Tệ nạn ma túy kéo dài đã tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đồng thời đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nghèo đói của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Với địa hình chủ yếu là rừng núi hiểm trở, lại có đường biên giới giáp nước bạn Lào, do đó tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý ở Kỳ Sơn trở nên phức tạp và diễn biến ngày một tinh vi. Những năm về trước, trên địa bàn này đã hình thành một số đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý với số lượng lớn và có tổ chức chặt chẽ, có trang bị vũ khí nóng như súng, lựu đạn, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện vây bắt...
Trong đó, có nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn đã cấu kết với bọn tội phạm bên kia biên giới buôn bán, vận chuyển “cái chết trắng” về gieo rắc lên cuộc sống của đồng bào vốn đã khó khăn.
Theo số liệu của Công an huyện Kỳ Sơn, hiện nay toàn huyện có trên 470 đối tượng nghiện ma tuý, trong đó trên 400 người nghiện có hồ sơ quản lý. Song trên thực tế, số người nghiện có thể còn cao hơn gấp nhiều lần. Chính vì vậy, các vụ án về tội phạm ma tuý trên địa bàn huyện diễn ra khá nhiều với mức độ phức tạp.
Để ngăn chặn và giảm dần tội phạm ma tuý trên địa bàn, Công an huyện Kỳ Sơn đã phối hợp tích cực với Bộ đội Biên phòng (Tiểu khu 50, các Đồn 531, 527, 539, 545), các tổ công tác đặc biệt tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an ninh biên giới và đấu tranh mạnh mẽ với các loại tội phạm, nhất là hoạt động buôn bán, vận chuyển ma tuý.
CBCS Đội CSĐTTP về ma túy Công an Kỳ Sơn đang giải quyết vụ việc
Cùng với đó, Công an huyện còn thường xuyên phối kết hợp với các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số không để trồng cây thuốc phiện, không vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý và không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động liên quan đến ma tuý.
Trao đổi với chúng tôi, đại úy Lô Văn Thao - Đội trưởng Đội CSĐTTP về ma tuý Công an huyện cho biết: Trước thực tế như hiện nay, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong huyện đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý, trong đó coi trọng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mỗi khu dân cư, mỗi gia đình và mỗi người dân.
Có một thực tế là tại địa bàn huyện Kỳ Sơn hiện nay, tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức vi phạm liên quan đến ma túy vẫn còn xảy ra. Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng về phía Công an huyện đang tập trung công tác khảo sát, nắm tình hình để có biện pháp, hướng giải quyết để đẩy lùi tệ nạn này.
Đối với các đối tượng nghiện ma tuý, nhất là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước thì được các cơ quan, đơn vị chủ quản động viên, tạo điều kiện để đi cai nghiện. Với những biện pháp mạnh mẽ, lãnh đạo chỉ huy Công an huyện đang tập trung mọi cố gắng, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, chú trọng phát triển kinh tế, từng bước đưa địa phương sớm thoát nghèo.
Kỳ Sơn là một trong những huyện nghèo của cả nước, trong những năm gần đây đang được thụ hưởng các chương trình, dự án từ Chính phủ như 134/CP, 135/CP, 30a, 160.... Xuất phát từ trình độ dân trí chưa cao, điều kiện tự nhiên, giao thông đi lại khó khăn, nên những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm ở mức cao.
Thêm vào đó, tệ nạn xã hội, nhất là ma tuý đang ngày một xâm nhập vào đời sống đồng bào khiến cho cảnh đói nghèo của đồng bào các dân tộc của huyện vùng cao nơi đây ngày một kéo dài. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý nhưng Kỳ Sơn vẫn là địa bàn trọng điểm về các hoạt động ma tuý của tỉnh.
Xác định rõ vấn đề đó, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý của công an và Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn cũng như các cấp, các ngành và toàn dân luôn nâng cao trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma tuý đầy cam go và ác liệt này.
Đặc biệt, chính quyền huyện nói riêng và tỉnh nói chung đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đặc biệt để nâng cao đời sống cho đồng bào bằng các chương trình, dự án đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Trong đó, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh phòng, chống ma tuý với phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, tập trung phát triển trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình kinh tế rừng gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư như xây dựng làng, bản văn hoá, gia đình văn hoá, các khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn ma tuý, từng bước đưa địa phương phát triển ổn định, bền vững thúc đẩy kinh tế khu vực ngày một nâng cao.
Xuân Thống
.