Phóng sự
Ai bảo vệ người tiêu dùng?
14:37, 01/07/2019 (GMT+7)
Những ngày qua, thông tin Công ty CP điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc về gắn nhãn xuất xứ Việt Nam rồi bán ra thị trường trong nước đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng. Bởi lẽ từ vài năm nay, thương hiệu Asanzo với những chiếc tivi Internet, điều hòa giá rẻ đã "làm mưa làm gió" tại thị trường nông thôn.
Sở dĩ sản phẩm của Asanzo chiếm lĩnh được thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn, vì ngoài giá bán thấp hơn 30-40% so với các sản phẩm cùng phân khúc, còn luôn được quảng cáo là "hàng Việt Nam chất lượng cao" với "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", vì vậy chỉ sau vài năm đưa ra thị trường, tivi của Asanzo đã chiếm lĩnh thị trường nông thôn khi mỗi năm bán ra tới 1 triệu chiếc.
Suốt nhiều năm qua, người tiêu dùng khi mua sản phẩm của Asanzo đều yên tâm rằng đã mua được sản phẩm tốt với giá rẻ. Vì vậy, tất cả đều bất ngờ khi báo chí phanh phui "Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam". Sau khi bị báo chí phanh phui, chính ông Phạm Văn Tam, CEO Tập đoàn Asanzo trả lời báo chí rằng, sản phẩm Asanzo không phải "made in Việt Nam" mà xuất xứ tại Việt Nam.
Ông Tam cho biết, đối với sản phẩm tivi, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, 30% còn lại Asanzo tự làm như: thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote... Tuy nhiên, ông Tam cho biết, tỉ lệ nội địa hóa của tivi Asanzo không phải tính trên từng món linh kiện, mà ông tính trên giá tiền hóa đơn đầu vào. "Nghĩa là trên giá tiền sản phẩm mua vào để làm ra một cái tivi. Nếu tính trên hóa đơn thì giá trị tỉ lệ linh kiện nhập khẩu từ 60-70%. Còn lại khoảng 30-40% là nội địa".
Khi được hỏi tỉ lệ nội địa gồm những gì? Ông Tam cho biết: "Đó là vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp... Mấy cái này mình được phép cộng vào. Mình tính thế thôi chứ không muốn tính nhiều hơn, rồi công bố là nội địa hóa đến 80-90%".
Liên quan phản ánh của báo chí về việc Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam, made in Việt Nam trên sản phẩm bán ra thị trường, ông Tam chia sẻ: "Bản thân tôi cảm nhận là Asanzo tự lắp ráp rồi có các nhà cung cấp Việt Nam họ cung cấp thì mình ghi xuất xứ Việt Nam. Chứ chưa có văn bản nào ghi chính thức, hướng dẫn các doanh nghiệp như chúng tôi là hàng lưu hành nội địa có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không? Tôi có tìm hiểu, nhưng cơ quan nhà nước chỉ hướng dẫn với hàng xuất khẩu chứ không nói hàng tiêu thụ nội địa".
Ông Tam cho biết thêm, lúc đầu Asanzo ghi "made in Việt Nam", nhưng sau đó bộ phận pháp chế nói chưa có văn bản nào hướng dẫn như vậy nên phải ghi xuất xứ Việt Nam mới đúng. Về việc nhà máy Asanzo cho công nhân bóc tem made in China khỏi sản phẩm, ông Tam nói ông không có chủ trương này: "Tem đó trên linh kiện chứ không phải trên tivi. Công nhân có thể bóc cũng có thể không vì nó nằm bên trong tivi".
Cho tới lúc này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc báo chí phản ánh Công ty CP điện tử Asanzo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đã giao giao Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẩn trương phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về việc Công ty CP điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ rà soát, đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo.
Vụ việc của Asanzo khiến người tiêu dùng liên tưởng đến vụ khăn lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam của Công ty Khai silk cách đây gần 2 năm. Thực tế, lâu nay danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" đã trở thành niềm tin của người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm. Vì thế, dù cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng, nhưng với những gì ông Tam thừa nhận cũng khiến người tiêu dùng cảm thấy bị đánh cắp niềm tin.
Một vấn đề nữa cũng phải đặt ra với các cơ quan quản lý, đó là trong khi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có lực lượng rất hùng hậu có nhiệm vụ kiểm soát việc xuất nhập khẩu hàng hóa từ cửa khẩu, quản lý việc kinh doanh tại thị trường trong nước nhưng không hề phát hiện ra những sự việc bất thường này, mà chỉ tới khi báo chí phanh phui thì mới chạy theo xử lý. Rõ ràng khi các cơ quan chức năng không làm hết trách nhiệm thì niềm tin của người tiêu dùng sẽ vẫn là thứ để những doanh nghiệp làm ăn chộp giật lợi dụng mà thôi.
Nguồn: CAND