Phóng sự

Xuân sớm ở biên cương

09:43, 03/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Keng Đu - xã biên giới của huyện miền núi Kỳ Sơn với 25 km đường biên giới, được ví như “cổng trời”, có đỉnh Pù Pà Tặc ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển là nơi khởi nguồn của dòng sông Nậm Nơn chảy vào đất Việt. Với đồng bào Khơ Mú nơi đây, mùa xuân năm nay đến sớm hơn khi điện chiếu sáng chuẩn bị về đến bản làng sau nhiều năm sống chung cùng bếp lửa, đèn dầu.

Từ trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn, chúng tôi vượt gần 80 km, trong cái lạnh tê tái, xuyên giữa những lớp sương mù dày đặc trên những cung đường ngoằn ngoèo chạy giữa các đỉnh núi để đến với đồng bào Khơ Mú ở xã biên giới Keng Đu. Những ngày này, bà con đang háo hức chờ đón ánh điện về bản xa để đón một cái Tết cổ truyền ấm áp.

Bản Keng Đu 1, xã Keng Đu hôm nay
Bản Keng Đu 1, xã Keng Đu hôm nay

Chủ tịch UBND xã Keng Đu Lương Văn Ngam vui mừng chia sẻ, mùa xuân năm nay là sự khởi đầu cho nhiều đổi thay trên quê hương. Ở địa bàn đặc biệt khó khăn với 90% dân số là đồng bào Khơ Mú, 76% hộ nghèo như Keng Đu thì việc điện được kéo về tận các bản là một sự kiện lịch sử, dấu mốc lớn, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn góp phần thay đổi nhận thức của bà con dân bản.

Đổi thay nơi “phên dậu” Tổ quốc

Đại úy Trần Hưng Việt, Đội phó Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Keng Đu dẫn chúng tôi đến thăm một số bản làng xa xôi cho biết, so với các địa bàn biên giới khác của huyện Kỳ Sơn thì Keng Đu là xã có nhiều đặc thù. Hiện nay, nơi đây không chỉ thiếu điện thắp sáng mà sóng điện thoại cũng chập chờn, cả xã chưa có chợ tập trung. Trung tâm hành chính xã chỉ cách đường biên 7 km trong khi biên giới chung với Lào kéo dài 25 km, trong đó có 9 km đường sông. Mặc dù đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp song những năm qua, với nỗ lực của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự giúp đỡ của cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu và công tác bám bản thường xuyên của Công an phụ trách xã huyện Kỳ Sơn, đời sống của đồng bào Khơ Mú đã có nhiều khởi sắc.

Keng Đu từ nhiều năm nay được đánh giá là xã biên giới bình yên nhất, tình hình ANTT được giữ vững. Đây cũng là đơn vị cấp xã không có người nghiện ma túy phải đi cai nghiện tập trung. Tình hình an ninh nông thôn và an ninh biên giới luôn ổn định, hàng năm không xảy ra vụ việc phức tạp về ANTT.

Nhờ sự giúp đỡ, phối hợp và hỗ trợ thường xuyên của Đồn Biên phòng Keng Đu, bà con ngày càng hăng hái tham gia phát triển kinh tế với các ngành nghề đa dạng. Từ chỗ đặc thù chỉ phát nương làm rẫy, đến nay đã xây dựng thành công nhiều mô hình trang trại, chăn nuôi kết hợp vườn - ao - chuồng. Nhiều hộ gia đình từ đói nghèo đã vươn lên phát triển kinh tế, con cái thành đạt. Điển hình như trường hợp của gia đình ông Cụt Phò Lan, đảng viên đầu tiên của đồng bào Khơ Mú ở Keng Đu. Ông Lan được biết đến là người đi đầu trong phát triển kinh tế khi biết kết hợp nuôi bò với chăn dê và trồng lúa nước. Trong số 7 người con của ông, có 4 đảng viên là công chức Nhà nước, bản thân ông Lan dù đã 75 tuổi nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã.

Tết ở Keng Đu

Kể cho chúng tôi nghe về sự học ở nơi đây, thầy giáo Ngô Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Keng Đu cho biết, giống như nhiều địa bàn xa trung tâm của Kỳ Sơn, tình trạng bỏ học, tảo hôn cũng xảy ra trong một bộ phận học sinh ở Keng Đu nhưng đây đã là chuyện quá khứ. Toàn xã có 10 bản, trong đó những bản như Khe Linh, Keng Đu 1, Huồi Xui… từ trung tâm xã phải đi bộ mất 3 giờ mới đến bản. Dù cách trung tâm xã khoảng 15 km đường chim bay nhưng hệ thống các trường mầm non, tiểu học đã được “phủ sóng” đến tận nơi. Mỗi năm, Keng Đu có trên 100 học sinh rời bản về trung tâm huyện để theo học cấp THPT.

Người dân Huồi Xui 1 trông chờ ánh điện chiếu sáng bản làng
Người dân Huồi Xui 1 trông chờ ánh điện chiếu sáng bản làng

Trở lại với câu chuyện đón năm mới của đồng bào Khơ Mú, Chủ tịch UBND xã Lương Văn Ngam chia sẻ, đồng bào Khơ Mú thường đón Tết sớm; ngay sau mùa gặt trên nương, nhà nhà bắt đầu chuẩn bị đón năm mới và kéo dài cho đến hết Tết cổ truyền của người Kinh. Từ thời điểm cuối tháng 10 âm lịch hàng năm, các gia đình tự xem ngày lành tháng tốt, thích thời điểm nào thì tự tổ chức Tết vào ngày đó. Bà con Khơ Mú đón Tết không lãng phí, không ồn ào nhưng nhất thiết phải có một con gà, mâm xôi và vò rượu cần. Sau khi làm lễ cúng “giàng”, tùy theo mức độ thân hay sơ mà mời thêm một số hàng xóm láng giềng đến để chung vui. Trong ngày Tết cổ truyền, trai gái trong bản tổ chức các hoạt động văn hóa, thổi kèn Pi tìm bạn đời. Bộ đội Biên phòng cũng vui Tết với đồng bào, đốt lửa trại, uống rượu cần trong đêm giao thừa để bà con dân bản đến nhảy múa, chung vui.

Nói về sự đổi thay của đồng bào Khơ Mú ở xã biên giới Keng Đu, ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phấn khởi cho biết: “Những năm gần đây, Keng Đu đã có sự đổi thay rất lớn về kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng được đảm bảo. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng và các tổ chức, đoàn thể, Keng Đu ngày càng thay da đổi thịt. Đặc biệt, ở vùng đất này hiện nay không còn tình trạng trồng cây thuốc phiện và di dịch cư trái phép. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an. Họ đã kiên trì bám bản, gần gũi, giúp đỡ nhân dân để mang lại cuộc sống ấm no, bình yên cho bà con nơi “phên dậu” Tổ quốc”.


Xã Keng Đu có 826 hộ, 4.094 khẩu với 2 dân tộc Thái và Khơ Mú, sinh sống ở 10 xóm, bản. Keng Đu là xã biên giới giáp ranh với nước bạn Lào, cách trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn gần 80 km, có 25 km đường biên giới. Đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã cho phép UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Kiểm dịch, Ban quản lý cửa khẩu… phối hợp với Cục Hải quan, bố trí lực lượng làm thủ tục đối với hàng hóa XNK và phương tiện XNC qua lối mở Keng Đu. Trước đó, vào tháng 9/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép thực hiện hoạt động XNK hàng hóa qua lối mở Keng Đu nhằm phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa qua khu vực Keng Đu.

Thiện Thành

Các tin khác