Văn hóa - Giáo dục

Nâng cao công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

08:07, 11/12/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm qua, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh, nhất là đối với trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Giáo dục, phụ huynh học sinh hết sức quan tâm, chú trọng. Qua đó, đã đạt được những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng                          sẽ tạo ra sự thống nhất thực hiện mục tiêu giáo dục,                           đặc biệt là giáo dục các chuẩn mực đạo đức cho trẻ
Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng sẽ tạo ra sự thống nhất thực hiện mục tiêu giáo dục, đặc biệt là giáo dục các chuẩn mực đạo đức cho trẻ
 
Để hình thành nhân cách của trẻ mầm non, bên cạnh sự quan tâm sát sao của cha mẹ, chắc chắn còn có vai trò không nhỏ của nhà trường. Để đào tạo ra những con người phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì không chỉ có vai trò của nhà trường, mà còn rất cần sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của gia đình và cộng đồng. Đó là ba môi trường giáo dục quan trọng tạo thành thế “chân kiềng” vững chắc để cùng giáo dục, hình thành nhân cách và vun đắp sự trưởng thành của một con người. Đồng thời, sự phối hợp vững chắc giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng sẽ góp phần sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những tiêu cực trong học đường.
 
Vì vậy, những năm qua, công tác phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại Nghệ An được quan tâm và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, đảm bảo tỉ lệ trẻ học 2 buổi/ngày, tham gia bán trú ở mức cao; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ từng bước được cải thiện, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm dần hàng năm; công tác xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả cao, phù hợp với từng vùng miền. Các cơ sở giáo dục đã tranh thủ được sự quan tâm, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân, huy động được sự ủng hộ của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng trường mầm non với hàng nghìn ngày công và các hiện vật có giá trị.
 
Ngoài ra, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều hình thức phong phú trong việc huy động sự tham gia của phụ huynh, các tổ chức xã hội cùng phối hợp để tổ chức bán trú, tăng cường kỹ năng, năng khiếu của trẻ. Mặt khác, có các mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng phát huy hiệu quả cao. Như các mô hình gia đình, nhà trường và cộng đồng cùng tham gia tổ chức các hoạt động và cùng giám sát nhiệm vụ của nhà trường như công tác thu chi, tổ chức bán trú; mô hình “góp gạch xây dựng trường” ở huyện Tương Dương… 
 
Điển hình là mô hình câu lạc bộ “Nuôi con khỏe - Dạy con ngoan” ở huyện Tương Dương với sự tham gia của hơn 4.500 phụ huynh tham gia. Từ khi thành lập tới nay, bên cạnh hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động thì các phụ huynh trong câu lạc bộ còn trực tiếp nấu cháo chiều cho trẻ em tại các điểm trường lẻ. Đáng chú ý hơn, các phụ huynh không chỉ góp công mà còn góp tiền để mua nguyên liệu nấu cháo cho các cháu. Qua đó, hỗ trợ rất lớn trong việc giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ mầm non trên địa bàn huyện; trong đó thể nhẹ cân là 5% (giảm 3,3% so với năm 2015), thể thấp còi 7% (giảm 3,3% so với năm 2015). 
 
Tuy đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực nhưng trong công tác tuyên truyền, phối hợp với gia đình, nhà trường và cộng đồng vẫn còn gặp một số khó khăn, bất cập. Việc thực hiện phối hợp với gia đình, nhà trường và cộng đồng ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Nhận thức của phụ huynh, nhất là vùng miền núi về công tác phối hợp trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ còn hạn chế; ý thức trách nhiệm của gia đình chưa cao, nhiều cha mẹ còn có sự ỷ lại, khoán trắng cho nhà trường…
 
Thực tế cho thấy, để sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng hiệu quả, thì rất cần sự nỗ lực từ 3 phía. Việc phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục cần phải đảm bảo sự thống nhất về nhận thức hành động cũng như cách thức để đạt mục tiêu quá trình phát triển nhân cách cho trẻ. Đặc biệt, tránh mâu thuẫn, gây nên tình trạng nghi ngờ, vô hiệu hoá lẫn nhau, gây dao động, hoang mang đối với cá nhân trong việc tiếp thu, lựa chọn các giá trị đạo đức tốt đẹp.
 
Nhà trường cần hỗ trợ cho phụ huynh trong việc giáo dục, giúp nắm được phương pháp và nội dung giáo dục trong gia đình, để họ nâng cao hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái. Phụ huynh không được có tư tưởng “khoán trắng” cho nhà trường. Đối với các sở giáo dục và đào tạo, cần nghiên cứu, lập kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán về nội dung, phương pháp hỗ trợ phụ huynh trong chăm sóc giáo dục trẻ có chất lượng tốt nhất.

THU THỦY

Các tin khác