Phóng sự
Quốc lộ xuống cấp và trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải
15:11, 30/07/2019 (GMT+7)
Chỉ trong sáng 23-7, liên tiếp ba vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên quốc lộ 5, đoạn thuộc huyện Kim Thành, Hải Dương, đã cướp đi mạng sống của 7 người và làm 2 người bị thương.
Trước đó, 4 giờ 15, trên quốc lộ 5, chiều đường Hà Nội - Hải Phòng, tại vị trí lối sang thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành (Hải Dương), ôtô Mercedes 16 chỗ ngồi va chạm với ông Đào Quang Huấn, sinh 1938, ở thôn Lai Khê, xã Cộng Hòa.
Vụ tai nạn giao thông làm ông Huấn chết tại chỗ. Trong khi Cảnh sát giao thông đang phân luồng giao thông thì chiếc xe tải chở nước BKS 29H-150.97, thuộc một doanh nghiệp ở số 12/211, đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa (Hà Nội), do lái xe Hà Văn Hoàng (sinh năm 1993, ở xóm 9, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lái theo hướng Hà Nội - Hải Phòng, định chuyển hướng sang chiều đường ngược lại thì va vào dải phân cách giữa, tiếp tục lao vào đoàn người và xe máy đang chờ sang đường vào xã Cộng Hòa rồi lật nghiêng, làm 6 người chết, 2 người bị thương.
Sau đó, vào lúc 5 giờ 30 cùng ngày, tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 5 và đường vào thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu (cùng huyện Kim Thành), xe ôtô đầu kéo BKS 16H-3598, kéo rơ-moóc BKS 15R-01085 do Phạm Đức Ngạn, SN 1990 ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), lái hướng Hải Phòng - Hà Nội va chạm với xe ôtô tải 34L-7671 do anh Lê Văn Huy ở xã Cộng Hoà điều khiển chạy từ đường thôn Hợp Nhất ra. Vụ va chạm làm ôtô tải 34L-7671 tiếp tục va chạm với xe ôtô đầu kéo BKS 20C-03061, kéo rơ-moóc BKS 20R-002.43 đang chạy chiều đường Hà Nội - Hải Phòng, làm anh Lê Văn Huy tử vong.
Cho tới lúc này, cơ quan Công an đang tiến hành điều tra, tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu được xác định là do hạ tầng giao thông trên tuyến quốc lộ 5 trên địa bàn có nhiều bất cập, nhiều lối mở cho các xe quay đầu không đảm bảo an toàn và thiếu những cảnh báo cho người dân.
Hơn 20 năm trước, quốc lộ 5 từng được coi là tuyến quốc lộ hiện đại nhất khi có dải phân cách cứng phân làn hai chiều. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế của các tỉnh có quốc lộ 5 đi qua, hàng chục khu công nghiệp với trăm nhà máy mọc lên bám hai bên đường khiến cho quốc lộ 5 ngày càng quá tải.
Là tuyến giao thông huyết mạch hàng ngày, hàng giờ, quốc lộ 5 chịu áp lực lớn về lượng người và phương tiện lưu thông, bởi ngoài hàng trăm nghìn công nhân làm việc tại các nhà máy hai bên đường, đây là tuyến đường nối cảng Hải Phòng với các tỉnh phía Bắc nên mỗi ngày có cả trăm nghìn lượt xe ôtô, trong đó rất nhiều xe container lưu hành.
Vì thế, giờ đây quốc lộ 5 không khác gì một con phố có chiều dài hơn 100km. Những năm gần đây, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường này, gần đây nhất là tháng 1- 2019, một chiếc xe tải đã đâm đoàn người đi viếng nghĩa trang khiến 8 người tử vong, 8 người bị thương.
Theo phân tích của CSGT, nguyên nhân xảy ra tai nạn không chỉ cơ sở hạ tầng, nền đường xuống cấp, mà việc tổ chức hướng dẫn phân luồng, cắm biển báo trên toàn tuyến quốc lộ cũng tồn tại nhiều bất cập.
Dọc tuyến đường có nhiều nút giao lớn, tuy nhiên việc tổ chức cắm biển báo, vạch sơn chỉ dẫn không đảm bảo yêu cầu khiến dễ xảy ra xung đột các dòng phương tiện; hàng loạt lối mở để cho các phương tiện quay đầu chưa đảm bảo được an toàn, thiếu những cảnh báo cho người dân.
Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải ngày 23-7, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, nhiều đoạn đường thuộc quốc lộ 5 hiện nay đang bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.
"Chúng tôi mong muốn tốc độ, hiện cho phép đến 80km/h, sẽ giảm được đến mức tối thiểu vì bây giờ giống như là phố ở hai bên rồi. Trong khi người dân sống ở hai bên buộc phải qua đường do nhu cầu sinh sống, làm việc hằng ngày không thể khác được nên rất mong Bộ Giao thông - Vận tải và cơ quan chức năng sớm có giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông" - ông Thái nói.
Điều đáng nói là những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông trên quốc lộ 5 đã được chỉ ra từ nhiều năm nay nhưng việc khắc phục rất chậm. Trong khi những người hằng ngày lưu thông trên tuyến đường này vẫn đang phải trả phí. Cứ sau mỗi vụ tai nạn, những nguyên nhân ấy lại được nêu ra. Câu hỏi đặt ra là bao giờ Bộ Giao thông - Vận tải mới "sốt ruột" trước thực trạng này để có động thái tích cực hơn là những lời hỏi thăm nạn nhân?
Nguồn: