Phóng sự
Vỡ tín dụng đen: Hậu quả của lòng tham và nhẹ dạ
Vì vậy, Nguyễn Thị Mai nhanh chóng lấy được niềm tin ở nhiều người. Bắt đầu từ tháng 8-2015, Nguyễn Thị Mai bắt đầu huy động “tín dụng đen”. Đầu tiên là những người thân, rồi bạn bè quen biết của Mai, tiếp đến là những người không quen Mai nhưng cố gắng “gửi chỗ chị Mai để kiếm lãi suất cao”.
Nhiều người dân (ảnh trái) rơi vào cảnh điêu đứng và rất khó đòi lại tiền đã gửi cho Nguyễn Thị Mai (ảnh phải). |
Chỉ trong một thời gian ngắn, bà Hồ Thị A. (57 tuổi), trú thị trấn Sơn Tây, huyện Hương Sơn, đã dốc toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình, đồng thời vay mượn anh em, bạn bè để gửi cho Nguyễn Thị Mai 4,7 tỷ đồng nhằm lấy tiền lãi. Cả đời lao động cật lực bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng bà Phạm Thị M. (56 tuổi), trú thị trấn Sơn Tây cũng rót hết tiền nhà rồi vay mượn anh em, họ hàng để “gửi” cho Mai gần 1 tỷ đồng. Chị Trần Thị L. (32 tuổi), trú thị trấn Sơn Tây cũng nhanh chóng đưa cho Mai 1,3 tỷ đồng để lấy tiền lãi…
Khi đã vay mượn được gần 30 tỷ đồng, công việc làm ăn lại đổ bể Nguyễn Thị Mai đành “chơi bài” giống như nhiều chủ nợ “tín dụng đen” là tắt điện thoại, khóa trái cửa nhà và rời khỏi địa bàn, đồng thời tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán.
Cùng kịch bản như Nguyễn Thị Mai, trước đó Ngô Thị Trang (43 tuổi), trú huyện Đô Lương, Nghệ An còn cao tay hơn, khi ngoài vỏ bọc xinh đẹp, làm ăn lớn, Trang còn được đưa lên truyền hình địa phương là gương sản xuất, kinh doanh làm ăn giỏi. Và nhanh chóng hơn 60 người đã cho Trang vay gần 10 tỷ đồng. Sau đó tất cả đều rơi vào điêu đứng khi Trang không có khả năng thanh toán.
Cuối năm 2015, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình như trải qua một cơn địa chấn lớn khi Nguyễn Thị Thu L. (32 tuổi), cán bộ thu ngân thuộc UBND thị xã Ba Đồn tuyên bố vỡ nợ hơn 100 tỷ đồng.
Vụ việc đang được các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Bình vào cuộc giải quyết. Có điều Tết âm lịch vừa qua, nhiều nạn nhân của L. đã không có tết, dù trước khi gặp L. trong nhà có khi tiết kiệm được 5 đến 7 tỷ đồng…
Vỡ “tín dụng đen” ở nhiều tỉnh miền Trung quét từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến vùng biển. Cảnh báo nhiều, người dân nắm được thông tin, song có điều nó lại vẫn cứ liên tục xảy ra.
Sở dĩ các cá nhân gây vốn “tín dụng đen” lừa được nhiều người, với số tiền lớn là do họ sử dụng các chiêu trò và đánh trúng tâm lý của nhiều người. Khi quyết định mở cửa vay vốn “tín dụng đen”, Nguyễn Thị Mai đã tuyên bố sẵn sàng trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng.
Và từ đây nhiều người bắt đầu lao vào cho Mai vay như con thiêu thân. Những người huy động vốn như Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Thu L., Ngô Thị Trang… vào những tháng đầu tiên sau khi vay đều trả lãi cho các chủ nợ rất đúng hẹn. Thậm chí nhiều người đến nhận tiền lãi cao còn được mời cơm, có quà mang về. Sau đó, chính những người cho vay tiền đầu tiên lại trở thành chân rết của những kẻ huy động vốn.
Khi tâm lý lòng tham đã bị đánh trúng, nhiều người đã huy động, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè, cầm cố sổ đỏ, nhà cửa… lấy tiền cho vay để hưởng lãi suất cao. Hiện nay, một số đối tượng gây quỹ “tín dụng đen” còn mượn danh quen biết, hoặc có người thân, họ hàng có chức có quyền tại địa phương để gây uy tín. Thậm chí có kẻ “mượn đầu heo nấu cháo” bằng cách cầm cố nhà cửa ở ngân hàng lấy tiền mua xe xịn, sử dụng các vật dụng đắt tiền để đánh bóng hình ảnh sau đó đi huy động vốn.
Khi Ngô Thị Trang vỡ nợ, nhiều nạn nhân cùng cho biết thấy Trang trên tivi là gương làm ăn giỏi nên sẵn sàng vét những đồng tiền tiết kiệm cho Trang vay. Có người cầm cố cả nhà cửa, đi vay mượn khắp nơi để gửi cho Nguyễn Thị Thu L. lấy lãi suất cao vì đi đâu L. cũng tuyên bố: “Em vay chị từng ấy thì ăn thua gì, em là cán bộ nhà nước, tài sản em nhiều…”.
Hầu hết người dân khi gửi tiền cho các đối tượng “tín dụng đen” đều nhầm tưởng chỉ mỗi bản thân mình cho vay. Và tâm lý luôn suy nghĩ, bản thân cho vay vài tỷ nhưng đối tượng có nhà cửa, xe cộ… trị giá lớn nên đời nào bị xù nợ. Song mấy ai biết, tài sản thực của các đối tượng “tín dụng đen” nhiều khi chỉ bằng 1% giá trị tài sản mà các đối tượng đã huy động.
Theo các chuyên gia kinh tế, cũng như lãnh đạo nhiều công ty, doanh nghiệp, hiện nay rất nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sau khi khấu trừ tất cả chi phí, lãi suất ít khi đạt trên 5 đến 10% tiền vốn bỏ ra.
Vậy mà nhiều đối tượng gây quỹ “tín dụng đen” lại trả lãi suất lên đến 15%, thậm chí 20%, 40% trong lúc chính các đối tượng chẳng làm gì thì thử hỏi lấy tiền ở đâu để trả lãi suất như vậy, chỉ có cách duy nhất lấy của người này trả cho người kia, hoặc lấy chính tiền gốc các cá nhân cho vay để trả lãi cho người vay. Và sau một thời gian ngắn thì các đối tượng gây quỹ “tín dụng đen” tuyên bố không có khả năng thanh toán.
Nguồn: CAND