PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Dữ liệu
Sáng 08/11/2024, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu. Các đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu, đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia; đồng thời cũng đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Cơ quan soạn thảo (Bộ Công an chủ trì), dù đây là dự án luật mới và rất khó, song đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, đến nay đã cụ thể hóa được các chính sách.
Cấp thiết xây dựng Luật Dữ liệu
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Thị Hồng Yến (Bình Thuận) cho biết, những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc hoàn thiện pháp luật quy định những chính sách phát triển và ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) được xác định là nhiệm vụ quan trọng.
"Vì vậy, tôi cho rằng việc xây dựng Luật dữ liệu là hết sức cần thiết và cấp thiết để có thể bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ đã được xác định trong công tác chuyển đổi số, tạo được sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, cũng như phát triển KTXH, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, phù hợp với tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế", bà nêu quan điểm.
Đại diện Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tại phiên thảo luận. |
Đại biểu cũng đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Cơ quan soạn thảo, dù đây là dự án luật mới và rất khó, song đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, đến nay đã cụ thể hóa được các chính sách. Nữ đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉnh lý khái quát các điều kiện trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu tại Điều 49 dự thảo Luật. Đối với những nội dung hết sức chi tiết, đề nghị nên giao Chính phủ quy định để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý, tổ chức thực hiện được linh hoạt, hiệu quả và khả thi.
ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu đã có căn cứ pháp lý. Về thực tiễn, nước ta đã có 7 cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu kết nối liên thông, góp phần cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho người dân... Tuy nhiên, còn những bất cập như một số bộ, ngành, địa phương chưa có đủ hạ tầng để triển khai, dữ liệu thu thập, lưu trữ trùng lắp, chồng chéo, nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khó khăn trong khai thác, liên thông... "Cho nên, việc luật hoá dữ liệu là hết sức cần thiết", đại biểu nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), đây là dự án Luật quan trọng, cần thiết để bảo đảm công tác chuyển đổi số quốc gia, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay, giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến phát biểu tại phiên thảo luận. |
Đề nghị quy định cụ thể trường hợp dữ liệu bị cấm chuyển ra nước ngoài
Liên quan việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, ĐBQH Phạm Văn Hoà bày tỏ đồng tình. Tuy nhiên, đề nghị cần thận trọng việc bảo vệ dữ liệu bí mật của tổ chức, cá nhân, không để kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, trục lợi bằng nhiều hình thức khác nhau. Bảo vệ chủ quyền số và lợi ích quốc gia, nhưng cũng bảo đảm hài hoà thông lệ quốc tế, không cản trở luồng dữ liệu an toàn, tự do biên giới. "Ngoài ra, cũng cần xác định cụ thể các trường hợp bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này", đại biểu góp ý.
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng cũng đánh giá đây là một nội dung mới, giúp thúc đẩy việc trao đổi dữ liệu, nắm bắt thông tin của thị trường quốc tế và giúp các nước trên thế giới thuận lợi trong việc tìm hiểu nền văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Đồng thời, việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường, mở rộng nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển nền kinh tế mạnh mẽ...
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng phát biểu tại phiên thảo luận. |
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, luồng dữ liệu phi biên giới ngày càng gia tăng, ông cho rằng, đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để quản quản lý chặt chẽ dữ liệu chuyển ra nước ngoài. "Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xác định các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài; quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu; trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố về dữ liệu; quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc giải quyết, quyết định việc chuyển giao dữ liệu và tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong công tác quản lý...
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an