Phóng sự
Buôn lậu đường biên: Nóng dịp cuối năm
Đã thành quy luật, cứ vào giữa tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu ở hầu hết các cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn đều trở nên sôi động, phức tạp. Bọn buôn lậu đã nghĩ ra nhiều cách tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng, đưa hàng vào trong nước tiêu thụ kiếm lời.
Căng mình chống “lũ”
Theo chân các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) lên núi “đánh lậu”, chứng kiến dòng người xé rừng, soi đèn pin đi cõng hàng lậu đông như đi hội, mới thấy mức độ khủng khiếp của thực trạng này. Theo quan sát của tôi, vào chập tối là thời điểm người dân vượt núi sang bên kia “ăn” hàng. Sớm thì nửa đêm quay về, muộn hơn thì rạng sáng, hoặc gần trưa.
Rất nhiều trong số đó là phụ nữ, trẻ em, mặt mũi nhem nhuốc, quần áo ống thấp ống cao. Lực lượng chức năng chặn chỗ này thì họ chạy chỗ khác. Hai năm qua, tại các chốt chặn, lối mòn trên núi Kha Đơ, các chiến sĩ biên phòng đã dựng 18 lán trại, căng bạt, tạo thành các chốt để ngăn dòng người cõng hàng như dòng lũ ban đêm. Cuối năm 2015 tăng thêm 12 lán. Ấy thế nhưng chỗ nào có mặt chiến sĩ biên phòng thì người dân tránh, mở đi lối khác.
Đại úy Lê Văn Chiến, Chính trị viên Phó Đồn biên phòng Tân Thanh cho biết: “Thật sự là rất khó ngăn. Nếu để ngăn được thì cứ cách một mét phải có một người canh giữ. Mà đường biên dài, dàn hàng làm sao xuể. Có đêm chúng tôi bắt hàng, chủ hàng cho “chim lợn” (là những người theo dõi động thái của cơ quan chức năng, báo cho người vận chuyển) đến xin hàng”.
Cõng hàng vượt biên trái phép. |
Đúng như lời anh Chiến, khoảng 23 giờ 30 phút, chúng tôi cùng ba chiến sĩ di chuyển từ lán chỉ huy, sát cột mốc 1098 theo đường mòn đến khu vực mốc 1096. Chợt sững lại, trước mắt chúng tôi là dòng người vừa cầm đèn pin, vừa cõng hàng chạy như dòng sông ánh sáng chảy giữa đêm rừng. Điểm đầu là địa phận Trung Quốc, điểm cuối tập kết hàng là xóm Đồng Cáu (xã Tân Mỹ). Phát hiện có lực lượng chức năng, đám “chim lợn” cầm đèn pin, dao quắm vung lên tiến về phía chúng tôi chống trả, do lực lượng mỏng nên… đành lui lại phía sau.
Thiếu tá Lều Minh Tiến, Phó trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: “Khu vực này là một địa bàn phức tạp, với hơn 13km đường biên, có nhiều lối tắt. Dù chúng tôi đã được bổ sung lực lượng, bám chốt 24/24h. Tuy vậy, lực lượng vẫn quá mỏng so với con số người đi cõng hàng”.
Đồ nghề đi đường ban đêm của dân cõng lậu là ủng, đèn pin, mũ, dây buộc và quan trọng nhất là phải có “chim lợn” thực sự tinh nhạy. Chỉ cần có người lạ mặt lảng vảng, là “chim lợn” sẽ báo ngay để đề phòng. Khi vận chuyển hàng, hễ thấy bóng “lính xanh” (Bộ đội Biên phòng) xuất hiện, hàng loạt cánh cửa sắt giữa các dãy nhà cấp 4 dưới chân đồi, trên các đường mòn lập tức đóng sập lại. Phá được cửa thì các tay cửu vạn đã ở đầu bên kia biên giới. Nếu con đường độc đạo từ Pò Chài về Tân Thanh chủ yếu hoạt động về đêm thì tại khu vực Hang Dơi, ngày cũng như đêm, dân cửu, “chim lợn” và những tay xế chuyên nghiệp hoạt động hết công suất.
Qua tìm hiểu, từ bên kia biên giới, hàng lậu được “cửu vạn” vận chuyển qua các lối mòn ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, đường Lọ Bon (Nà Lầu, Tân Thanh), Hang Dơi, Khơ Đa, gốc Bưởi thuộc xã Tân Mỹ, (Văn Lãng); đường Bãi Danh, Co Luồng, các con đường thuộc khu vực thị trấn Đồng Đăng, hai bên cánh gà cửa khẩu Chi Ma... đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Cơ quan chức năng Lạng Sơn bắt hàng lậu. |
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết, các đầu nậu thuê người dân chuyển hàng được tính theo cân. Chủ hàng trả cho người cõng vác thuê số tiền từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, tùy theo mức độ khó khăn và chiều dài của đường đi. Bình quân mỗi người cõng được 60kg. Cũng có người cõng tới 80, 90kg hàng lậu qua quãng đường 6 đến 7km. Trừ tiền ăn dọc đường, tiền “thuế” đi qua ruộng nương, mỗi người dân kiếm được từ một đến hai triệu đồng/ngày.
Công việc ấy còn thu hút cả trẻ con, có em chưa đủ 10 tuổi cũng kiếm được vài trăm nghìn mỗi ngày. Do cõng hàng thuê có thu nhập hơn rất nhiều so với việc làm ruộng nương nên bà con các xã vùng biên rủ nhau đi làm thuê kiếm sống. Bất kể ngày hay đêm, người dân đều tìm cách tuồn hàng từ bên kia biên giới, nhưng nhộn nhịp nhất là vào ban đêm, khi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng bị hạn chế.
Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là pháo, gà thải loại, quần áo, giày dép, điện thoại di động, động vật hoang dã, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, thuốc lá... Bất kể hàng gì, chỉ cần “hái” ra tiền là dân buôn lậu nhảy vào. Hàng nhập lậu với giá rẻ, mẫu mã, hình thức bắt mắt nên người trong nước ưa dùng. Đối tượng buôn lậu luôn tìm cách lách luật, và hơn thế lợi dụng tâm lý, lôi kéo người dân bắt tay, vượt biên trái phép chuyển hàng.
Trong khi đó, kiểm soát các lối mòn, ngõ tắt đường biên là lực lượng Biên phòng, nhưng họ lại sống với dân, gắn với nhân dân cùng bảo vệ, giữ đất giữ rừng. Cho nên trong quá trình xử lý, Bộ đội Biên phòng không tránh khỏi khó khăn, và buộc phải có những biện pháp mềm dẻo, tránh đối đầu, do đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu tranh.
Nắm bắt được điều này, không ít người dân cố tình lấn tới, cho rằng mình có quyền vượt biên, có quyền kiếm tiền, dẫu là sai phạm. Dần dần, việc làm này thu hút nhiều người dân các tỉnh lân cận, bất chấp rủi ro và muôn nỗi nhọc nhằn, thậm chí phải đu dây, treo mình trên vách đá. Hỏi chuyện nhiều người dân, kể cả cửu vạn vác hàng thuê, họ đều cho rằng: “Đói thì đầu gối phải bò”. Cách trả lời đó, một phần là sự ỷ lại, bao biện, nhưng kèm theo đó phản ánh thực tế đời sống của người dân.
Anh Lăng Văn Quy, trú tại xóm Đồng Cáu, xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn) cho hay: “75 hộ của xóm nếu ai còn khỏe thì đi cõng hàng. Mỗi hộ trong xóm cũng cử người đi chặn dòng người cõng hàng (địa phương khác) đi qua nương khu vực cột mốc 1096, cách cửa khẩu Tân Thanh vài cây số, thu 20 nghìn đồng/người/lượt. Họ đi qua đất mình mà! Một số người thì đi bán nước và đồ ăn, phục vụ cho người cõng hàng”.
Xác nhận thông tin này, ông Lăng Văn Vấy (58 tuổi) cho biết thêm: “Trước đây nhà nước bảo chúng tôi bám đất bám rừng. Chúng tôi vẫn làm, nhưng vẫn nghèo. Nghèo thì chúng tôi phải làm thôi”. Đây đúng là cách chối quanh khó chấp nhận. Trong số những người được hỏi chuyện, ấn tượng nhất là Lăng Văn Tiến, trú tại huyện Văn Quan.
Sau cả đêm cõng hàng lẩn trốn, đói quá phải ra mua đồ ăn, Tiến bị lực lượng Biên phòng Tân Thanh “tóm”. Cậu thanh niên vừa tròn 20 tuổi cho biết, nhà nghèo, nghe bà con khu vực vùng biên cõng hàng kiếm được tiền nên cậu và em trai rủ nhau ra thị trấn Đồng Đăng thuê nhà trọ, nhập đội “bay hàng qua biên”. Lúc đầu Tiến quanh co như nhiều “cửu vạn” khác, nhưng cuối cùng đều nói vì mưu sinh nên phải dấn thân.
Nói gì thì nói, người dân cũng đã được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, không tiếp tay cho buôn lậu. Họ thậm chí còn cam kết với cơ quan chức năng không vi phạm, nhưng vẫn bị lợi nhuận “xui”... tái phạm. Ông Hoàng Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ khẳng định: “Rất khó nói người dân khi không có chính sách công ăn việc làm hợp lý. Các mô hình trồng nấm, cây ăn quả trong xã không phát huy được và chẳng đủ sức hấp dẫn bà con nên lúc nông nhàn là bà con đi vác hàng thuê. Lực lượng thanh niên cũng bỏ làm ở công ty, cuốn theo guồng quay ấy”.
Trước vấn đề này, bà Đặng Thị Ngân, Chi cục phó Hải quan Tân Thanh cho biết: “Tuyến biên giới Lạng Sơn rất dài. Nói gì thì nói, các cơ quan chức năng không rải người ra kín được. Mỗi lán cắm chốt chỉ ba đến bốn người một ca. Trong khi đó, cửu vạn nhiều, họ đi hàng trăm người. Kể cả sự phối hợp của các lực lượng chức năng, cũng chỉ bắt cơ động thời điểm nào đó, chứ bây giờ không thể đem cả trăm nghìn người ra chặn. Vẫn là ý thức người dân nhìn thấy cái lợi trước mắt quá cao nên nghĩ ra nhiều chiêu qua mặt cơ quan chức năng”!
Tìm giải pháp triệt để
Chống buôn lậu luôn là việc khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang quá chú trọng giải quyết phần ngọn, mà chưa chú trọng phần gốc. Đó là tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Cùng với đó là tìm cách “bịt” thị trường tiêu thụ hàng giả, hàng nhái trong các chợ và trung tâm thương mại nội địa. Tức là làm tốt công tác kiểm soát, để hàng lậu (không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả rẻ mạt gắn mác “hàng xịn”) không còn đất sống.
Một khi không còn nơi tiêu thụ, thì tự động hàng lậu hạn chế thẩm lậu. Hay như có một giải pháp mà không ít đơn vị đã làm, đó là điều chuyển cán bộ, không để cán bộ ở một vị trí lâu năm, dễ tạo mối quan hệ sâu, dẫn đến việc bao che, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu. Một giải pháp khác, là sớm có chính sách hỗ trợ nghề nghiệp, giúp bà con dân tộc thiểu số vùng biên ổn định cuộc sống.
Việc giải quyết bài toán an sinh xã hội này không dễ nhưng có thể làm được. Trước mắt, cần có cán bộ tuyên truyền giỏi, khơi gợi sự nhập cuộc từ chính những người dân, những người dám đứng lên bảo vệ quyền lợi cho chính cộng đồng của họ, tránh tình trạng ỷ lại, làm chân rết, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.
Nguồn: Cand.com.vn