PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Dự thảo quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc
Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023) đã có những bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ nạn nhân, trong đó việc quy định về biện pháp cấm tiếp xúc đóng vai trò then chốt. Theo quy định của Luật, biện pháp này nhằm ngăn chặn người có hành vi bạo lực gia đình tiếp cận và gây tổn hại cho nạn nhân, bảo đảm an toàn cho họ cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo quy định tại khoản 6 Điều 49 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 giao Bộ Công an ban hành văn bản hướng dẫn công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.
Để bảo đảm biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện có hiệu quả, việc giám sát đóng vai trò rất quan trọng, góp phần ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tái diễn; bảo vệ trực tiếp tính mạng, sức khỏe của nạn nhân; bảo đảm thực thi nghiêm minh pháp luật và góp phần xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh. Việc giám sát cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan. Giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc là biện pháp quan trọng bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Việc thực hiện hiệu quả công tác giám sát sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình, xây dựng xã hội văn minh, an toàn.
Ngăn chặn người có hành vi bạo lực gia đình tiếp cận và gây tổn hại cho nạn nhân, bảo đảm an toàn cho họ cả về thể chất lẫn tinh thần. |
Xuất phát từ các lý do trên, căn cứ quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết, bảo đảm việc thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc theo quy định của Luật có hiệu quả.
Theo đó, dự thảo Thông tư gồm 17 Điều và 02 biểu mẫu quy định công tác giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, một số nội dung cơ bản của dự thảo quy định về: Phân công người giám sát thực hiện Quyết định cấm tiếp xúc; Xây dựng, phê duyệt và ban hành Kế hoạch thực hiện việc giám sát; Việc xử lý khi người bị giám sát vi phạm Quyết định cấm tiếp xúc; Kết thúc việc giám sát; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện việc giám sát...
Phân công người giám sát thực hiện Quyết định cấm tiếp xúc
Về phân công người giám sát thực hiện Quyết định cấm tiếp xúc, dự thảo quy định, ngay khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, trong thời hạn 06 giờ làm việc và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình, Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Công an cấp xã) phải ra Quyết định phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc sau khi trao đổi với Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở.
Việc ra Quyết định phân công người giám sát phải căn cứ vào nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh của người bị giám sát; căn cứ vào nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh, năng lực và khối lượng công việc của người được phân công giám sát. Một người có thể được phân công giám sát nhiều người nhưng không quá 03 người trong cùng một thời điểm.
Trong quá trình thực hiện giám sát, nếu người giám sát không có điều kiện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được phân công thì Trưởng Công an xã phải kịp thời phân công người khác thay thế.
Xử lý khi người bị giám sát vi phạm Quyết định cấm tiếp xúc
Về xử lý khi người bị giám sát vi phạm Quyết định cấm tiếp xúc, dự thảo Thông tư nêu rõ, khi phát hiện hành vi vi phạm Quyết định cấm tiếp xúc thì người được phân công giám sát báo ngay cho Công an cấp xã tiến hành kiểm tra, xác minh và lập biên bản.
Người bị giám sát vi phạm quy định về cấm tiếp xúc thì bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Người bị giám sát vi phạm quy định về cấm tiếp xúc thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 60 ngày, chi tiết tại đây.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an