Văn hóa - Giáo dục
Thi THPT quốc gia 2019: Thấy gì từ việc điểm liệt ở môn Ngữ văn tăng đột biến?
15:09, 19/07/2019 (GMT+7)
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, cả nước có hơn 3.100 bài thi bị điểm liệt.
Nếu so với con số gần 887.000 thí sinh dự thi thì tỷ lệ thí sinh bị điểm liệt chỉ chiếm khoảng 2,6%. Tuy vậy, điều bất ngờ nhất có lẽ là số lượng học sinh “dính” điểm liệt ở môn Ngữ văn nhiều nhất, chiếm hơn 1/3 tổng số điểm liệt của tất cả các môn thi.
Số lượng bài thi môn Ngữ văn “dính” điểm liệt tăng mạnh
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong số hơn 3.100 bài thi THPT quốc gia 2019 bị điểm liệt thì môn Môn Ngữ văn có số bài thi bị điểm liệt nhiều nhất với 1.265 bài. Tiếp đến là môn Tiếng Anh với 630 bài thi; môn Lịch sử 395 bài, môn Toán 345 bài... Một số địa phương có điểm liệt môn Ngữ văn nhiều nhất là Hà Nội với 104 bài, Sơn La 90 bài, Quảng Ngãi 83 bài, Đồng Nai 81 bài và Gia Lai 76 bài....
Theo các giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong chấm thi môn Ngữ văn, nhìn chung, những bài thi có điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) thường rơi vào 3 trường hợp. Đó là để giấy trắng, không viết gì; có viết nhưng quá lạc đề hoặc chỉ chép lại đề thi.
Năm nay điểm liệt môn Ngữ văn tăng đột biến một phần do ngữ liệu trong đề thi không phải là các tác phẩm văn học quen thuộc, phổ biến nên “lệch tủ” đối với nhiều học sinh có xu hướng học tủ chủ yếu để xét tốt nghiệp. Bên cạnh đó, sau hàng loạt bê bối gian lận trong chấm thi năm 2018, năm nay việc chấm thi cũng được các địa phương thực hiện chặt chẽ, thận trọng hơn.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Năm nay môn Ngữ văn được xây dựng tiêu chí chấm thi và hướng dẫn chấm rất chi tiết, rõ ràng nên đã tránh được tối đa việc chấm chặt, chấm lỏng theo chủ quan của người chấm. Bên cạnh đó, đề thi ở phần nghị luận văn học là tác phẩm ký cũng khiến học sinh có xu hướng học “tủ” bị bất ngờ nên kết quả bài làm không cao.
Môn Ngữ văn dẫn đầu về số bài thi bị điểm liệt trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh minh họa. |
Cũng theo ông Sái Công Hồng, ngoại trừ môn Ngữ văn (môn thi tự luận duy nhất) có số bài thi bị điểm liệt tăng lên, tất cả các môn thi còn lại đều có số bài thi bị điểm liệt giảm rất mạnh so với năm 2018. Với hơn 887.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, chỉ có hơn 3.100 thí sinh rớt tốt nghiệp do vậy điểm liệt là một tỷ lệ nhỏ, có thể chấp nhận được đối với một kỳ thi có tính phổ cập như thi THPT quốc gia.
Cảnh giác với tình huống “đỗ đại học nhưng trượt tốt nghiệp”
Kết quả thi THPT quốc gia từ những năm gần đây cho thấy, số lượng thí sinh bị dính điểm liệt chủ yếu rơi vào các môn thi bắt buộc như Văn, Toán, Ngoại ngữ. Trong khi đó, theo quy chế thi THPT quốc gia, nếu thí sinh có điểm trung bình các môn thi cao, kể cả có cơ hội trúng tuyển đại học nhưng bị dính điểm liệt thì vẫn bị trượt tốt nghiệp và không đủ điều kiện học đại học.
Trên thực tế, câu chuyện “đỗ đại học nhưng trượt tốt nghiệp” cũng đã xảy ra với nhiều học sinh. Nguyên nhân của tình trạng này là do học sinh chủ quan, coi thường các môn không xét tuyển đại học.
Trong chuyến đi thực tế tại Ninh Bình vào tháng 5-2019, ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giáo đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình đã chia sẻ với các phóng viên báo chí về câu chuyện một học sinh trường chuyên được 24 điểm 3 môn xét tuyển đại học nhưng trượt tốt nghiệp vì có bài thi trắc nghiệm “dính” điểm liệt.
“Dù học sinh và gia đình rất hy vọng, nhưng kết quả chấm phúc khảo không thay đổi so với trước, không tăng lên được điểm nào và học sinh này vẫn bị trượt. Trường hợp này có thể được coi là bài học đáng tiếc nhắc nhở các thí sinh không được học lệch ở kỳ thi THPT quốc gia”, ông Toàn nói.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng cho rằng: Những trường hợp như trên sẽ rất hy hữu và theo quy định, trong những trường hợp trên, các tổ hợp môn của các thí sinh dù đủ điểm vào đại học cũng không được công nhận bởi trên lý thuyết, các em đã trượt tốt nghiệp thì không đủ điều kiện để xét tuyển đại học.
Do vậy, các em không có lựa chọn nào khác ngoài việc phân bố thời gian hợp lý cho các môn xét tuyển và thi tốt nghiệp để tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguồn: CAND