An ninh cơ sở
Hiệu quả từ mô hình 'Tiếng kẻng bình yên'
(Congannghean.vn)-Gần 3 năm nay, "Tiếng kẻng bình yên" đã trở thành âm thanh quen thuộc đối với người dân các xã trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Tiếng kẻng không chỉ báo thức, báo giờ học tập, báo yên mà còn là hiệu lệnh huy động lực lượng ứng cứu khi có vụ việc phức tạp xảy ra... Với những hiệu quả thiết thực đó, "Tiếng kẻng bình yên" được xem là một mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn.
Ban Công an xã Châu Cường kiểm tra việc thực hiện mô hình "Tiếng kẻng bình yên" tại bản Nhọi |
Xã Châu Tiến với hơn 90% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, tập trung nhiều tài nguyên khoáng sản quý hiếm như đá trắng, quặng thiếc, quặng sắt...nên có nhiều doanh nghiệp đến khai thác, chế biến. Bên cạnh những thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn tiềm ẩn phức tạp về ANTT, đặc biệt là các tệ nạn trộm cắp, ma túy, mại dâm, gây gổ đánh nhau nơi công cộng thường xuyên xảy ra.
Trước tình hình đó, đầu năm 2014, cấp ủy, chính quyền xã Châu Tiến đã giao Ban Công an xã tham mưu xây dựng mô hình "Tiếng kẻng bình yên" tại 9/9 xóm, bản. Mô hình hoạt động mang tính chất tự quản, tự phòng, tự hòa giải theo quy ước, hương ước của xóm, bản.
Theo đó, Ban Công an xã đã phối hợp với MTTQ xã, các thành viên của mặt trận, ban cán sự xóm, bản đề ra chương trình hoạt động, chế độ giao ban và sơ, tổng kết theo định kỳ.
Từ khi có "Tiếng kẻng bình yên", tinh thần cảnh giác của người dân trong phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội được nâng lên rõ rệt. Các vụ việc như tranh chấp đất đai, con cái, cha mẹ bất hòa xảy ra ở các xóm, bản đều được hòa giải, thấu tình, đạt lý, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Nhận thấy hiệu quả thiết thực của mô hình "Tiếng kẻng bình yên" tại xã Châu Tiến, đầu năm 2015, lãnh đạo Công an huyện Quỳ Hợp đã tiến hành nhân rộng mô hình trên toàn huyện.
Trung tá Đinh Anh Dũng, Trưởng Công an huyện, Trưởng ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm cho biết: "Đến nay, đã có 17/21 xã, thị trấn đưa mô hình "Tiếng kẻng bình yên" vào hoạt động tại 71 thôn, bản; với 400 người trực tổ kẻng và 657 người tham gia tổ tuần tra. Qua sơ kết, đã phát lệnh an ninh 16 lượt, phối hợp với lực lượng Công an xã, thị trấn tuần tra kiểm soát 500 lượt, ngăn chặn và giải quyết 35 vụ việc".
Để mô hình thực hiện có hiệu quả, nhân dân các thôn còn đóng góp hơn 182 triệu đồng để mua và lắp đặt 285 kẻng và búa gõ kẻng, 302 gậy tầm vông và quần áo trang bị cho lực lượng tự quản.
Trung tá Vi Trung Vệ, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về ANTT, Công an huyện Quỳ Hợp cho biết: "Qua triển khai mô hình "Tiếng kẻng bình yên" gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phong trào xây dựng nông thông mới đã mang lại hiệu quả cao, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội. Qua đó, thể hiện sự đồng lòng, huy động sức dân tham gia bảo vệ ANTQ, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó trong nhân dân".
Qua thực hiện mô hình "Tiếng kẻng bình yên", nhân đân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho lực lượng Công an. Điển hình như nhờ nguồn tin của 2 người dân ở xã Châu Cường, Công an huyện và Ban Công an xã đã kịp thời ngăn chặn vụ trộm trâu bò vào tháng 6/2015. Hay vụ việc rạng sáng 10/9/2015, nhờ "Tiếng kẻng bình yên" mà các đối tượng đột nhập nhà ông Vi Văn Trung ở bản Nguông, xã Châu Cường trộm gà, đang trên đường đi tiêu thụ bị tóm gọn.
Từ khi mô hình "Tiếng kẻng bình yên" đi vào hoạt động, các nẻo đường thôn, xóm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trở nên bình yên hơn bởi tinh thần cảnh giác cao và sự đoàn kết của người dân trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm. "Người dân rất đồng lòng tham gia "Tiếng kẻng bình yên", bởi trật tự thôn, xóm được đảm bảo thì mỗi gia đình sẽ được bình an", ông Lưu Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Châu Cường chia sẻ.
Cao Loan