc Hiền vẫn kiên trì phân tích lẽ thiệt hơn với ông Thuận là người không chịu trả đất. Kết quả là trước giờ cưỡng chế, gia đình ông này đã tự nguyện trả lại phần đất đã lấn chiếm, hai bên gia đình vui vẻ bắt tay nhau trước sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền, tình làng nghĩa xóm từ đó được hàn gắn. 
 
Thượng tá Phạm Vũ Cường, Trưởng Công an huyện Tân Kỳ cho biết: Tân Kỳ là huyện được Công an Nghệ An chọn làm điểm trong việc triển khai thực hiện đề án đưa Công an chính quy về xã. Đến nay, đã có 66 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã ở 22/22 xã, thị trấn. Nhìn chung, Công an chính quy ở xã đều đã làm tốt nhiệm vụ của mình, không chỉ bảo đảm ANTT tại cơ sở mà Ban Công an thường xuyên đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt pháp luật. Đồng thời, tổ chức tốt công tác phòng ngừa, rà soát, răn đe các đối tượng, được quần chúng nhân dân tin tưởng, tích cực cung cấp nhiều tin báo, tố giác tội phạm. Từ đó, tình trạng vi phạm pháp luật giảm hẳn, các mâu thuẫn được giải quyết tại cơ sở, tránh được đơn thư khiếu kiện.
 
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tính từ thời điểm Công an Nghệ An triển khai thực hiện đề án bố trí Công an chính quy về xã đến nay, có hàng nghìn vụ việc đã được phát hiện và giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở. Trong đó, đáng chú ý là có nhiều vụ việc phức tạp, khiếu kiện, đơn thư kéo dài, song khi lực lượng Công an chính quy về cơ sở, nhiều vụ việc đã được giải quyết thấu tình, đạt lý. Khảo sát cũng cho thấy, sự xuất hiện, thường xuyên của những “sắc xanh” trên các địa bàn cơ sở đã tạo được sự yên tâm, vững tin về vấn đề ANTT, trật tự trị an ở địa bàn dân cư trong quần chúng nhân dân.
 
Có rất nhiều cán bộ Công an chính quy, khi về cơ sở đã phát huy rất tốt vai trò của mình, không chỉ trên lĩnh vực bảo đảm ANTT, mà còn thể hiện được trách nhiệm của mình trong công tác dân vận, hòa giải ở cơ sở. Trước đây, lực lượng bán chuyên trách một phần vì trình độ năng lực, phần nữa không sâu sát với quần chúng nhân dân, thậm chí là do cả nể, thân sơ nên giải quyết vụ việc không dứt điểm, dẫn đến người dân không tin và không phục. Tuy nhiên, tình trạng này về cơ bản đã được khắc phục, lực lượng Công an chính quy về xã, vừa biết dựa vào nhân dân để làm việc, đồng thời luôn động viên và tranh thủ lực lượng Công an xã bán chuyên trách để hoàn thành nhiệm vụ. 
 
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để nắm chắc tình hình, đồng thời luôn quán triệt tinh thần “ba cùng, bốn bám” để tranh thủ sự đồng lòng, ủng hộ của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an chính quy về xã đã làm cho tình hình ANTT trên địa bàn các vùng nông thôn ở Nghệ An bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Những cán bộ Công an xã nhận được sự ủng hộ rất lớn của bà con nhân dân, từ đó người dân tin yêu, hợp tác.
“Sở dĩ sự việc gia đình tôi đạt được kết quả trên đây, theo tôi nghĩ là tinh hoa đổi mới tư duy về công tác quản lý, luân chuyển, sử dụng cán bộ của ngành Công an trong việc tăng cường Công an chính quy về cơ sở. Những người được ăn học, được Nhà nước đào tạo bài bản thì có hơn”. Trích thư ông Trần Văn Long gửi cảm ơn ngành Công an và Đại úy Đặng Sỹ Trường. 
                      (Còn nữa)  

THIÊN THẢO

Các tin khác