Phóng sự
Tấm gương của cán bộ
Suy cho cùng, cũng giống như việc nêu gương của một người cha, người mẹ trong gia đình nhỏ, sự nêu gương của cán bộ phải được thấm vào máu của người từ tinh thần, tự bản thân một cách tự nhiên.
Phải thừa nhận một thực tế là lâu nay vẫn còn nhiều hoài nghi về đạo đức lối sống của một bộ phận Đảng viên giữ chức vụ, cán bộ lãnh đạo. Những biệt phủ xa hoa, những người thân thụ hưởng vật chất sang trọng, những tiện nghi mà con em của họ khoe khoang trên mạng xã hội... Rồi những phẩm chức đạo đức nền tảng điển hình bằng vi phạm chế độ một vợ một chồng... Và những kỷ luật của Đảng với các cá nhân cụ thể vi phạm đạo đức lối sống trong thời gian gần đây cho thấy điều lệ Đảng, nguyên tắc Đảng không phải để viết ra cho có. Đấy cũng là hành động rõ ràng nhất để minh chứng với nhân dân về tính nghiêm minh của Đảng. |
Phẩm chất của một người lãnh đạo là phải như vậy chứ không phải đợi “có dịp” mới làm!
Mấy ngày qua, thông tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Huỳnh Quang Hải, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính khiến dân tình xôn xao.
Theo kết luận của UBKTTƯ thì ông Huỳnh Quang Hải đã chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Tài chính.
Minh họa: Lê Tâm. |
Sở dĩ dân mạng bàn tán về thông tin này một phần lớn là vì thời gian gần đây, ông Hải xuất hiện nhiều trên báo chí sau khi kết hôn với nữ ca sĩ Đinh Hiền Anh. Những hình ảnh lãng mạn tựa những ngôi sao showbiz của vợ chồng ông khiến dư luận chú ý. Còn việc cụ thể ông đã vi phạm điều gì để bị cảnh cáo thì không mấy ai được rõ.
Thực tế, chuyện cán bộ công chức xem nhẹ phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ hiện nay không phải là ít, thậm chí còn đang trở thành một hiện tượng. Nó khiến người ta đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng Nghị quyết về nêu gương cán bộ chưa thâm nhập, đi vào đời sống của một số công chức có quyền hiện nay!?
Từ những vi phạm tưởng chừng rất đơn giản như dùng xe công để đi đón người thân, đi lễ hội, dùng xe công để đi ăn tiệc, đi cưới… cho đến việc “một người làm quan cả họ được… làm quan”, chuyện xây biệt phủ, mua điểm, chạy điểm cho con,… điều cho thấy đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, những ông quan hiện nay đang có vấn đề.
Lẽ ra là một người có chức, có quyền thì phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống, phải thực hiện nêu gương nhưng đằng này, một số cán bộ cho thấy điều ngược lại.
Hoặc là họ lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để thực hiện những hành vi sai trái nhằm đạt được mục đích cá nhân; hoặc ỷ mình có quyền, muốn làm gì thì làm, bất chấp chuẩn mực đạo đức lối sống thông thường, chứ chưa nói đến của một người đảng viên.
Hành vi công chức dùng xe công đón người thân, thậm chí phi thẳng vào sân bay đợi, rồi dùng xe công đi lễ hội như dùng xe nhà đi chợ,… được báo chí đề cập nhiều năm nay nhưng hầu như năm nào cũng có nhiều người vi phạm. Một lỗi nhỏ thôi cũng cho thấy một lỗ hổng lớn trong lối sống của một đội ngũ cán bộ hiện nay. Đó là sự tùy tiện, là cậy quyền vô lối.
Thử nghĩ, với những hành vi sai trái lộ thiên như thế mà những ông quan vẫn có thể ngang nhiên làm trước bàn dân thiên hạ thì ai dám chắc những sai trái kín đáo khác, các ông không dám làm?
Mỗi người sống đều phải có trách nhiệm nêu gương, gương mẫu trong đạo đức, lối sống vì không ai sống cho riêng mình mà còn phải là bình phong đẹp cho đời, gia đình, nhất là con cháu trong nhà noi theo. Người cán bộ Đảng viên có chức, có quyền càng phải quán triệt triệt để điều này bởi họ còn đại diện cho cả một tổ chức, là bộ mặt của chính quyền Nhà nước.
Lãnh đạo mà vi phạm đạo đức, lối sống không nêu gương thì nội bộ trong tổ chức đó sẽ ra sao? Lãnh đạo nói ai chịu nghe và liệu cán bộ có noi gương xấu của lãnh đạo hay không?... Một lãnh đạo mà vi phạm đạo đức lối sống, không gương mẫu thì nguy hiểm vô cùng. Đó là mầm mống đầu tiên của một tổ chức rệu rã.
Nhưng câu hỏi đặt ra là trách nhiệm nêu gương của cán bộ từ đâu mà có? Phải chăng vì Nghị quyết của Trung ương mới nêu gương hay cứ đợi kiểm tra, giám sát mình rồi mình mới nêu gương?
Có lẽ, có không ít cán bộ thực hiện nêu gương như vậy, còn không thì thôi. Bằng chứng là hiện nay, nhiều cán bộ chủ chốt không thấy rằng mình phải giữ mình, phải nêu gương gì cả và họ vi phạm đủ điều mà cán bộ Đảng viên không được làm.
Song, suy cho cùng, cũng giống như việc nêu gương của một người cha, người mẹ trong gia đình nhỏ, sự nêu gương của cán bộ phải được thấm vào máu của người từ tinh thần, tự bản thân một cách tự nhiên. Phẩm chất của một người lãnh đạo là phải như vậy chứ không phải đợi “có dịp” mới làm!
Qua việc xử lý kỷ luật đối với trường hợp của ông Hải, ông Cảnh vừa qua cho thấy, UBKTTƯ đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về những điều Đảng viên không được làm.
Nhiều ý kiến cho rằng, UBKTTƯ và UBKT của các cấp ủy Đảng cần phải làm một cách công tâm và quyết liệt hơn, để Nghị quyết của TƯ về nêu gương được đi vào cuộc sống hơn nữa.
Các cấp ủy Đảng cần phải kiểm tra những đảng viên của mình, nhất là những đảng viên chịu trách nhiệm chủ chốt một cách sát sao hơn nữa; tính chiến đấu trong từng cơ sở Đảng, trong từng chi bộ, tự phê bình và phê bình, cần phải thực hiện một cách nghiêm túc hơn. Và đặc biệt, trách nhiệm nêu gương không phải chỉ với các cán bộ lãnh đạo mà là với bất cứ cán bộ, đảng viên nào.
Và có lẽ, trước khi chờ đợi sự ý thức tự thân về việc nêu gương của cán bộ thì rất mong rằng UBKT không chỉ ở TƯ mà ở các cấp sẽ khởi động mạnh mẽ với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kiểm tra, xử lý những cán bộ vi phạm để làm gương!
Nguồn: ANTG/Báo CAND