Phóng sự
Thật mà như bịa
Vẫn đang tồn tại một thực tế đó chính là chuyện sai phạm bé như con kiến thì được thấy rất nhanh nhưng to như con voi lù lù trong phòng khách thì lại xem như hoàn toàn không hình bóng!
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ vừa có phát biểu rất mạnh mẽ dẫu không mới: "Đà Nẵng đã phát hiện ra rất nhiều, lên đến hàng trăm các dự án bất động sản có vướng mắc, khó khăn cũng như sai phạm. Đà Nẵng đã báo cáo và Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trước đây có những vấn đề chưa phù hợp về mặt pháp lý". Đây là lần đầu tiên lãnh đạo một thành phố nói thẳng về hiện trạng sai phạm trong xây dựng, trước đó, nhiều lãnh đạo khác chỉ nói những sự vụ cụ thể. Mà ngay cả sự vụ cụ thể đã được chỉ ra, đã được họp bàn, đã được khẳng định quyết tâm bằng phát ngôn... Vậy mà, cuối cùng đâu cũng lại vào đấy. |
Nếu để ý về cách xử lý sai phạm trong xây dựng, chúng ta sẽ thấy nổi lên những nghịch lý khó hiểu. Thứ nhất, với công trình nhà ở dân dụng, một sai phạm nhỏ như con kiến cũng bị phát hiện và xử lý ngay. Thế nhưng những công trình của doanh nghiệp với sai phạm rành rành to như con voi thì nhiều khi không được phát hiện ra.
Thứ hai, cùng là công trình xây dựng sai phạm, nhưng có một số trường hợp người dân sai phạm thì sẽ bị phạt và cưỡng chế tháo dỡ ngay.
Song, với trường hợp của những doanh nghiệp sai phạm ở những công trình lớn thì lắm khi lại khác; có những trường hợp cũng bị lập biên bản, cũng ra quyết định đình chỉ thi công,… nhưng rồi để đó và chủ đầu tư lại “lén lút” xây tiếp! Và khi hỏi ra thì bảo là chúng tôi đã có xử lý rồi, đình chỉ thi công rồi hay đã báo cáo lên cấp trên rồi nhưng “họ vẫn bất chấp và lén lút xây tiếp”!
Một anh từng làm công tác quản lý trật tự kể lại rằng, trong công tác của mình, anh đã từng chứng kiến việc cưỡng chế nhà xây dựng trái phép của một cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con. Nói là nhà nhưng thật ra đó chỉ là một căn nhà lá dựng tạm cho cô vợ mang thai sắp sinh làm nơi trú ẩn vì chủ nhà thuê không cho thuê nữa.
Dẫu căn cứ vào luật thì cưỡng chế căn nhà này là đúng, song có một sự bất công quá lớn khi có những công trình to lớn đã sai mười mươi mà cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền lại quá chậm chạp một cách khó hiểu.
Minh họa: Hùng Dingo |
Chính anh quản lý trật tự này cũng thừa nhận rằng, có sự can thiệp của “người Nhà nước” khi xử lý vi phạm những người có chức có quyền, có địa vị trong xã hội. Có những lần vừa lập biên bản xong là điện thoại “hỏi thăm” tới tấp, từ địa phương đến thành phố tùy theo địa vị của chủ nhà. Hoặc cũng có trường hợp mới lập biên bản hôm trước thì vài ngày sau chủ nhà đã có giấy phép xây dựng rồi!
Tháng 5 vừa qua, ở quận 7 TP HCM, một doanh nghiệp nọ đã bị phát hiện và xử lý vì xây “chui” đến gần 110 căn biệt thự liền kề hoành tráng dù chưa được giao đất, chưa được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều đáng nói là khi dự án với hơn 100 căn biệt thự này đã được thi công gần xong phần thô thì mới bị phát hiện và xử phạt. Thậm chí, phía Sở Xây dựng còn cho rằng, dự án này đủ điều kiện xây dựng và được phép khởi công!
Nếu nói về những doanh nghiệp với những công trình lớn xây dựng sai phép thời gian gần đây thì có khá nhiều, có những vụ việc nổi cộm trong dư luận.
Điển hình là tòa nhà 8B Lê Trực, những biệt phủ trị giá cả trăm tỉ đồng ngang nhiên xây dựng trên đất lâm nghiệp ở đèo Hải Vân; khu biệt thự có tên Điền Viên Thôn, huyện Ba Vì vô tư xây dựng 57 biệt thự trên mảnh đất 4,8 ha, chủ yếu là đất tự khai hóa, chỉ có 1 ha được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Khu đô thị kiểu mẫu như Linh Đàm, chủ đầu tư vô tư xây chung cư VP6 vượt giấy phép 10 tầng kèm nhiều sai phạm khác trong công trình...
Vấn đề là hầu hết các công trình này, chỉ khi đến giai đoạn hoàn thành, các cơ quan chức năng mới phát hiện ra. Mà không phải ở những nơi hẻo lánh với nhiều người, ngay cả ở thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM nhưng cơ quan chức năng cũng không biết! Và vụ việc đôi khi lại được phát hiện ra từ một người câu cá, như vụ 40 móng biệt thự cày sới nham nhở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).
Còn về việc xử lý những công trình sai phạm thì ra sao? Hãy đến Nam Từ Liêm, Hà Nội để xem chuyện lạ! Đó là Công trình tòa nhà HH-01 không phép ngang nhiên xây dựng đến 18 tầng.
Nó cũng như một số công trình khác, bị lập biên bản từ lúc khởi công (ngày 7-5-2015) cho đến khi xây đến 18 tầng đã không biết bao nhiêu lần bị chính quyền yêu cầu đình chỉ xây dựng và sẽ bị cưỡng chế nếu không đủ giấy tờ. Nhưng, tất cả chỉ dừng ở văn bản, dù rằng hầu như tháng nào cũng có biên bản.
Và lúc xây đến tầng 18, thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm vẫn vô tư như không có chuyện gì xảy ra và cho báo chí biết: quận đã báo cáo với Thành ủy Hà Nội rồi!
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại tồn tại nhiều chuyện thật như đùa như vậy? Chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng đang làm gì, ở đâu, và vì sao với một lực lượng được đánh giá là không hề mỏng như tổ dân phố, khu phố, UBND phường, quản lý đô thị, thanh tra xây dựng… nhưng lại để hàng loạt công trình sai phạm được ngang nhiên xây dựng, thậm chí là đi vào sử dụng như thế?
Câu trả lời đầu tiên, đó là lợi ích nhóm. Bởi chỉ có thể là lợi ích nhóm chi phối phía sau nên những công trình xây dựng không phép đó mới vô tư mọc lên như vậy. Và chính sự can thiệp của nhóm lợi ích này đang khiến cho tình trạng xây dựng không phép, sai phép ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Và chính nó cũng đang hằng ngày làm xói mòn lòng tin của nhân dân về sự công bằng, công tâm và luật pháp Nhà nước. Kế đến, những vụ việc nêu trên cũng cho thấy rằng, công tác quản lý trật tự xây dựng còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Khi xảy ra vi phạm, các cơ quan chức năng chưa kịp thời xử lý, hoặc xử lý không kiên quyết, triệt để, còn xảy ra tình trạng “phạt, cho tồn tại”…
Còn ý thức chấp hành pháp luật xây dựng của các chủ đầu tư, chủ công trình kể trên thì rõ ràng là kém, là biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm. Nhưng, con người ở mọi nền văn hóa đều giống nhau ở chỗ, sẽ có những người vì lợi ích bản thân mà bất chấp.
Vì thế thay vì đòi hỏi ý thức nghiêm túc từ những ông chủ doanh nghiệp, những “đại gia” kinh doanh này thì những bộ phận thực thi công vụ cần ý thức nghiêm túc về công lý và trách nhiệm của mình.
Còn khi ngay cả bộ phận thực thi công vụ địa phương trở thành thành viên trong nhóm lợi ích, nhân dân trông chờ vào sự mạnh tay của Đảng, Nhà nước và Chính phủ!
Nguồn: ANTG/Báo CAND