Bình yên xứ Nghệ
Người giữ ấm những bản làng biên giới
(Congannghean.vn)-Trước khi gặp họ, tôi luôn băn khoăn một điều là, với phận nữ nhi “chân yếu tay mềm” liệu có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến ANTT nơi bản làng biên giới?! Thế nhưng, khi được nghe người dân kể về họ, điều tôi băn khoăn đã hoàn toàn tan biến. Những “bóng hồng” là Công an viên thường trực ở huyện miền núi Quế Phong đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khiến ai cũng phải thán phục.
1. Ngay từ nhỏ, Vi Thị Lan ở bản Pà Cọ, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong là tấm gương học giỏi của cả vùng. Lớn lên, Lan cũng là một trong số ít người trong xã Hạnh Dịch học hết cấp 3. Nhà nghèo, không có điều kiện học lên đại học, Lan ở lại quê nhà tham gia phong trào đoàn thể của địa phương. Năm 2006, Lan được cử đi học lớp Trung cấp Pháp lý của Trường Chính trị tỉnh.
Đồng chí Vi Thị Lan, nữ Công an viên thường trực xã Hạnh Dịch tiếp nhận thủ tục trả chứng minh nhân dân cho người dân trên địa bàn |
Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, Lan luôn được cấp trên tin tưởng, giao nhiều công việc quan trọng. Sau khi học xong chương trình trung cấp pháp lý, chị được giao làm cán bộ 30a, phụ trách lĩnh vực tư pháp.
Trong thời gian đảm nhận nhiệm vụ, chị luôn bám địa bàn, tích cực tuyên truyền người dân trong bản chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tháng 9/2014, Vi Thị Lan được cấp ủy, chính quyền xã Hạnh Dịch giao nhiệm vụ Công an viên thường trực. Những ngày đầu tiếp cận với công việc mới, chị không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng.
“Từ lâu, tôi biết Công an là nghề nguy hiểm và vất vả. Bất kể ngày nắng hay mưa, đêm đông giá rét, mỗi khi có vụ việc liên quan đến ANTT là phải lập tức có mặt. Ngày lễ, Tết, khi dân bản quây quần bên nhau thì chúng tôi phải trực 24/24 giờ. Lúc đầu còn chưa thích nghi được nhưng sau một thời gian quen với công việc, tôi thấy yêu nghề hơn, vì được đóng góp một phần sức lực để giữ gìn sự bình yên cho bản làng”, Vi Thị Lan tâm sự.
Để đảm bảo ANTT trên địa bàn, không chỉ chị Lan mà cả Ban Công an xã nhiều lúc phải “trắng đêm” để phối hợp giải quyết nhiều vụ việc phức tạp. Những vụ mâu thuẫn gia đình, thanh niên tụ tập uống rượu rồi gây rối trật tự công cộng, người dân nghe theo kẻ xấu vận chuyển gỗ lậu, ma túy, mua bán người… đã được Công an xã kịp thời giải quyết một cách thấu tình đạt lý.
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của tình trạng mua bán phụ nữ xảy ra trên địa bàn huyện Quế Phong nói chung, xã Hạnh Dịch nói riêng, Vi Thị Lan đã tham mưu Ban Công an xã lên kế hoạch tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều chị em trong xã nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ có ý định ra nước ngoài trái phép đã được chị Lan khuyên ngăn, nhận thức rõ hành vi phạm pháp nên đã quay trở về với gia đình.
2. Ở xã Mường Noọc, khi đến Công an xã, hỏi về chị Lê Thị Thu Hoài, các đồng chí ở đây đã “tóm tắt” quá trình công tác, cống hiến của người đồng đội một cách tỉ mỉ. Với cương vị Công an viên thường trực, dù bận rộn với con nhỏ nhưng chưa lúc nào chị Hoài lơ là nhiệm vụ.
Trong ấn tượng của đồng đội, chị là người tháo vát, điển hình “dân vận khéo” trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT. Chị được giao nhiệm vụ Công an viên thường trực từ năm 2014. Đến nay đã tròn 1 năm công tác, Lê Thị Thu Hoài đã cùng đồng đội tham gia giải quyết nhiều vụ việc quan trọng trên địa bàn.
Nữ Công an viên thường trực Lê Thị Thu Hoài tích cực vận động dân bản chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước |
Đồng chí Quang Văn Quỳnh, Phó trưởng Công an xã Mường Noọc cho biết: “Đồng chí Lê Thị Thu Hoài đã góp phần tích cực trong việc giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, giữ vững ANTT trên địa bàn. Trong công việc chuyên môn, đồng chí được mọi người tin tưởng và đánh giá cao”.
Được biết, dù có con nhỏ nhưng chị vẫn luôn sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ công tác chuyên môn. Và, quan trọng hơn, sự cảm thông của người chồng và gia đình là động lực tinh thần to lớn để chị không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
“Xác định rằng sẽ gắn bó với nghề nên chưa bao giờ đồng chí Hoài lơ là nhiệm vụ của bản thân. Dù thâm niên công tác chưa nhiều nhưng bước đầu bản thân đồng chí đã thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ được giao. Trong công tác cũng như cuộc sống sinh hoạt, đồng chí Hoài luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con dân bản”, đồng chí Quang Văn Quỳnh cho biết thêm.
3. Cởi mở, hòa đồng, tận tình với mọi người nhưng không kém phần quyết liệt trước tội phạm và các loại tệ nạn xã hội. Đó là những gì tôi được nghe kể về nữ Công an viên thường trực Lang Thị Hằng ở Ban Công an thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong.
Kể từ khi đảm nhận nhiệm vụ Công an viên thường trực, đến nay đã hơn 3 năm công tác, đồng chí Hằng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với người dân nơi đây. Ở địa bàn tương đối phức tạp về tệ nạn xã hội, đồng chí đã không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và học hỏi kinh nghiệm từ đồng đội trong quá trình công tác. Chính vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị luôn có mặt kịp thời, phối hợp cùng các đồng đội giải quyết tốt các vụ việc liên quan đến ANTT, chủ động tham mưu cho đồng chí trưởng, phó Công an thị trấn các kế hoạch triển khai, phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm.
Từ ngày có “bóng hồng” Công an viên thường trực, Ban Công an thị trấn Kim Sơn có thêm “trợ lý” để giải quyết nhiều vụ việc nhạy cảm, có các đối tượng nữ vi phạm pháp luật.
Còn rất nhiều “bóng hồng” Công an viên khác mà tôi đã từng gặp và được nghe kể về những kỷ niệm khó quên trong quá trình công tác ở địa bàn vùng cao. Qua thống kê của Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Công an Nghệ An, trong tổng số 448 xã, thị trấn của tỉnh, hiện nay có khoảng 20% số xã có Công an viên thường trực là nữ.
Nếu như trước đây, rất khó để tìm được một nữ Công an viên thường trực ở xã thì vài năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền một số địa phương đã mạnh dạn bố trí cán bộ là nữ giới làm Công an viên thường trực. Đây được xem là một trong những chính sách tích cực, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc đảm bảo ANTT tại mỗi địa phương.
Họ cũng được đánh giá là những “trợ lý” đắc lực cho Ban Công an các địa phương trong suốt thời gian qua. Để những “bóng hồng” lập thêm nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, việc trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác và chế độ trợ cấp dành cho họ cũng cần được quan tâm, giải quyết kịp thời. Bởi đây là điều kiện tiên quyết, tiền đề vững chắc để họ yên tâm sống và cống hiến hết mình với nghề, góp phần tích cực vào việc giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao biên giới.
Ngọc Thái