Phóng sự
Hành trình đánh thức 'mầm thiện'
14:11, 21/07/2019 (GMT+7)
Thượng tá Trần Đức Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Ninh Khánh (Hoa Lư, Ninh Bình) chia sẻ: Phạm nhân dù đã bị pháp luật xử phạt, nhưng họ cũng là con người, cũng có suy nghĩ, tâm tư, tình cảm. Vì vậy, chỉ cần đánh thức được “mầm thiện” trong họ sẽ giúp họ cải tạo tốt, trở thành những công dân có ích.
Chính vì triết lý đầy tình nhân văn ấy mà từ nhiều năm nay, Thượng tá Trần Đức Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Ninh Khánh (Hoa Lư, Ninh Bình) cùng với tập thể cán bộ, chiến sĩ đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của phạm nhân từ nơi ăn, chốn ở, đến sân chơi thể thao hay thư viện với rất nhiều đầu sách, và các hoạt động văn hóa văn nghệ thường niên… Những điều đó đã góp phần quan trọng giúp phạm nhân yên tâm cải tạo.
Thượng tá Trần Đức Phong - Ảnh: HM |
Dáng người nhỏ, nụ cười thân thiện nhưng vẫn toát lên vẻ nghiêm nghị là những điều tôi cảm nhận về Thượng tá Trần Đức Phong. Trong mắt cán bộ, chiến sỹ ở Trại giam Ninh Khánh, Giám thị Trần Đức Phong là người "nói đi đôi với làm", luôn có những chỉ đạo kịp thời trong việc thực hiện những nhiệm vụ được cấp trên giao.
Tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, năm 1999, anh đầu quân về công tác tại Trại giam Ninh Khánh trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân. Mới ra trường, tuổi đời còn trẻ nhưng với tinh thần trách nhiệm, cùng sự nhạy bén, sức sáng tạo không ngừng, anh nhanh chóng bắt nhịp với công việc, được lãnh đạo, chỉ huy và đồng chí, đồng đội tin tưởng, đánh giá cao.
Từ một cán bộ trinh sát trại giam, anh tiếp tục được đề bạt, bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng, rồi Đội trưởng Đội Trinh sát, sau này là Phó Giám thị và Giám thị Trại giam Ninh Khánh năm 2018.
Gắn bó với Trại giam Ninh Khánh từ những ngày đầu mới ra trường, trải qua những khó khăn, vất vả nhưng anh luôn cảm thấy may mắn vì được làm việc với một tập thể đoàn kết, với những cán bộ, chiến sỹ nhiệt huyết, luôn nêu cao trách nhiệm với công việc. Nhờ vậy, việc giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Trại giam Ninh Khánh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Khi nói về việc giáo dục, cải tạo phạm nhân, Thượng tá Trần Đức Phong chia sẻ: Phạm nhân có nhiều kiểu, người phạm tội có chủ ý, người thì lười lao động dẫn đến phạm tội, có người vì lòng tham mà phạm tội, cũng có người chỉ vì một bức xúc rất nhỏ trong cuộc sống không kiềm chế được dẫn đến phạm tội… Thế nhưng căn bản trong con người họ vẫn luôn có phần thiện, nếu chúng ta biết cách để khơi dậy tính thiện đó, thì họ sẽ trở thành những người có ích. Vì vậy trong gần 20 năm làm nghề, anh Phong luôn dành thời gian, sự chân tình để tâm sự, lắng nghe, thấu hiểu phạm nhân.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Trần Đức Phong, để phạm nhân nhận ra lỗi lầm của mình, từ đó tự giác lao động, cải tạo tốt, sớm trở về với cuộc sống đời thường không phải là việc làm đơn giản. Bởi đa phần các phạm nhân khi được đưa vào trại, một số do thiếu hiểu biết pháp luật mà phạm tội, cũng không ít phạm nhân vừa chấp hành xong án này đã mắc vào án khác… Vì thế, tư tưởng của phạm nhân thường không ổn định, không chấp hành việc cải tạo. Đa số các phạm nhân khi mới vào trại đều có biểu hiện chống đối, sử dụng chiêu trò lưu manh tìm cách qua mặt các cán bộ quản giáo. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác trại giam ngoài tinh thông nghiệp vụ thì phải biết cảm thông, chia sẻ với phạm nhân.
Xác định rõ tầm quan trọng của các biện pháp trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, Thượng tá Trần Đức Phong với vai trò là lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị luôn nâng cao trách nhiệm, chủ động chỉ đạo các đội nghiệp vụ, các phân trại, nòng cốt là đội giáo dục và hồ sơ trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo cấp trên xây dựng các kế hoạch, chương trình giáo dục cải tạo phạm nhân theo từng giai đoạn.
Điều này đã giúp nhiều phạm nhân đã có sự chuyển biến rõ rệt trong quá trình cải tạo. Nhiều phạm nhân sau khi được trở về với xã hội, được đón nhận và trở thành những người có ích.
Đó là câu chuyện về phạm nhân Hoàng Thị Lư chịu mức án 30 năm tù về tội giết người nhưng không nhận tội. Đi thi hành án, phạm nhân Lư để lại 2 đứa con nhỏ dại không có người chăm sóc, trong đó đứa con gái bé bỏng bị tim bẩm sinh rất nặng. Khuôn mặt buồn bã, già hơn so với tuổi 36 của mình, Lư tâm sự: “Khi vào trại thực sự không suy nghĩ về bản án, chỉ lo các con ở ngoài còn nhỏ. Cháu bé bệnh nặng, chồng lại án tử hình nên bản thân tư tưởng không yên tâm. Con cái đều phải trông chờ vào sự chăm sóc của bố mẹ, trong đó, con trai lớn thì phải lưu lạc lên tận Lai Châu ở với anh trai của chồng, cháu bé ở với ông bà nội”.
Chia sẻ đến đây, giọng Lư nghẹn lại: “Những ngày đầu khi mới vào trại, không tối nào tôi ngủ được, thương chồng thương con và hối hận vì những việc làm của mình. Đến giờ, người nhà phạm nhân chắc vẫn chưa nguôi ngoai và tha thứ cho lỗi lầm của tôi. Họ chắc vẫn còn oán trách tôi nhiều lắm. Đến bản thân tôi, bao năm qua chưa ngày nào tôi tha thứ cho mình. Chỉ vì việc này mà tôi đánh mất tất cả”.
Nhắc đến hai con, sau ít phút lấy lại bình tĩnh, gương mặt phạm nhân Lư rạng rỡ hơn. Lư kể, những ngày đầu vào trại, biết hoàn cảnh chị khó khăn, Giám thị Trại giam Trần Đức Phong, Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh cùng đồng đội đóng góp và đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ninh Bình hỗ trợ tiền; nhờ các bác sĩ Bệnh viện E mổ tim cho con gái chị. Nhờ đó cháu đã qua cơn hiểm nghèo, lớn lên có thể bình thường như những đứa trẻ khác.
Phạm nhân Lư ngậm ngùi, việc con gái được mổ tim trong khi bố mẹ đang mang án là một tình huống hết sức đặc biệt. Lư chỉ có một suy nghĩ “Không còn cách nào khác là yên tâm tư tưởng cố gắng cải tạo để không phụ sự quan tâm của cán bộ trại giam.”
Với tội danh buôn bán, tàng trữ chất ma túy, Triệu Tiến Thủy ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc vào cải tạo ở Trại giam Ninh Khánh từ khi mới 22 tuổi. Ngày mới vào trại, Thủy nghĩ cuộc đời mình đến đây là hết, Thủy không tập trung vào việc cải tạo. Lúc đó anh Phong là Phó Giám thị phụ trách Phân trại 1 đã nhiều lần gặp gỡ trực tiếp không kể khi lao động hay ngày nghỉ, chia sẻ, phân tích những đúng sai để Thủy yên tâm cải tạo.
“Ngày ấy, Giám thị Trần Đức Phong đã nói với tôi rằng không có con đường nào ngoài con đường cải tạo để sớm được trở về với gia đình. Nhiều đêm nằm nghĩ đến những điều mình đã làm, nghĩ đến những lời Giám thị Phong nói, tôi đã khóc… Sau nhiều đêm mất ngủ, tôi tỉnh ngộ, hiểu ra lỗi lầm của mình, chấp hành cải tạo cho tốt, mong sớm được trở về”. Phạm nhân Triệu Tiến Thủy chia sẻ.
Được sự giúp đỡ của các cán bộ quản giáo, phạm nhân Hoàng Thị Lư đang nỗ lực cải tạo mong sớm trở về với các con - Ảnh: HM |
Hay như phạm nhân Vũ Quang, ở Phân trại số 1 do đích thân Giám thị Trần Đức Phong phụ trách, sau một hồi trầm ngâm, anh Phong chia sẻ: Trước khi vào trại, Quang là một sinh viên tài năng của Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhưng do không tu dưỡng, rèn luyện, bị bạn bè xấu lôi kéo nên đã sa vào con đường ma tuý. Quang mang trong mình căn bệnh HIV đến trại với án phạt 7 năm tù. Thời gian đầu mới đến trại, Quang bất cần, chống đối, thường xuyên vi phạm nội quy, cải tạo kém.
Sự tâm huyết, bao dung của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đặc biệt là sự quan tâm, chân thành của Thượng tá Phong đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, ấm áp, giúp phạm nhân Quang có thêm niềm tin, hi vọng trên cuộc hành trình tìm về nẻo thiện. Hiện nay, Quang là một tấm gương tiêu biểu trong lao động, học tập, cải tạo, là một tuyên truyền viên tích cực trong phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy của trại.
Với anh Phong, mỗi nhiệm vụ được hoàn thành, chứng kiến nhiều phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, xếp loại cải tạo kém trở nên yên tâm tư tưởng, phấn đấu cải tạo, chấp hành tốt; nhiều phạm nhân được hoàn lương trở về với gia đình và xã hội…, anh lại tìm thấy niềm vui, thấy được ý nghĩa nhân văn của nghề, càng có động lực gắn bó với nghề mình đã chọn.
Nuôi khát khao hướng thiện
Là người đứng đầu, quản lý trại giam, hàng năm, anh chỉ đạo toàn trại duy trì nền nếp các hoạt động: Học tập thời sự, chính trị, chính sách, pháp luật, nội quy trại giam; tổ chức dạy văn hóa xóa mù chữ, giáo dục công dân cho phạm nhân, giáo dục chung, giáo dục riêng; tổ chức phát động các đợt thi đua trong phạm nhân toàn trại gắn với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy trại giam.
Thư viện dành cho phạm nhân ở Phân trại số 1, Trại giam Ninh Khánh được trang bị rất nhiều sách. Bên cạnh những cuốn sách mới ra, nhiều cuốn sách cũ đã sờn mép do lật giở nhiều. Từng là giáo viên, phạm nhân Nguyễn Năng Tiến có lẽ là người dành nhiều thời gian trên thư viện trong những khung giờ đọc sách nhất. Ông Tiến cho biết: Chỉ vì một phút không làm chủ được lòng tham đã dẫn ông đến con đường lao lý, mức án ông nhận cho hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là 12 năm. Ở tuổi xế chiều, phía trong những song sắt, ngoài giờ lao động, niềm vui của ông Tiến là được đọc sách. Mỗi cuốn sách đều mang một nội dung, một ý nghĩa khác nhau. Sách đã giúp ông có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục cải tạo, mong sớm được đoàn viên bên gia đình và người thân.
Việc đọc sách đã trở thành thói quen tốt giúp phạm nhân có thêm niềm tin vào cuộc sống - Ảnh: HM |
Thượng tá Trần Đức Phong cho biết: Để giúp phạm nhân hướng thiện, có niềm tin trong cuộc sống, khơi dậy khát vọng hoàn lương, góp phần hình thành nhân cách tích cực cho họ, Trại giam Ninh Khánh tổ chức thi viết tự truyện với chủ đề “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, thi vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương”, viết thư “Gửi lời xin lỗi” người bị hại, thân nhân người bị hại, thân nhân phạm nhân, cơ quan, chính quyền địa phương nơi phạm nhân đã từng học tập, công tác; cuộc thi “Tiếng hát tình đời”; thi “Viết cảm nhận về sách”… Các hoạt động lôi cuốn đông đảo phạm nhân tham gia, với hàng ngàn trang viết, bức tranh, bức thư có giá trị tác động trở lại giáo dục, cảm hóa phạm nhân.
“Sách là món quà tuyệt vời mang tri thức đến cho tôi trong những tháng ngày khó khăn này, để tôi được tư duy, được tiếp nhận thêm những kiến thức quý báu mới, để tôi thấy cuộc sống đang tiếp diễn với niềm hy vọng vào ngày mai. Tôi đã đọc khá nhiều sách trên thư viện, nhưng có lẽ cuốn sách tôi tâm đắc nhất cuốn “Làm chủ cuộc đời”. Những điều trong cuốn sách này, cùng với sự quan tâm sâu sắc của Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ Trại giam Ninh Khánh đã quan tâm đến đời sống tinh thần của phạm nhân chúng tôi, để chúng tôi luôn giữ được cho mình suy nghĩ tích cực nhất trong cuộc sống, và trong quá trình lao động, cải tạo. Đó là động lực để chúng tôi cố gắng, sớm hoàn lương và trở về”. Đó là những chia sẻ của phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Ly, ở Phân trại số 3, Trại giam Ninh Khánh.
Đồng thời, các Hội nghị gia đình phạm nhân được Thượng tá Trần Đức Phong quan tâm tổ chức hằng năm. Đây là dịp để phạm nhân được gặp gỡ, trao đổi những tâm tư, tình cảm với thân nhân, giúp họ có động lực để cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình, xã hội…
Các phong trào văn hóa, văn nghệ được duy trì và thúc đẩy, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh cho phạm nhân, làm chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, hành vi của họ, từ đó giúp họ yên tâm phấn đấu cải tạo, sớm được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Nhờ đó, trong 10 năm qua, tỷ lệ phạm nhân cải tạo khá, tốt trong toàn trại tăng; tỷ lệ phạm nhân cải tạo kém giảm đáng kể, từ 7,3% năm 2015 giảm xuống còn 2,4% năm 2018; tỷ lệ tái phạm tội sau khi ra trại thấp. Toàn trại có 7988 phạm nhân hết án, trở về với xã hội, tái hòa nhập cộng đồng trở thành công dân lương thiện.
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân, nhiều năm liền, Thượng tá Trần Đức Phong được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Trại giam Ninh Khánh được đánh giá là một tập thể thống nhất đoàn kết, giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”. Đơn vị vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ “Đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ Công an”...
Thượng tá Trần Đức Phong tặng hoa cho những phạm nhân có bài dự thi hay trong cuộc thi viết "Cảm nhận về sách" năm 2018 - Ảnh: NVCC |
Thượng tá Trần Đức Phong chia sẻ: Những thành tích mà anh nhận được cũng là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Trại. Anh vinh dự là người được đại diện để đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.
“Phần thưởng đi kèm với trách nhiệm, bản thân tôi và các cán bộ, chiến sĩ công tác tại Trại giam Ninh Khánh luôn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, cải tạo phạm nhân, với mong muốn tìm lại cho xã hội những công dân tốt và có ích...”. Thượng tá Trần Đức Phong khẳng định.
Nguồn: Dangcongsan.vn