Văn hóa - Giáo dục
990 năm Nghệ An - Rạng rỡ sử vàng
10:08, 30/11/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, người dân xứ Nghệ, dù đi xa hay ở chốn quê nhà mỗi lần nhắc đến hai câu ca dao này lại rưng rưng thương nhớ. Xứ Nghệ - mảnh đất non nước hữu tình, nặng nghĩa ân tình, vùng đất “địa linh nhân kiệt”... Tròn 990 năm danh xưng Nghệ An, khẳng định vị thế trường tồn trong những trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, theo ghi chép của Phan Huy Chú trong “Hoàng Việt địa dư chí” thì Nghệ An "xưa thuộc đất Việt Thường, thời Tần thuộc Tương Quận, thời Hán gọi là Hàm Hoan thuộc quận Nhật Nam...; thời Đường gọi là Hoan Châu và Diễn Châu. Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê vẫn gọi là Hoan Châu và Diễn Châu. Năm 1030 (Thiên Thành thứ 3), vua Lý Thái Tông đổi Hoan Châu thành Nghệ An”.
Tổng duyệt chương trình sử thi nghệ thuật 990 năm danh xưng Nghệ An |
990 năm trôi qua với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, một thời gian dài, Nghệ An được xem là “thành đồng ao nóng”, đất phên dậu và là “then khóa của các triều đại”, là nơi quân tiến quân lui mỗi khi sơn hà xã tắc lâm sự binh đao. Nơi đây, Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa; anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ dừng chân tuyển quân, mở cuộc duyệt binh, đọc lời hịch vang vọng nước Nam và chọn xứ sở này xây dựng một Phượng Hoàng Trung Đô lưu danh muôn thuở.
Nghệ An với những người con kiên cường, bất khuất, với một tinh thần yêu nước nồng nàn đã làm nên một Xô viết Nghệ Tĩnh lừng lẫy và là hậu phương vững chắc, cùng với nhân dân cả nước anh dũng đứng lên đấu tranh giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ oanh liệt.
Không chỉ là mảnh đất sơn thủy hữu tình, mà nơi đây còn là huyền thoại của đa dạng văn hóa với 6 tộc người: Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, cùng với kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc. Hơn hết, là những câu dân ca ví, giặm sâu nặng nghĩa tình, nuôi dưỡng tâm hồn và cốt cách của bao thế hệ người dân xứ Nghệ. Người ta gọi đó là “đặc sản”. Và, vinh dự, tự hào lắm khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đến với Nghệ An, đây được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, sinh ra những bậc anh hùng, các nhà khoa bảng, văn nhân nghệ sĩ. Đặc biệt, hồn thiêng sông núi hun đúc và trước yêu cầu của lịch sử ở thời điểm gian nguy nhất đã sản sinh ra một người con ưu tú, vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người làm rạng danh non sông đất nước ta: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nói về người Nghệ An, có một nhà nghiên cứu đúc kết rằng: “Có một xứ sở, vì sự khắc bạc của thiên nhiên mà đất đai cỗi cằn và con người phải mưu cơ dũng lược. Ở họ cùng với ý thức tự bù đắp khát khao về lẽ công bằng. Đó là sức sống, là khí phách của một vùng dân cư, chốn hy vọng của thời loạn, nơi nương tựa của thời bình. Xứ sở ấy là núi Hồng - sông Lam”. Phát huy những phẩm chất cao quý đó, những thế hệ hôm nay đang tiếp nối ra sức học tập và rèn luyện, sớm đưa Nghệ An phát triển trở thành “một tỉnh khá nhất ở miền Bắc” như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An đúng vào thời điểm tỉnh nhà vinh dự đón Bằng di tích Quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn, huyện Nam Đàn. Dịp này, tỉnh Nghệ An tổ chức nhiều chuỗi hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Hội thảo khoa học “Nghệ An - 990 năm hình thành và phát triển”, triển lãm ảnh “Những dấu mốc lịch sử hình thành tỉnh Nghệ An trong mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”, triển lãm ảnh “Nghệ An - hội nhập và phát triển”...
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ mong muốn “Nghệ An cần tạo cho được một “kỳ tích sông Lam” mà cả nước đang mong đợi”. Tin rằng, với truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên từ bao đời nay, nhân dân Nghệ An sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vươn lên, cùng xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Phan Tuyết